Không thể tự bơi...
Đầu năm giải cứu chuối, dưa hấu; giữa năm giải cứu lợn và không biết sẽ còn bao nhiêu cuộc giải cứu nữa. Câu chuyện giải cứu các sản phẩm nông sản dường như đã trở thành quen thuộc. Quen đến độ sốt ruột. Tại nghị trường Quốc hội, một lần nữa, vấn đề này lại được đem ra mổ xẻ.
Có lúc đua nhau nuôi cá da trơn, không tiêu thụ được, nhiều hộ chăn nuôi phải “treo ao”.
Chứng kiến vụ giải cứu đàn lợn hồi tháng 4 vừa qua, không ít ý kiến đưa ra nhận định rằng, sở dĩ người nông dân bị rơi vào hoàn cảnh ế ẩm đàn lợn là do họ đã chăn nuôi một cách ồ ạt, tăng đàn một cách vô tội vạ, không quan tâm đến thị trường đang cần gì và số lượng bao nhiêu… Một số vị lãnh đạo ngành nông nghiệp không ít lần lý giải rằng, Bộ này đã nhiều lần cảnh báo bà con nông dân cần thận trọng, không nên tăng đàn ồ ạt trong thời điểm nguồn cung đang dư thừa, thế nhưng bà con nông dân vẫn làm theo ý mình; tuy rằng lãnh đạo Bộ cũng bày tỏ sự chia sẻ với bà con nông dân và nhận phần trách nhiệm.
Tương tự, Bộ Công thương, khi nói về thực trạng nông sản tồn ứ, cũng chỉ đưa ra một nguyên nhân là do bà con nông dân cứ ồ ạt trồng trọt, ồ ạt chăn nuôi... bất chấp cảnh báo rủi ro từ các bộ ngành. Nói như vậy, cũng hàm ý rằng, để xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, nông sản được mùa dội chợ là do lỗi của bà con nông dân đã phá vỡ quy hoạch, ồ ạt sản xuất theo phong trào. Tuy nhiên, nếu đổ lỗi cho nông dân hoàn toàn như vậy là bất hợp lý. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu quy hoạch của các bộ, ngành đã đúng, đã trúng chưa hay chưa? Và việc nhà quản lý vẫn đang để người nông dân tự bơi với sản phẩm của mình, “mù tịt” thông tin thị trường như hiện nay, liệu nhà quản lý đã làm hết trách nhiệm?
Trao đổi với báo giới, TS Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thành viên nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã không ít lần đưa ra nhận định rằng, lỗi ở đây không phải do nông dân mà chính do năng lực của hai Bộ NN&PTNT và Công thương về trách nhiệm trong việc để nông sản rơi vào tình trạng tồn ứ phải “giải cứu”. Theo vị chuyên gia này, hai bộ này thiếu hệ thống cảnh báo, thông tin thị trường kịp thời cho các ngành sản xuất nông sản, ngành chăn nuôi. Còn vấn đề nguồn cung vượt cầu, vị chuyên gia cho rằng không cần giải pháp mà để tự thị trường điều chỉnh, nông dân sản xuất nông sản không đảm bảo chất lượng, không liên kết tiêu thụ thì sẽ tự họ ngừng sản xuất, nguồn cung tự cân đối với nhu cầu.
Người nông dân bản chất cần cù, chịu khó. Vì vậy, nếu nhà quản lý có định hướng cụ thể, thông tin thị trường xác đáng và tạo sự kết nối “4 nhà”: nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất, DN một cách chặt chẽ, thì chắc chắn sẽ không có chuyện bà con cứ ồ ạt trồng, ồ ạt nuôi mà không cần biết đầu ra sẽ đi đâu, về đâu như đã và đang diễn ra trong thời gian qua. Bởi vậy, nếu để cho người nông dân “tự bơi” rồi lại đổ lỗi cho người nông dân, đó thực sự là biểu hiện thiếu trách nhiệm của nhà quản lý, thực sự có lỗi lớn với bà con nông dân.
Nói về vấn đề quy hoạch hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp vẫn theo lối hành chính, cứng nhắc khi định hướng vùng này trồng cây gì, nuôi con gì. Đề ra quy hoạch nhưng không hề quan tâm đến đầu ra cho bà con nông dân, không định hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân… đó là bất cập lớn trong công tác quản lý hiện nay.
Bởi vậy, theo nhận định của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, để gỡ khó cho nông sản, trước hết chính cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi cách điều hành, quản lý của mình, thay đổi tư duy hành chính, sở hữu và can thiệp sang tư duy gắn kết với thị trường một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, người quản lý cần phải xác định được rõ vai trò, trách nhiệm của cá nhân mình, không thể kéo dài mãi tình trạng “thành công thì anh được tiếng, còn thất bại anh lại chối bỏ trách nhiệm”. Nếu vẫn giữ tư duy đó, thì không chỉ ngành nông nghiệp, mà bất cứ ngành kinh tế nào cũng đều khó có thể phát triển được.
Quay trở lại với câu chuyện giải cứu nông sản thời gian qua, trả lời chất vấn trước Quốc hội trong phiên họp mới đây, Bộ trưởng Bộ NN và PTNN Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là vấn đề, tồn tại chung của ngành nông nghiệp, vì sức sản xuất của nông nghiệp Việt Nam quá lớn nhưng khâu tổ chức thị trường, chế biến còn yếu. Đặc biệt khi hội nhập thế giới thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn, phải được hoàn thiện. Do vậy, từng ngành hàng cần có thời gian, thay đổi tư duy quản lý, đầu tư…
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng thừa nhận, do những bất cập nội tại nên trong thời gian ngắn không thể tránh khỏi tình trạng nơi này thừa, nơi kia thiếu.Và Việt Nam sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất, nhà máy… để đáp ứng nhu cầu thị trường. Dù khẳng định chặng đường này còn nhiều gian khổ gian nan, song người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng khẳng định rất chắc chắn rằng “gian khổ mấy cũng phải làm”. Dư luận kỳ vọng, với những quyết tâm của ngành nông nghiệp cũng như tất cả bộ, ngành, địa phương… thời gian tới, câu chuyện giải cứu nông sản sẽ không còn là “chuyện cơm bữa” ám ảnh người nông dân Việt Nam.
Nhận định của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, để gỡ khó cho nông sản, trước hết chính cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi cách điều hành, quản lý của mình, thay đổi tư duy hành chính, sở hữu và can thiệp sang tư duy gắn kết với thị trường một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, người quản lý cần phải xác định được rõ vai trò, trách nhiệm của cá nhân mình, không thể kéo dài mãi tình trạng “thành công thì anh được tiếng, còn thất bại anh lại chối bỏ trách nhiệm”. Nếu vẫn giữ tư duy đó, thì không chỉ ngành nông nghiệp, mà bất cứ ngành kinh tế nào cũng đều khó có thể phát triển được. |