Thời nào đạo đức người làm báo cũng là trên hết

Hương Lê 19/06/2017 08:00

Cho đến bây giờ, khi đã gần 90 tuổi đời, 70 năm cầm bút nhưng nhà báo Hà Đăng vẫn nhớ như in bài báo đầu tiên ông viết năm 18 tuổi có tiêu đề “Tâm sự đồng bạc trong két sắt”, đăng trên báo của tỉnh Phú Yên. Những ngày đầu tiên ấy ông chưa hề biết gì về báo chí, nhưng càng ngày nghề báo càng hấp dẫn ông.

Nhà báo Hà Đăng. Ảnh: H.L.

Nhà báo Hà Đăng gắn bó với nghiệp báo là một cơ duyên. Bài viết “Tâm sự đồng bạc trong két sắt” được ông viết năm 1947- đó cũng là thời điểm đánh dấu nhiều dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Đó là năm ông được kết nạp Đảng, được làm Trưởng ban Tuyên truyền tỉnh Phú Yên.

Sở dĩ có bài báo ấy là do ông làm Trưởng ban Tuyên truyền, yêu cầu quần chúng ủng hộ quỹ kháng chiến. Ở xã ông lúc ấy có một địa chủ giàu có nhưng quá đỗi hà tiện, nên ông muốn qua thân phận đồng bạc để truyền đi một thông điệp rằng: đồng bạc ở trong tay người nghèo thì chuyển thành vũ khí, lương thực cho bộ đội. Còn đồng bạc của nhà giàu thì nằm trong két sắt, vẫn là thân phận đồng bạc nhưng cảm thấy nó vô dụng quá...

Cuộc đời làm báo của ông gắn bó với báo Nhân Dân từ năm 1955. Trưởng thành từ một phóng viên, ông lần lượt giữ các cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (1987-1992), Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1992-1996), Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1996-2001), Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006). Đến năm 2007, ông về hưu nhưng vẫn làm tư vấn, chuyên gia thẩm định cho Tạp chí Cộng sản... Bút danh Hà Đăng đã theo ông suốt cuộc đời làm báo. Vậy bút danh ấy đã ra đời như thế nào?

Ông kể, tên cha mẹ đặt cho là Đặng A, khi đi học được đổi tên thành Đặng Ha. Cho tới khi làm báo Báo Văn nghệ Liên khu V (năm 1951) khi ông viết một bài phóng sự dài, ông chủ bút Nguyễn Văn Bổng đã đặt cho ông bút danh Hạ Đăng (theo cách nói lái). Nhưng sau đó, khi in bài báo, anh em sắp chữ thấy ký tên Hạ Đăng, nghĩ họ “Hạ” chỉ có ở Trung Quốc, chắc có sự nhầm lẫn nào đây. Họ tự ý đổi họ của ông thành “Hà”. Cái tên Hà Đăng ra đời từ đó, gắn với hàng trăm bài báo, bài chính luận nổi tiếng, và những cuốn sách ông tập hợp các bài báo in sau này.

Nhiều thập kỷ đã trôi qua, song những độc giả lớn tuổi vẫn nhớ tới bài báo “Ba lần đuổi kịp trung nông” của nhà báo Hà Đăng đăng trên báo Nhân Dân vào những năm 60 của thế kỷ trước. Bài báo có tiếng vang lớn, mở đầu cho phong trào thi đua Gió Đại Phong. Cái hay của hợp tác xã Đại Phong là cái hay của một hướng phát triển mới: từ tổ đổi công lên hợp tác xã, và từ hợp tác xã nhỏ lên hợp tác xã lớn.

Nhà báo Hà Đăng chia sẻ: Hồi ấy tôi là phóng viên nông thôn của báo Nhân Dân, với chiếc xe đạp tòng tọc, tôi cũng như nhiều anh em khác đã rong ruổi nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4 cũ. Tôi viết bài “Ba lần đuổi kịp trung nông” từ chuyến đi thực tế ở Quảng Bình, phản ánh ba bước tiến đáng ghi nhận của hợp tác xã. Bài này được đăng cả một trang báo. Cũng từ đó, một phong trào thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp và vượt Đại Phong, nói chung là Phong trào Đại Phong nổi lên khắp cả nước…

Nhà báo Hà Đăng còn là người gắn bó với công cuộc đổi mới. Ông đã có rất nhiều bài viết về sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước. Năm 2006 ông đã xuất bản cuốn sách với tựa đề “Cái mới của đổi mới”. Mỗi bài viết của ông đều đề cập từng lĩnh vực mới với hình thức mới lạ, sinh động, văn phong hấp dẫn bạn đọc. Ông bảo thời gian sau Đại hội VI, tư tưởng đổi mới báo chí cũng lớn lắm. Hội nghị của Trung ương lúc ấy về cơ chế quan liêu bao cấp cũng đã nói. Đại hội VI là tập hợp cao nhất của đổi mới còn quá trình nhân tố đổi mới đã đề cập từ trước đó.

Có 3 bài ông viết về đổi mới tập hợp trong cuốn sách nói trên: “Đổi mới một quá trình cách mạng” là nói đến bản chất của đổi mới, đổi mới do ai làm, đổi mới bao giờ thì xong, “Đổi mới bắt đầu từ đâu?”, “Đổi mới những thành tựu lớn”.

Kể đến đây, giọng ông cũng sôi nổi hẳn lên khi nhắc tới chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của Báo Nhân Dân từ năm 1987-1990, thời kỳ ông đang làm Tổng Biên tập. Lúc bấy giờ, với tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, những bài báo trên chuyên mục đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của xã hội cũng như cả hệ thống chính trị, trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau này, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đổi tên thành mục “Nói và làm”, đến giờ mục đó vẫn còn giá trị thực tế cuộc sống.

Trong câu chuyện với ông về nghề báo, chúng tôi đã đối thoại rất cởi mở.

Theo ông làm báo bây giờ dễ hay khó?

- Tư chất nhà báo thời nào cũng vậy, tuy có thể khác nhau về phương tiện, trình độ. Dân trí ta ngày trước thấp, hiểu biết chưa cao, người ta dễ cho qua. Bây giờ khác, thông tin đến tận giường ngủ, bạn đọc hiện nay có tầm nhìn rộng có nhiều cách thẩm định bài viết của nhà báo, cho nên làm báo bây giờ là rất khó.

Theo ông, việc khó nhất khi làm báo trong giai đoạn hiện nay là gì?

- Khó nhất là viết cho hay, mà muốn viết hay thì… khó. Làm ăn thì cần có vốn, làm báo cũng vậy. Nhà báo cần tạo ra vốn tri thức và vốn sống, tri thức văn hóa, tri thức sách vở, tri thức đời sống. Nhà báo cần nhiều năng khiếu nhưng không phải ai cũng có tài năng bẩm sinh mà phải lao động cật lực. Nếu viết dở, tốt nhất là chuyển sang nghề khác.

Là nhà báo, nhà lý luận kì cựu; khi ở cương vị Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ông có “soi” anh em báo chí không?

- “Soi” thì có nhưng mà xét nét thì không, càng thông cảm hơn với nỗi vất vả của anh em làm báo, nếu có vấn đề, với tư cách người anh, người bạn đồng nghiệp tôi cũng trao đổi chân thành và chẳng có đao to búa lớn gì.

Bây giờ trước hiện tượng cùng một sự việc nhưng mỗi báo đưa tin, bình luận một kiểu- thậm chí trái chiều nhau. Ông đánh giá ra sao?

- Đó là cách nhìn và tầm nhìn, tùy ở góc độ nhìn mà người cầm bút có thể phán xét khác nhau, chuyện thầy bói xem voi là như thế. Người sờ tai thì bảo nó giống cái quạt, người sờ chân thì bảo nó giống cái cột…Nhưng làm báo quan trọng ở đạo đức báo chí. Ví dụ anh không thể bao che cho tiêu cực, lợi ích nhóm, hay dùng một bài báo để hạ gục doanh nghiệp nọ, đánh doanh nghiệp kia…

Gần đây báo mạng bị phê bình nhiều về cách làm báo “giật gân, câu khách”. Ông có thấy điều đó không?

- Việc phê bình hoàn toàn đúng. Hồi trước, mình cứ nói báo chí phải lấy phục vụ nhân dân làm chính, nhưng đến thời kỳ đổi mới cơ chế thị trường nó cũng ảnh hưởng đến kiểu làm báo. Hồi đó mình hay nói là có sự thương mại hóa báo chí, báo chí xa rời mục đích…và bị phê bình rất dữ. Rõ ràng là báo chí cần đổi mới, muốn tìm cách đổi mới, nhưng mà đổi mới không đúng hướng nên mới chạy xa khỏi mục đích tôn chỉ, đưa những bài giật gân.

Phương thức làm báo hiện nay cũng khác, nhiều báo chính thống của mình cũng làm báo mạng theo kiểu vừa nói đó. Điều này cũng làm cho bức tranh báo chí ngày càng phức tạp thêm, còn các tờ báo in bây giờ càng ngày càng teo tóp lại. Có những tờ báo trước kia một ngày mấy chục nghìn bản, giờ lượng phát hành đã giảm đi nhiều.

Theo ông, với những tờ báo đang theo xu hướng thị trường, bây giờ phải làm như nào để không bị phê bình mà vẫn đạt hiệu quả?

- Đứng từ góc độ báo chí, dù tự do nhưng vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc của nó, có những quy định về báo chí, luật pháp… Nhưng quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người ta. Có nhiều người cố gắng giữ vững đạo đức người làm báo, nhưng có người lợi dụng uy tín nhà báo tới đe dọa người khác, bắt các đơn vị cung phụng để anh không viết bài, hoặc có các đơn vị mua bài viết để cổ vũ chuyện làm ăn không đúng đắn…

Động cơ có nhiều và mức độ sai phạm cũng nhiều. Bên cạnh đó là tác động của bên ngoài, người làm báo mà không vững thì rất dễ bị tác động. Đối với người làm nghề, bao giờ cũng lấy giáo dục làm chính, đồng thời cũng phải đấu tranh chống chủ nghĩa lệch lạc.

Thưa ông, giờ đây báo chí và mạng xã hội có sự tương tác đáng kể. Hai vụ việc gần đây nhất là những ồn ào quanh việc chặt cây xanh ở Hà Nội, và vụ việc quy hoạch khu du lịch tại bán đảo Sơn Trà- Đà Nẵng đã ít nhiều cho thấy điều đó. Có nghĩa là giờ đây không chỉ nhà báo làm báo nữa mà cả cộng đồng cũng đang tham gia làm báo?

- Tôi thấy thể loại báo chí bây giờ đa dạng, ngay cả một tờ báo cũng đa phương tiện đa chức năng. Vậy nên những cơ quan chủ quản của mình phải cố gắng nắm vững đường lối và làm xương sống cho hệ thống báo chí. Các cơ quan báo chí của các đoàn thể cũng cần phải vậy, phải có định hướng rõ ràng.

Bây giờ tác nghiệp khác, ngày xưa bọn tôi muốn viết đề tài nông thôn thì phải về nông thôn, một tháng 20 ngày mình nằm ở nông thôn rồi về nhà 10 ngày để viết. Bây giờ anh em đâu có thời gian đi nhiều như mình mà chủ yếu qua mạng hết, báo điện tử mình toàn thế cả, rồi lại cạnh tranh xem báo nào đưa thông tin sớm nhất. Do đó có những thông tin không được kiếm chứng...

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhà báo Hà Đăng luôn nhấn mạnh tới đạo đức báo chí. Là nhà báo, trước hết cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và đạo đức tốt, nhưng về nghiệp vụ, cũng cần phải có khả năng làm việc tốt. Ông cho rằng không phải cứ người làm báo lớn tuổi là siêu hơn thế hệ trẻ hôm nay. Ông không nhận mình là nhà báo giỏi, mà chỉ nhận mình làm nghề thực sự nhiệt huyết, say mê và suốt cuộc đời làm báo đã học tập, rèn luyện một cách nghiêm túc nhất.

Hương Lê