Quyến rũ Maldives
Quần đảo Maldives là một quốc đảo trong Ấn Độ Dương, bao gồm 26 đảo san hô lớn và có tới hơn 1.000 đảo nhỏ. Trong số đó, có khoảng 200 đảo có người sinh sống, nhưng cũng rất ít. Tuy vậy, Maldives được xem là “thiên đường biển hạ giới”, cho dẫu vùng đảo này đang phải đương đầu với nước biển dâng.
Người ta giải thích cái tên Maldives bằng nhiều cách khác nhau, khi thì là “Vương quốc đảo”, khi thì là “Vòng đảo”, có khi còn được hiểu là “Đảo của phụ nữ”. Còn du khách Ả rập thì lại gọi đây là “Cung điện”. Dù dưới bất cứ tên gọi gì thì ý nghĩa của nó vẫn là một vùng quần đảo tuyệt vời, nói như những du khách đến từ Mỹ thì “trong đời dứt khoát một lần phải đến Maldives”.
Đất nước này còn được cho là phẳng nhất thế giới, khi mà độ cao trung bình tự nhiên của lãnh thổ chỉ là 2,3m trên mực nước biển. Cũng chính vì thế, khả năng nó bị biển cả “nuốt chửng” là không thể không xảy ra, nhất là trong vòng 30 năm qua, người ta nhận thấy đảo đã “chìm” xuống biển chừng 20 cm.
Vì thế, nhiều người cho rằng, hãy nhanh chân đến Maldives trước khi nó bị biển nhấn chìm. Những năm gần đây, du lịch Maldives như một phong trào. Người từ khắp nơi trên thế giới đổ đến quần đảo này tất cả các mùa trong năm. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời đã đành, dịch vụ du lịch cao cấp và thân thiện ở đây cũng đứng hàng đầu thế giới.
Câu cá.
Đã vậy, giá cả lại khá rẻ. Chính quyền cấm tuyệt đối người dân kinh doanh du lịch không được “chặt chém”, “đeo bám” khách- mà phải coi khách du lịch là những người bạn thân thiết, vì họ mang sự phồn vinh đến cho đất nước.
Maldives dù rất tươi đẹp nhưng sự “phát hiện” khá muộn màng. Năm 1834, thuyền trưởng Robert Moresby (người Anh) với sự hỗ trợ của Trung uý Christopher đã tiến hành việc lập bản đồ đầy khó khăn cho quần đảo Maldives. Suốt 2 năm ròng, họ đi khắp các hòn đảo, ghi lại cả những hòn đảo bị biến mất khi thủy triều dâng. Cũng kể từ đó, Maldives được biết đến và bắt đầu tiếp nhận những cư dân mới từ nơi khác đến.
Cùng với nhóm dân cư bản địa tới nay vẫn không xác định được lai lịch rõ ràng, thì quần đảo Maldives là nơi khá đông người gốc Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh và Nepal. Nếu như vào năm 1905, dân số quần đảo chỉ vào khoảng 100.000 người thì tới nay đã có khoảng 500.000 người. Đời sống phát triển khá nhanh nên tuổi thọ của người Maldives cũng tăng đáng kể: Tuổi thọ trung bình vào năm 1978 là 46 tuổi, hiện nay đã tăng lên 72 tuổi.
Hai mẹ con.
Dù chơi vơi giữa biển cả mênh mông, nhưng Maldives là nơi thu hút nhiều người nước ngoài đến sinh sống, làm việc. Trung bình có khoảng 50.000 người nước ngoài làm việc có hạn định ở đây. Cùng đó, lượng khách du lịch mỗi năm đạt chừng 3 triệu người, có nghĩa là gấp 6 lần dân cư trên đảo.
Cũng chính vì chơi vơi giữa đại dương, nên văn hóa của Maldives cũng mang nét độc đáo, khác lạ. Trước hết, đó là những gì thuộc về văn hóa cổ xưa, cực ít thay đổi, được bảo tồn hầu như nguyên vẹn đối với những cộng đồng dân cư sinh sống ở đây nhiều đời.
Dòng văn hóa thứ hai rất mạnh mẽ ảnh hưởng từ Sri Lanka và nam Ấn Độ. Ngay cả trong luồng chảy văn hóa này thì nó cũng giữ lại dáng dấp nguồn cội từ nơi nó khởi nguồn. Ngay như dòng văn hóa có nguồn gốc châu Phi (dù là khá ít) ở đây thì cũng rất “nguyên bản”.
Nghỉ ngơi bên bờ biển.
Sở dĩ như vậy là do sự cách biệt của quần đảo với các châu lục. Người trên đảo ít giao du đi lại. Họ hài lòng với cuộc sống hàng ngày trên đảo. Nói như người dân nơi này thì “đây chính là thiên đường, chúng tôi không cần phải tìm kiếm hạnh phúc ở bất cứ nơi nào trên trái đất”.
Cùng với du lịch, nguồn thu nhập quan trọng thứ hai của người Maldives đánh cá và các sản phẩm biển. Bất cứ một người Maldives trưởng thành nào cũng đều là một ngư phủ cừ khôi. Họ cưỡi sóng đạp gió ngay từ nhỏ. Không kể đàn ông, đàn bà cũng rất giỏi nghề đi biển, dù rằng họ đánh bắt gần bờ hơn.
Năm 1974, chính thức ghi nhận sự phát triển của công nghiệp đánh cá của Maldives. Nếu trước đó, họ chỉ dùng thuyền nhỏ, thì từ đó họ đưa những đội tàu lớn, trang thiết bị hiện đại đi biển. Nhưng, đánh bắt cá ở đây không phải theo lối tận diệt mà là chú trọng tới sự bền vững.
Du khách tới Maldives để tổ chức lễ cưới.
Năm 1979, một Ban tư vấn đánh cá được thành lập, với chức năng tư vấn cho Chính phủ về chính sách khai thác hải sản. Đặc biệt, việc giáo dục đánh cá đã được tích hợp vào trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Chính vì thế, ngành biển Maldives được coi là mẫu hình cho sự phát triển bền vững.
Maldives được coi là thiên đường hạ giới bởi quá nhiều điều, từ thiên nhiên cho đến con người. Nhưng, đến đây, người ta không thể không trầm trồ trước sự ngon lành có một không hai của những món đồ ăn chế biến từ biển. Đó là những giống cá, tôm, cua, những món rau biển được chế biến ở tầm mức nghệ thuật, vẫn giữ được trọn vẹn hương vị biển, cho dù gia vị không phải là ít- do ảnh hưởng của ẩm thực Ấn Độ và Sri Lanka.
Các món ăn nơi đây thường nóng, nhiều gia vị và hương vị dừa. Ngon, bổ, rẻ- điều đó đúng với ẩm thực Maldives. Món cari được người dân địa phương gọi là riha cũng là món ăn bạn không nên bỏ qua khi đến Maldives.
Tiếc thay, quần đảo thiên đường hiện đang bị biển đe dọa nhấn chìm. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn khi gần đây lãnh đạo nước này có ý định mua đất ở các quốc gia khác cho công dân “sơ tán”. Vậy, liệu quần đảo này có hết người không? Câu trả lời không thật rõ ràng nhưng nếu điều đó xảy ra thì quả là đáng tiếc nhất trong những điều đáng tiếc.