Khởi sắc ở một làng quê

Ngô Thênh 16/06/2017 07:35

Từ trung tâm huyện Yên Dũng (Bắc Giang), chúng tôi đi theo con đường trải nhựa, qua xã Cảnh Thụy, rồi đến làng Cổ Dũng Huyện. Con đường rộng dài, trải nhựa đen bóng, nối thẳng với một làng quê vốn có truyền thống văn hiến.

Học sinh xã Tiến Dũng (Yên Dũng, Bắc Giang).

Làng Cổ Dũng Huyện, thuộc 9 thôn của xã Tiến Dũng, thôn nằm ở trung tâm xã, là mảnh đất “đắc địa” của Tiến Dũng. Đầu thôn, nổi bật là những cây đa cành lá xum xuê rợp bóng mát, được trồng ở các khu vực đầu thôn.

Tiếp đó lại có Trạm bơm Cổ Dũng, được Nhà nước xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Làng nằm dọc theo bờ đê sông Thương, có chiều dài gần 2 cây số.

Mặt đê được bê tông hóa, thân đê có kè lát đá kiên cố, để chống sói lởi khi mùa lũ tới. Cũng ngay tại đầu làng, có công trình nhà máy nước sạch của xã Tiến Dũng, đến nay Cổ Dũng Huyện đã có 100% hộ gia đình dùng nước sạch.

Thôn Cổ Dũng Huyện có trên 230 hộ gia đình, với tổng số gần 1.000 nhân khẩu; thôn chủ yếu làm nông nghiệp, có tổng diện tích đất gieo trồng trên 77ha. Năng suất lúa bình quân đạt từ 190kg đến 220kg/sào. Tới nay, thôn Cổ Dũng Huyện đã cơ bản xóa được hộ đói, giảm đáng kể hộ nghèo xuống còn 5%; hộ cận nghèo 1,2%.

Dân làng Cổ Dũng Huyện vốn giàu lòng yêu nước, hiếu học. Phát huy truyền thống của quê hương, thôn Cổ Dũng Huyện đã và đang xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm nền tảng, là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương ngày càng được ổn định và giữ vững.

Thực hiện chủ trương về công tác dồn điền đổi thửa (giai đoạn 2010 – 2015); xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Thôn Cổ Dũng Huyện đã tổ chức triển khai thực hiện tốt về đồn điền đổi thửa theo đúng quy trình. Trong quá trình thực hiện, có sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong thôn.

Tổng kết công tác dồn điền đổi thửa giai đoạn 2010 – 2015, thôn Cổ Dũng Huyện được UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen về công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, phù hợp với đồng ruộng của địa phương, trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Năm 2015, thôn có 20 hộ làm nông nghiệp đã đăng ký, hợp đồng 10 năm với hợp tác xã sản xuất rau sạch của huyện, diện tích trên 8ha. Thường xuyên cung cấp các loại rau sạch cho nhân dân trong vùng nói chung và thôn Cổ Dũng Huyện nói riêng.

Cùng với sự phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng từ lao động các loại dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ làm nghề phụ; chăn nuôi, gia trại, trang trại.

Thôn có trên 10 hộ gia đình làm kinh tế giỏi, hàng năm thu nhập từ 50 đến trên 200 triệu đồng. Điển hình như Phó trưởng thôn Nguyễn Văn Bồi; làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp máy cày và máy gặt liên hoàn; làm trang trại; gia trại; nghề phụ, có gia đình anh Nguyễn Văn Huy; anh Ngô Văn Tô, anh Nguyễn Văn Toán, anh Trần Văn Vũ…

Đến nay, thôn Cổ Dũng Huyện 9 năm liên tục đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh; 12 năm liền đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện. Chi bộ hàng năm đều được công nhận “trong sạch vững mạnh” của Đảng bộ xã Tiến Dũng.

Mọi người dân đều nâng cao ý thức trách nhiệm, luôn đoàn kết xây dựng khu dân cư tiên tiến. Thường xuyên đảm bảo, giữ gìn công tác vệ sinh môi trường, luôn phát huy truyền thống tốt đẹp văn hóa ở một làng văn hóa. Đó là sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ và nhân dân Cổ Dũng Huyện trong liên tục các năm trở lại đây.

Vừa qua, nhân dịp lễ hội Chùa Cổ Dũng Huyện năm 2017, xã Tiến Dũng và huyện Yên Dũng đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận Bằng công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Cổ Dũng Huyện.

Đó là niềm vinh dự đối với cán bộ và nhân dân địa phương. Một làng quê lịch sử đất văn hiến, thi ca, hát chèo truyền thống qua nhiều thế hệ lưu truyền.

Từ ngàn xưa đình, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh trong cộng đồng dân cư, thiết chế văn hóa tín ngưỡng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng.

Thực hiện Nghị quyết của chi bộ, sự đồng thuận của nhân dân trong thôn; và thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, đầu tháng 3/2017, thôn Cổ Dũng Huyện đã được phép khởi công xây dựng ngôi đình làng trên khu vực đất cũ đình xưa. Dự kiến kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Kinh phí xây dựng Đình làng bằng nguồn xã hội hóa và có sự đóng góp của nhân dân. Công trình dự kiến hoàn thiện vào trung tuần tháng 7/2017; có tổng diện tích trên 100m2.

Do nguồn kinh phí của thôn hạn hẹp, đời sống một số hộ nông dân còn khó khăn. Vì vậy, thôn đã thành lập Ban xây dựng và Ban vận động quỹ xây dựng đình làng.

Ban vận động đã gửi gần 300 thư ngỏ đến là con em của quê hương hiện đang sinh sống, công tác, lao động và làm việc trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài.

Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, luôn gắn bó thân quen và đã từng có ở làng quê Cổ Dũng Huyện. Đã ghi dấu ấn đậm vào tâm hồn mỗi con người quê hương, chan chứa ân tình, biết bao kỷ niệm gắn với một thời ấu thơ…

Khởi sắc một làng quê, cũng chính nhờ có sự đồng thuận giữa cấp ủy Đảng, Ban quản lý thôn và nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Điều đó chúng tôi thấy rất rõ ở thôn Cổ Dũng Huyện hôm nay.

Ngô Thênh