Ký Nghị quyết liên tịch quy định các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ
Chiều 15/6 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì lễ ký.
Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, gần một tháng qua, Quốc hội khóa 14 đang diễn ra kỳ họp thứ 3, đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Mặc dù, kỳ họp thứ 3 có khối lượng công việc lớn, với nhiều nội dung quan trọng, song với tình cảm, trách nhiệm, hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức lễ ký kết Nghị quyết liên tịch về các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Nghị quyết này cụ thể hóa các Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 9/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Đây là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý quan trọng, góp phần tiếp tục cụ thể về cơ chế đối với hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi lễ.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thực hiện quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định của Đảng tại Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua được triển khai chủ động, tích cực, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã rất quyết tâm, sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong 3 năm qua, ở cấp Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhiều tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp tham gia triển khai các hoạt động giám sát ở cấp Trung ương ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách.
Qua giám sát, phản biện xã hội, trên cơ sở nắm bắt được những yêu cầu của xã hội, những bức xúc và những vấn đề mà đông đảo nhân dân quan tâm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng ở các cấp trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.
Nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên được thể hiện trong các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân mà Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tại các kỳ họp Quốc hội, gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều là những vấn đề bức xúc đối với đại đa số các tầng lớp nhân dân đòi hỏi Nhà nước phải sớm xem xét, giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã từng bước có phản hồi của các bộ, ngành được góp ý, được nhân dân và cử tri cả nước hoan nghênh và đánh giá cao.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, trong đó có việc quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Nghị quyết liên tịch này sẽ góp phần tháo gỡ về cơ chế, nâng cao về chất công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện phần trách nhiệm của mình được quy định trong nghị quyết liên tịch để Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung, Nghị quyết liên tịch nói riêng được sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, để hoạt động giám sát phản biện xã hội thực sự trở thành một kênh quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, sáng tạo của nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ký Nghị quyết liên tịch.
Nghị quyết liên tịch được ký kết giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bao gồm 4 chương quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Nghị quyết liên tịch cũng quy định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Phối hợp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Đối với các cơ quan, tổ chức phải tạo điều kiện, thực hiện các yêu cầu của Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật.
Quang cảnh buổi lễ.