Giữ 'báu vật' cho Cao Sơn
Ở vùng cao này, có một loại mận đặc sản nức tiếng thơm ngon, người dân địa phương gọi là “Chí khơ”, còn người vùng thấp lên đây gọi là mận hậu Cao Sơn. Chí khơ được người dân trồng trong vườn nhà, gìn giữ như “báu vật” và giờ đây đang là cây trồng giúp họ làm giàu.
Mận Cao Sơn ngon thơm nổi tiếng.
Trên độ cao 1.200 m so với mực nước biển, xã Cao Sơn (Mường Khương) bốn mùa mây phủ, khí hậu mát lành rất phù hợp phát triển các loại cây ăn quả ôn đới như đào, mận, lê… Ở vùng cao này, có một loại mận đặc sản nức tiếng thơm ngon, người dân địa phương gọi là “Chí khơ”, còn người vùng thấp lên đây gọi là mận hậu Cao Sơn. Chí khơ được người dân trồng trong vườn nhà, gìn giữ như “báu vật” và giờ đây đang là cây trồng giúp họ làm giàu.
Tôi biết Chí khơ trong một lần tình cờ lên xã Cao Sơn công tác. Anh bạn cùng quê là giáo viên của Trường Tiểu học Cao Sơn giới thiệu và mời tôi thưởng thức một loại trái cây, mà theo anh là “độc nhất mận”. Loại mận này quả to, vỏ xanh, hơi ngả vàng khi chín, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn.
Quả thực, khi nghe anh quảng cáo, tôi chẳng mấy tin, mọi ngờ vực chỉ được xóa tan khi tôi thưởng thức trái mận đầu tiên. Vị ngọt của loại mận này rất thanh, không quá gắt và hoàn toàn không có vị chua; hạt mận cũng không dính vào thịt quả như những giống mận khác. Đúng như người bạn ví von: Ăn một quả mận mà như muốn “nuốt theo cả lưỡi”.
Tôi định bụng mua vài kg mang về biếu người thân, bạn bè để thưởng thức nhưng anh bạn bảo: “Chú lên muộn rồi, giờ là cuối mùa mận, biết chú lên chơi, tôi phải vào thôn cả buổi chiều mới kiếm được vài quả cho chú ăn thử. Mận này chín rộ trong 1 tuần là hết, người ta thường phải đặt mua từ trước, vì thế đến mùa thu hoạch vẫn khó mua. Hẹn chú mùa mận năm sau lên đây thưởng thức và mua về làm quà. Mận chín, tôi sẽ gọi”.
Từ lời hứa với anh, hơn thế là mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về giống mận quý này nên chẳng đợi, tôi đã trở lại Cao Sơn trong mùa mận mới khi trái vẫn còn xanh.
Lần này, bạn đồng hành của tôi là nữ cán bộ khuyến nông xã tên là Châu. Theo chị Châu, mận hậu Cao Sơn được trồng nhiều nhất ở thôn Ngải Phóng Chồ - thôn cao nhất xã, một phần ở thôn Cao Sơn và một số thôn khác. Đặc biệt, chỉ trồng ở thôn Ngải Phóng Chồ và thôn Cao Sơn, cây mận hậu mới sai quả và chất lượng thơm ngon nhất.
Ngược tuyến đường bê tông dốc đứng, chúng tôi tìm đến nhà ông Thào Seo Páo, nguyên Bí thư Đoàn xã, đồng thời là cán bộ y tế của Phòng khám Đa khoa khu vực Cao Sơn đã về hưu. Ông Páo năm nay 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Gia đình ông là một trong những hộ trồng mận hậu lâu đời nhất và giữ được những cây mận có tuổi đời trên 50 năm. Ông Páo gọi đây là cây “mận tổ”, vì từ cây mận này, nhiều cây mận “con” đã ra đời trên mảnh đất này. Đây cũng là những cây mận cho trái ngon nhất.
Vừa dẫn tôi ra vườn mận được rào cẩn thận bằng tre, ông Páo vừa trầm ngâm kể lại quá trình “đấu tranh” với con cháu để đưa cây mận hậu về trồng, rồi việc phá mận trồng cây ngô, cây lúa vì cuộc sống gia đình.
Theo ông Páo, chính ông cũng chẳng biết Chí khơ được trồng ở Cao Sơn từ bao giờ, khi lớn lên, bắt đầu hiểu biết, ông đã thấy mận hậu mọc ở khắp nơi. Nghe các cụ kể lại, giống mận này được một người dân trong thôn lấy tận trên núi cao về trồng. Những cây mận mọc từ khi ông còn bé nay đã già cỗi và chết theo thời gian; cũng có cây bị người dân phá bỏ vì trước đây không mang lại hiệu quả kinh tế.
Để giữ lại những cây mận trong vườn nhà, đã có lúc ông Páo phải sử dụng cái uy của người chồng, người cha trong gia đình, thậm chí đánh đổi cả miếng cơm manh áo của vợ con ông lúc bấy giờ. Những năm tháng ấy, cái đói, cái nghèo cứ bủa vây thôn, bản, khiến không ít cây mận quý phải nằm xuống để nhường chỗ cho nương lúa, nương ngô. Chính vì sự cương quyết của những người như ông Páo mà giống mận ngon tồn tại đến ngày nay. Những cây mận lâu năm ở Cao Sơn bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Thào Seo Páo bên gốc mận hậu hơn 50 năm tuổi.
Theo kinh nghiệm của ông Páo, mận hậu Cao Sơn khá “khó tính”, bởi nếu trồng xa nhà quá, hoặc bón nhiều phân cũng đều cho quả không ngon. Mận trồng sẽ không “khó tính” với những người tận tâm và có kinh nghiệm. Cách đây chục năm, 30 cây mận trong vườn nhà ông mỗi năm đều đặn cho thu vài tạ quả ngọt, để ông có chút tiền trang trải thêm cho cuộc sống.
Với niềm tin cây mận có thể giúp gia đình phát triển kinh tế và làm giàu, từ năm 2011, ông Páo đã nhân giống, trồng thêm gần 100 gốc mận, nâng tổng số cây mận gia đình sở hữu lên hơn 100 cây. Với giá bán từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg, mỗi năm, gia đình ông thu được vài chục triệu đồng nhờ bán mận quả.
Tuy nhiên, theo ông Páo, khó khăn nhất là việc nhân giống cây mận này phải theo cách thủ công, đó là lấy chồi từ những cây mận già trồng nên tỷ lệ cây sống thấp, nhanh già cỗi và cho sản lượng, chất lượng quả không cao. “Hiện có nhiều hộ trong thôn muốn trồng loại mận để phát triển kinh tế mà không biết lấy giống từ đâu” - ông Páo trăn trở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Sèo, Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn cho biết: “Mận hậu Cao Sơn được người dân địa phương trồng và coi như báu vật từ lâu. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 4 ha cây mận hậu, tuy nhiên nhiều cây mận đang có dấu hiệu già cỗi và giảm sút về sản lượng. Chính quyền địa phương rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm đầu tư phục tráng giống mận quý này”.
Ngắm những trái mận đang kỳ đẫy quả trước khi chia tay Cao Sơn, tôi hẹn với Bí thư Đảng ủy xã Sùng Sèo khi nào Chí khơ chín sẽ trở lại vùng đất này!
Về thành phố, mang theo mối “tương tư” về Chí khơ - món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Sơn, tôi mong cây mận đặc sản này sẽ được phục tráng và trở thành sản phẩm đặc hữu của rẻo cao này, là cây trồng giúp Cao Sơn phát triển du lịch.