Mù mờ thương mại điện tử

Thanh Giang 16/06/2017 08:15

“Thống kê cho thấy, có 20% DN Việt Nam sử dụng mạng để bán hàng trực tuyến, còn lại 80% gần như là vô cảm với bán hàng online. Cơ hội rất nhiều nhưng DN lại bỏ sót, thật tiếc”, bà Pearl Nguyễn – Giám đốc Phát triển Kinh doanh Việt Nam của Google nêu quan điểm.

Mua bán hàng qua mạng ở thị trường Việt Nam còn nhiều hạn chế.

“Mảnh đất” màu mỡ

Ông Daryl Tay – Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam nhận định, thương mại hóa không biên giới đang làm tăng doanh thu cho cộng đồng DN, đặc biệt là ngành bán lẻ.

Đơn cử, năm 2015, doanh thu ngành bán lẻ toàn cầu là 1,5 ngàn tỷ USD, năm 2017 doanh thu hơn 2,3 ngàn tỷ USD. Dự báo, đến năm 2020 doanh thu ngành bán lẻ toàn cầu là 4 ngàn tỷ USD, tăng trưởng 20%/năm.

Trong đó, doanh thu của thương mại chiếm 40% của ngành bán lẻ. Chính vì điều kiện phát triển của ngành bán lẻ khá dồi dào, giàu tiềm năng nên xu thế phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới càng nở rộ.

Cứ 4 người tiêu dùng thì có một người mua hàng thương mại điện tử ngoài quốc gia. Đây chính là tiềm năng DN Việt Nam cần chú ý đến vấn đề này để phát triển thuận lợi hơn, phù hợp với thời đại công nghệ số”, ông Daryl Tay mong muốn.

Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế khu vực nói riêng, cụ thể là việc hình thành cộng đồng kinh tế Asean đang giúp DN mở rộng thị trường kinh doanh.

Ngoài ra, đi kèm với các hình thức giao thương truyền thống, giao thương trực tuyến đang trở thành kênh bán hàng thời thượng hiện nay.

Nhận định rõ sự phát triển mạnh của thị trường, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) dự báo, đến năm 2020 doanh số thương mại điện tử sẽ đạt 10 tỷ USD và tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ là 5%.

Nói về điều kiện thuận lợi của kinh doanh trực tuyến, bà Pearl Nguyễn – Giám đốc Phát triển Kinh doanh Việt Nam của Google cho rằng, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 50% dân số được kết nối với mạng internet.

Nhận thức được lợi ích sử dụng mạng và bán hàng trực tuyến nên theo kế hoạch DN sẽ chi 1,6 tỷ USD cho quảng cáo online.

Theo bà Pearl Nguyễn, DN Việt Nam cần có mặt ở môi trường kinh doanh online, bởi vì nếu phát triển ở kênh bán hàng này doanh thu của DN sẽ tăng khoảng 40% so với DN không sử dụng kênh bán lẻ trên.

Một thực tế đáng buồn là, dù phát triển công nghệ thông tin khá nhanh nhưng DN Việt lại chậm chạp áp dụng do không hiểu được lợi ích của internet.

“Thống kê cho thấy, có 20% DN Việt Nam sử dụng mạng để bán hàng trực tuyến, còn lại 80% gần như là vô cảm với bán hàng online. Cơ hội rất nhiều nhưng DN lại bỏ sót, thật tiếc”, bà Pearl Nguyễn chia sẻ.

Cờ đã đến tay

Lý do dẫn đến hiệu quả hoạt động của thương mại điện tử chưa cao là do các trang này chưa đi vào chiều sâu, tất cả chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền là chính.

Nguyên nhân thứ hai, nhiều DN còn hoài nghi về hiệu quả hoạt động của thương mại điện tử. Ngoài ra còn do lỗi trong hoạt động bán hàng trực tuyến.

Giới kinh doanh nước ngoài khẳng định, 60% khách hàng bị bỏ quên, logistics có vấn đề, không cung cấp các thông tin minh bạch về thuế, phí… làm ảnh hưởng đến lượng bán hàng qua mạng.

Vấn đề còn lại, ngoài những điểm bất cập về bán hàng điện tử đang tồn tại lâu trong DN, DN Việt Nam cần hiểu phong cách mua sắm, nhu cầu tiêu dùng của thị trường không biên giới.

Bên cạnh đó, để phát triển thương mại điện tử hiệu quả hơn cần quảng cáo ngắn gọn, xúc tích để người tiêu dùng dễ tiếp cận, đặc biệt là biết đẩy thông tin quảng cáo vào thời điểm phù hớp nhất có thể.

Trước hiệu quả kinh doanh thương mại điện tử của các DN hàng đầu thế giới như: Google, Microsoft… DN vừa và nhỏ Việt Nam cần phải hỏi kinh nghiệm từ họ.

Không nằm ngoài kế hoạch hỗ trợ DN Việt Nam phát triển kênh bán lẻ thương mại, ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc Điều hành khu vực (Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean) cho hay, một số DN nước ngoài đang hỗ trợ DN Việt Nam phát triển thương mại điện tử. Đây không phải là chương trình từ thiện mà cùng nhau phát triển.

Lý do, DN lớn có cơ cấu và chi phí khác DN vừa và nhỏ nên phân công lao động, chuỗi cung ứng cũng khác nhau.

DN nước ngoài muốn DN Việt hòa cùng chuỗi phát triển sản xuất kinh doanh, mà DN Việt phát triển được phải đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí sản xuất,…

Dẫn chứng về sự hỗ trợ của DN nước ngoài trong việc bán hàng trực tuyến, ông Võ Tân Thành – Phó chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho hay, Microsoft đã hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án khởi nghiệp thanh niên, kết nối cung cầu lao động. Năm 2016, cho ra đời cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp kỹ năng công nghệ, đào tạo nhân lực, giảm bới chi phí…

Tuy nhiên ông Võ Tân Thành cũng kiến nghị, Nhà nước tiếp tục đổi mới đầu tư thông qua những chính sách thu hút vốn một cách thông thoáng như một số nghị quyết đã ban hành.

Về phía DN nên chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao quản trị DN hướng đến tăng cường sức cạnh tranh. Trước sự lớn mạnh của các DN ngoại cùng với hiệu quả kinh doanh trực tuyến, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP HCM hy vọng, DN lớn mang lại nhiều kinh nghiệp cho DN nhỏ tiếp cận và triển khai mô hình bán hàng điện tử hiệu quả hơn.

Thành phố sẽ hỗ trợ DN phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng kênh thương mại điện tử,…

Thanh Giang