‘Đại gia vàng’ xin lập khu du lịch trên ‘biệt phủ’ bị tháo dỡ
UBND quận Liên Chiểu cho biết, “đại gia vàng” xây biệt phủ trái phép trên đất rừng ở đồi Chim Chim (đầu con đường nối QL 1A với suối Lương), vừa có đơn xin xây khu du lịch trên diện tích đất nguyên là “biệt phủ” bị tháo dỡ.
Dọc con đường nối QL 1A với cửa hầm phụ hầm đường bộ Hải Vân,
san sát các khu du lịch không phép trên đất rừng. Ảnh Thanh Tùng.
Sáng 15/6, chúng tôi có mặt tại khu vực suối Lương, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), ghi nhận ở đây hàng chục khu du lịch xây trái phép trên đất rừng. Theo thống kê của UBND phường Hòa Hiệp Bắc, đang có 11 cơ sở kinh doanh du lịch ở khu vực suối Lương.
Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, tại khu vực suối Lương có 11 cơ sở kinh doanh du lịch. Ở thời điểm này, có 9 cơ sở kinh doanh hoạt động. Hoạt động kinh doanh du lịch ở suối Lương do các hộ dân đầu tư “tự phát” trên đất rừng và tất cả đều kinh doanh du lịch không phép.
Theo ông Trương Việt, việc để các hộ dân xây dựng hạ tầng kiên cố, chặn dòng, ngăn suối làm nơi tắm cho du khách ở Suối Lương, trách nhiệm chính thuộc về Kiểm lâm bởi khu vực suối Lương từ trước năm 2014 thuộc quyền quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân.
Cuối tháng 5/2016, UBND TP Đà Nẵng cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra tình trạng xây dựng khu du lịch không phép trên đất rừng ở suối Lương.
Lãnh đạo quận Liên Chiểu cho biết, năm 2014 khi địa phương nhận bàn giao 1.631 ha đất từ Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân, tại đây đã tồn tại 5 khu du lịch không phép trên tổng diện tích 45 ha. Các khu du lịch này đã hình thành các công trình xây dựng kiên cố như nhà cửa, tường bao, kiến trúc trang trí, đắp bờ, ngăn suối làm hồ tắm cho du khách. Sau khi quận Liên Chiểu nhận bàn giao, có thêm một số trường hợp đầu tư xây khu du lịch không phép nữa ở Suối Lương.
Trưa 15/6, có mặt tại khu vực suối Lương, chúng tôi ghi nhận hoạt động du lịch ở đây diễn ra khá náo nhiệt. Rất đông khách từ Đà Nẵng tìm đến các khu du lịch tự phát ở suối Lương để nghỉ ngơi tại các chòi, sạp bên suối và trầm mình trong những hồ nước do chủ cơ sở kinh doanh tự ý ngăn suối tạo nên.
Từ cầu suối Lương cho đến cửa hầm phụ hầm đường bộ Hải Vân, san sát bảng - biển quảng cáo dựng trước những khu du lịch. Dù kinh doanh trái phép trên đất rừng nhưng các khu du lịch đều có tường bao, cổng ngõ kiên cố với những cái tên khá ấn tượng: “Công viên thời đại”, “Thời Nay”, “Thủy Vân Sơn”...
Tạo điều kiện?
Theo lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc và lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu thì việc hình thành các cơ sở kinh doanh tự phát trên đất rừng ở khu vực suối Lương, trách nhiệm chính là do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, thời gian tới địa phương sẽ đề xuất tạo điều kiện để các khu du lịch xây trái phép trên đất rừng được hoạt động hợp phát vì toàn bộ đất ở đây đã được chuyển đổi thành “đất khác”!
Khi vụ việc hơn 10 khu du lịch “mọc” không phép trên đất rừng suối Lương còn chưa có câu trả lời rõ ràng từ cấp, ngành quản lý thì ngày 15/6, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, ông Ngô Văn Quang, chủ khu “biệt phủ” xây trái phép tại khu đồi Chim Chim đầu con đường nối QL 1A với hầm phụ hầm đường bộ Hải Vân vừa có đơn xin được xây khu du lịch trên diện tích có hạ tầng “biệt phủ” được tháo dỡ!
Diễn biến mới nhất này cho thấy, rừng đặc dụng Nam Hải Vân đang đứng trước áp lực, thách thức rất lớn.