Thận trọng với Zika
Cùng với thông tin dịch bệnh Ebola có nguy cơ quay trở lại, thì việc virus Zika (ZIKV) cùng có thể “tái xuất hiện” đã dấy lên mối lo ngại dịch bệnh. Zika- thường được gọi là “bệnh đầu nhỏ”, nguồn lây nhiễm chính đến từ muỗi Aedes từng là nỗi khiếp sợ cho phụ nữ mang thai, bởi tác động rất xấu đến thai nhi.
Theo giới chuyên gia y tế, virus Zika với triệu trứng gây sốt, nhưng không có gì đặc biệt so với những loại sốt khác nên rất khó biết trước để phòng tránh.
“Sốt Zika thường không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, tương tự như dạng rất nhẹ của bệnh sốt xuất huyết. Zika có thể lây từ bà mẹ qua thai nhi. Điều này có thể dẫn đến tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và các biến chứng não nghiêm trọng khác”- BS Flacorine Matitte, một chuyên gia về dịch bệnh có nguồn gốc từ virus cho biết. Cũng theo vị chuyên gia này, để phát hiện từ sớm là điều rất khó khăn, nhất là khi cộng đồng nào đó chưa có ca nhiễm đầu tiên.
Còn nhớ, ngày 1/2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về virus Zika. Cảnh báo này được phát đi tại một cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp y tế quốc tế thuộc WHO. Tại thời điểm đó, virus Zika đã lây hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền. “Nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn”- Thông cáo của WHO nêu rõ.
Theo đó, nguồn lây truyền chính là muỗi Aedes, thường được biết đến với cái tên “muỗi vằn”. Sau khi bị muỗi đốt, trong vòng 10 ngày virus có khả năng phát triển thành bệnh và đáng ngại là chúng có thể khu trú trong cơ thể người cả đời.
Và virus Zika có thể lây từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh. Như vậy, đối tượng bị loài virus này tấn công chính là những phụ nữ mang thai và sản phụ. Người ta còn nghi ngại virus này còn có cả trong sữa mẹ, mà nếu đúng vậy thì nguy cơ còn cao hơn nữa.
Nỗi lo con sinh ra bị dị tật đầu nhỏ, thiểu năng trí tuệ khiến các bà mẹ hết sức lo lắng. Từ đó, không ít phụ nữ đã ngại mang thai, cho dù các nhà khoa học tại Đức cho biết đã phát triển thành công một phương pháp xét nghiệm nhanh virus Zika: Sau khi lấy máu xét nghiệm, phương pháp này sẽ cho kết quả chính xác chỉ trong 2 - 3h.
Theo WHO, virus Zika là nguyên nhân tạo nên hội chứng rối loạn thần kinh: gây teo não ở trẻ sơ sinh và làm tê liệt hệ thần kinh ở người lớn. Nhưng rõ rệt nhất chính là việc chúng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em. Tật đầu nhỏ là sự thoái hóa (hay dị dạng não) ở trẻ sơ sinh, khiến đầu của trẻ bé hơn bình thường. Vẫn theo WHO, khi người phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong thời gian 3 tháng đầu mang thai thì con họ có nguy cơ bị dị tật đầu nhỏ.
Một điều rất đáng chú ý nữa là trong quá trình tìm kiếm nguyên nhân gây nên dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, thì người ta còn cho rằng dịch bệnh còn đến từ một nguồn khác- ngoài loài muỗi vằn. Khoảng giữa năm 2016, một nhóm bác sĩ người Argentina cho rằng nguyên nhân gây chứng teo não không phải do virus Zika mà do hóa chất diệt ấu trùng muỗi có trong nguồn nước sinh hoạt.
Điều đó khiến nhiều người băn khoăn khi dùng thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, nhận định trên đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi và người ta vẫn khẳng định rằng việc tích cực, chủ động phun thuốc diệt muỗi là cách tốt nhất để ngăn chặn nguồn phát sinh dịch bệnh Zika.
Một bà mẹ có con mắc bệnh đầu nhỏ.
Khi dịch bệnh do virus Zika có khả năng quay trở lại, giới y học chuyên ngành cũng đã đưa ra một số cảnh báo phòng ngừa. Theo đó, những biểu hiện để nhận biết Zika bao gồm:
Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
Có thể bị viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược;
Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Từ đó một lời khuyên được đưa ra là khi phụ nữ mang thai nghi ngờ bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai 1 tháng/lần, nhất là trong thời kỳ 4 tháng đầu của thai kỳ. Trong thời gian này, phụ nữ không dùng Aspirin hay Corticoid.
Câu hỏi đặt ra là: Bao giờ có vaccine chống lại virus Zika? Câu trả lời đến nay vẫn không rõ ràng. Thành công của các nhà khoa học Đức trong việc xét nghiệm nhanh lây nhiễm Zika chưa đủ để dẫn tới việc điều chế vaccine tiêu diệt loại virus này.
Phun thuốc diệt muỗi, cách hữu hiệu nhất phòng chống Zika.
Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là đề phòng, mà cụ thể hơn là phải ngủ màn, diệt trừ nguồn sinh sống của các loại muỗi và xét nghiệm sớm khi mang thai. Về khả năng tái bùng phát dịch bệnh này, theo giới chuyên gia y tế dự phòng, khả năng là rất nhỏ nhưng cũng không thể vì thế mà chủ quan. Trái lại, càng cần cảnh giác và có cách xử lý tích cực, ngay trước khi chúng bùng phát.
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ nhiều loại dịch bệnh do virus gây ra, và mức độ lây lan rất lớn, trong khi việc điều chế vaccine còn hạn chế. Đó là một thực tế phải chấp nhận. Vì vậy, việc tự phòng bệnh của mỗi người và tăng cường y tế dự phòng của mỗi cộng đồng là điều rất cần thiết”- BS Flacorine Matitte nói.
Virus Zika được phát hiện vào năm 1947, từ khỉ Macaca Mulatta trong rừng Zika của Uganda. Năm 1968, phát hiện trên con người ở Nigeria. Từ năm 1951 đến năm 1981, các nước Trung Phi, Gabon, Sierra Leone, Tanzania, Uganda, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan... có người mắc Zika. Năm 2015, y học chính thức khẳng định bệnh được lây từ thai phụ sang thai nhi, truyền qua nhau thai. |