Giải ngân chậm kéo lùi tăng trưởng
Ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Phần trả lời của Bộ trưởng chưa khiến các ĐB thỏa mãn khi có tới 19 ĐB bấm nút tranh luận.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo bổ sung liên quan đến nguồn vốn đầu tư công (Ảnh: Quochoi.vn)
Cả rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm đâu
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, Báo cáo của Bộ gửi tới Quốc hội, phần trả lời về các dự án trọng điểm quốc gia mới chỉ nêu ra loạt quy định, nghị định mà không rõ được trách nhiệm của Bộ KHĐT và cá nhân Bộ trưởng.
“Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng KHĐT cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét “Bộ trưởng đã đưa ra cả một rừng luật, nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu.”
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công chỉ có dự án quan trọng quốc gia, không có dự án trọng điểm quốc gia.
Để xác định được trách nhiệm các bộ, ngành ra sao trong các dự án này thì cần nêu lại các quy định trách nhiệm các Bộ, ngành nằm ở các quy định pháp luật nào, được nhận diện, nhận danh ra sao nên trong báo cáo sơ bộ gửi tới Quốc hội chúng tôi đã nêu chi tiết các quy định, nghị định quy định trách nhiệm các Bộ, ngành.
Riêng về trách nhiệm Bộ KHĐT, có 3 chức năng: Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước; giám sát và tham mưu huy động, phân bổ vốn đầu tư cho thực hiện dự án nếu sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2011-2015 Bộ đã thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là sân bay Long Thành, đã báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 2 và gần đây thẩm định dự án cao tốc Bắc - Nam.
Không đồng tình, bà Thúy tiếp tục tranh luận: “Ý tôi muốn hỏi về trách nhiệm của Bộ, ngành địa phương trong các dự án công trình trọng điểm quốc gia nhưng Bộ trưởng trả lời chưa đạt yêu cầu. Báo cáo đưa ra các viện dẫn, mà viện dẫn lại không đúng.
Như dự án đường cao tốc Bắc - Nam ngày 30/5 Chính phủ mới có tờ trình mà Quốc hội chưa thông qua cho nên không thể nói có công của Bộ trong thẩm định”.
Vẫn tồn tại cơ chế xin-cho?
Theo ĐB Hàm Quang Hàm (Phú Thọ), năm 2017 bội chi 172 nghìn tỷ đồng, tình hình hiện nay khống chế thấp hơn là hết sức cần thiết, cấp bách.
Việc Bộ trưởng đổ lỗi cho Luật Đầu tư công là chưa hoàn toàn thuyết phục khi lý giải việc bố trí vốn dàn trải 80 nghìn tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư chậm.
“Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại cơ chế xin-cho nên phân bổ chậm? Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không? Và giải pháp nào khắc phục trình trạng trên”- ông Hàm nói.
Đề cập đến nguyên nhân của việc phân bổ vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong 80 nghìn tỷ đồng dự án quan trọng quốc gia chưa phân bổ thì có 70 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng, 10 nghìn tỷ đồng chống ngập cho TP Hồ Chí Minh và 5 nghìn tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành.
Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, luật quy định tất cả các công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Hiện thủ tục hồ sơ của dự án 10 nghìn tỷ đồng chống ngập TP. Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Bắc - Nam chưa hoàn thiện nên Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này.
“Trách nhiệm chính là do các bộ, ngành và Bộ KHĐT đã chậm làm thủ tục hồ sơ ra Quốc hội nên chưa phân bổ được”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đầu tư cho nông nghiệp quá thấp
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đầu tư phân bổ cho nông nghiệp chỉ 5,5% nhưng ngành đã đóng góp 18% cho GDP, đúng ra cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tăng đầu tư cho nông nghiệp nhưng nông nghiệp lại ít được phân bổ.
Đề cập đến đầu tư cho nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thực tế thu hút vốn ngoại vào nông nghiệp đang khá thấp, chỉ khoảng 0,9%.
Nguyên nhân là do đặc thù đất đai nhỏ lẻ, manh mún, không có khả năng tích tụ diện tích lớn, không thể áp dụng ngay cơ giới hóa; hạ tầng nông thôn còn hạn chế, kết nối doanh nghiệp và người dân, nhà đầu tư thủ tục còn phức tạp.
Lợi thế so sánh trong lĩnh vực này với các nhà đầu tư chưa hấp dẫn, chưa đủ để họ tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Thực tế trước đây dự án vào nông nghiệp hầu hết là thất bại.
Chính vì thế giải pháp là mở rộng hạn điền, tích tụ diện tích đất lớn hơn để hỗ trợ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nông nghiệp chất lượng cao.
Tuy nhiên ông Ngân cho rằng, nếu cứ loay hoay về giải pháp mà không bàn sâu hơn thì nông dân vẫn tiếp tục khó khăn. Như đầu tư cho nông nghiệp chỉ có 5,5% là quá thấp trong khi dư địa tại khu vực này là rất lớn.
Hạn điền không phải bài toán quan trọng mà phải phát triển chuỗi giá trị, hợp tác nông hộ nên phải phát triển được mô hình HTX.
Như Thái Lan đã áp dụng mô hình này và rất thành công, thậm chí họ còn có Bộ Kế hoạch đầu tư và hợp tác xã. Cho nên Bộ cần quan tâm hơn về vấn đề này hơn nữa.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hứa sẽ thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động hơn đáp ứng đầu tư phát triển trong thời gian tới bởi nông nghiệp là vấn đề được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm vì dân số ở khu vực này đông, dư địa còn nhiều.
Khu vực này phát triển sẽ tạo việc làm và ổn định xã hội nên đầu tư thúc đẩy nên sắp tới cần mô hình phát triển hợp tác xã giúp tiêu thụ phát triển trong đó có đầu tư nước ngoài.
Có tiền mà không tiêu hết được
Giải trình thêm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công cả năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng còn chậm, không phân bổ hết dự toán, có tiền không tiêu hết được và đây là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Nguyên nhân chủ quan, khách quan ở bộ ngành địa phương nào thì cũng là trách nhiệm của Chính phủ nhận trước Quốc hội để làm tốt hơn.
Phó Thủ tướng cho biết: Thủ tướng, Chính phủ rà soát các Nghị định, Thông tư về đầu tư công, đấu thầu xây dựng, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.
Đồng thời nâng cao đạo đức công vụ, năng lực các ban quản lý dự án, tính kịp thời thanh toán của kho bạc và đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan tới đầu tư công, kể cả sửa Nghị định 15 về đối tác công tư.
Bộ ngành có quyết định phân bổ mà chưa giải ngân vốn tối thiểu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cắt giảm cho vào nguồn dự phòng chung.
Tăng cường thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm cán bộ cấp nào làm chậm giải ngân, gây thất thoát, tiêu cực tham nhũng. Và Chính phủ muốn Quốc hội quan tâm thường xuyên, đôn đốc, giám sát công tác này.