Cứu các dòng sông Hà Nội: Thiếu đồng bộ
Hà Nội một lần nữa đề xuất phương án “làm sống lại” 4 dòng sông là Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy. Đây là 4 con sông đang phải đương đầu với sự ô nhiễm nặng, từ sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, so sánh với thực tế, dường như mục tiêu của TP Hà Nội vẫn sẽ khó thành hiện thực.
Nhiều con sông của Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều con sông của Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Phương Nhi).
Năm 2004, tiếp đến năm 2007, rồi năm 2009, TP Hà Nội không ít lần đưa ra phương án tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy, những con sông bị ô nhiễm nguồn nước nặng, vì nước thải sinh hoạt của khu dân cư, làng nghề, vì sự phát triển chưa đồng bộ của TP Hà Nội.
Các phương án ấy đã vấp phải những “chướng ngại chưa thể vượt qua”, từ nguồn kinh phí thiếu thốn, từ hệ thống xả thải cũ rích có độ tuổi sáu bảy mươi năm, từ sự thiếu đồng bộ của nhiều lĩnh vực giao thông, xây dựng, điện, nước… Có lẽ, kể từ khi đề xuất các phương án, 13 năm qua, cơ bản chỉ có cảnh quan được cải thiện, trong khi đó chất lượng các con sông, đặc biệt nguồn nước, được coi “chết lâm sàng”.
Sông Tô Lịch, chiều dài 14,3 km, chảy qua quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội), sông Tô Lịch đang chịu sự xả thải trực tiếp nguồn nước thải từ các khu dân cư, hệ thống nhà hàng khách sạn… dọc theo bờ sông. Chính vì vậy, tại nhiều đoạn sông, lượng DO (ô xi hòa tan) thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép. Khuẩn Coliform, tổng chất rắn TSS, hàm lượng amoni, ô xi sinh học trong nước… đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Nhiều đoạn trên sông Tô Lịch, bằng mắt thường có thể cảm nhận nước đen kịt. Mùi hôi thối nồng nặc, đặc biệt những ngày nắng nóng.
Tương tự, sông Tích, chảy qua các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa… ngày càng cạn kiệt nước, nhiều đoạn sông đã chết, còn chơ cọc đá. Sự ô nhiễm ở nhiều đoạn như Phúc Thọ, Quốc Oai, do sự xả thải từ làng nghề, các khu, cụm công nghiệp đã là đỉnh điểm. Các chỉ số đo được đều vượt gấp nhiều lần cho phép. Ô nhiễm nguồn nước vùng đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng.
Sông Đáy, sông Nhuệ, cũng không nằm ngoài sự khả quan có thể tiên lượng. Hàm lượng COD, BOD5 vượt giới hạn từ 2,2 đến 9 lần. Chỉ số DO có giá trị nhỏ hơn 1mg/l, hàm lượng NH4 vượt quá giới hạn từ 0,4 đến 11 lần. Hàm lượng vi khuẩn Coliform có đoạn vượt quá tiêu chuẩn 30 lần… Sự cố môi trường vùng hạ lưu sông Nhuệ đầu năm 2016 là báo động đỏ cho chất lượng nguồn nước các con sông đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội.
“Sự ô nhiễm của sông Tô Lịch, sông Tích, sông Đáy và sông Nhuệ có thể cảm nhận thường ngày. Ô nhiễm nguồn nước đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, lan sang cả môi trường. Dù đã có những cải thiện, song để làm sống lại thực chất 4 con sông chảy qua thành phố, cần nhất sự đồng bộ của tổng lực các ngành nghề, vì các giải pháp đưa ra mới chỉ dừng ở giải pháp tình thế”- ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng bộ tổng lực, đây là “khó khăn chính” để những lần đề xuất giải pháp trước của TP Hà Nội đều không đạt như ý nguyện. Đơn cử như vấn đề kiểm soát xả thải của các khu dân cư, làng nghề ra các sông của TP Hà Nội. Đường ống cũ từ nhiều thập niên thế kỷ trước, không có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường sông. Đào lên xử lý thì vấp phải vấn đề xây dựng, điện, nước của địa phương. Nhiều hạ tầng cơ sở mọc lên thậm chí cản trở xử lý hệ thống ngầm, dòng chảy.
Nói như TS Đào Ngọc Nghiêm- Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TP Hà Nội dù có kiếm đủ kinh phí, cũng khó thể thực hiện “giải cứu” các con sông, khi bản chất quy hoạch TP Hà Nội đang “thiếu và yếu” chiều sâu. Nhiều địa bàn quy hoạch phát triển theo phương châm “địa phương hóa”, quên đi tổng thể quy hoạch bản lề, thậm chí phá vỡ quy hoạch của TP. 3 lần chưa thực hiện được, lần thứ 4 này, nếu như không có những tính toán chiến lược cụ thể, phương án “làm sống lại” các con sông của TP, có lẽ tiếp tục dừng ở trên giấy.
Ước mơ về những con sông đầy ắp nước xanh, chảy trong lòng và xung quanh TP Hà Nội bao giờ sẽ thành hiện thực? Lá phổi Thủ đô đang chờ những đề xuất phương án mang tính khả thi hơn là tròn trịa những con số.
Mục tiêu TP Hà Nội đến năm 2020, hoàn thành việc tách nước thải đưa về xử lý tập trung trước khi đổ vào sông, hồ, 100% người dân ở nông thôn được dùng nước sạch. 100% các khu, cụm công nghiệp hoàn thành hệ thống nước thải tập trung. 100% các bệnh viện và trung tâm y tế thành phố có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường… |