Báo chính thống & mạng xã hội

Việt Thắng-Khánh Ly (thực hiện) 17/06/2017 14:30

Cái khó của người làm báo là đang bị bủa vây bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi mối quan hệ tiền-quyền, và sự bùng nổ như vũ bão của mạng xã hội. Áp lực ngày càng đè nặng lên vai người làm báo. Nhà báo Đỗ Phượng- nguyên Tổng Giám đốc TTXVN; nhà báo Xuân Hải - Trưởng ban Bạn đọc Báo Lao động; nhà báo Lương Ngọc Kết - Ban Chính trị xã hội Báo Nông thôn ngày nay đã cùng ĐĐK tọa đàm nhân 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Đỗ Phượng.

PV:Thưa các vị, thực tế thì mỗi thời, nhà báo đều có khó khăn riêng trong việc tác nghiệp. Các vị có thể chia sẻ về những khó khăn thách thức mà ở cương vị người làm báo, các vị đã gặp phải?

Nhà báo Đỗ Phượng: Trước khi trả lời câu hỏi này tôi muốn kể một số kỷ niệm làm nghề của tôi. Năm 1964, Ban Bí thư giao cho tôi viết bài phát biểu để Bác Hồ đọc tại hội nghị. Sau khi Bác đọc bài phát biểu xong, tôi được một số đồng nghiệp khen là chuẩn bị bài cho Bác thật tốt, thật hay. Thú thật lúc đó tôi không biết diễn tả tâm trạng của mình thế nào. Bởi, Bác đã không hề đọc một từ nào trong bài phát biểu tôi chuẩn bị. Tôi rất buồn.

Sau hội nghị, thư ký của Bác gọi tôi lại và nói: Bác nói với tôi rằng, chú ấy viết rất tốt nhưng Bác dặn chú ấy hai điều. Thứ nhất, thưa gửi ít thôi, thưa càng nhiều thì càng thiếu. Thứ hai, đừng bắt chước cách viết của người khác, cứ viết theo suy nghĩ của mình. Tôi thì lo bài không hay, cứ đi sưu tầm bài Bác đã viết, đã nói để học, để cho vào báo cáo. Trong khi, mỗi người có một ý tưởng, một phong cách, đừng rập khuôn, như vậy sẽ không có một bài hay. Bác đã dạy tôi viết báo thế nào, làm thế nào để có một bài báo hay.

Nên điều mà tôi muốn nhấn mạnh là làm báo thời nào cũng vậy, phải lấy ngòi bút để cổ vũ tinh thần, cổ động tổ chức, quần chúng tham gia xây dựng đất nước. Làm báo là giáo dục ý thức, tinh thần, thông báo được những thông tin đúng đắn, sâu sắc nhất, giúp từ lãnh đạo tới nhân dân có nhận thức đúng đắn. Kể cả viết phê bình cấp nào đó cũng theo tinh thần đó. Chớ có dùng cách viết không chuẩn mực, phải chính xác. Phê bình cũng phải thực thà mang tính xây dựng.

Nhà báo Xuân Hải.

Nhà báo Xuân Hải: Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, báo giấy phát hành ngày một giảm sút, đồng nghĩa với việc quảng cáo ít đi khiến thu nhập của cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo giảm đi. Đó là khó khăn lớn nhất mà các báo đang phải đối mặt, phải tìm cách đẩy tăng lượng phát hành lên bằng việc đẩy nội dung, các chuyên đề sâu từ đó truyền tải đến bạn đọc. Đó là báo giấy.

Còn đối với báo điện tử, do mạng xã hội bùng nổ quá mạnh đặt ra nhiều thách thức với báo điện tử chính thống, cạnh tranh thông tin một cách quyết liệt, hầu hết mọi thông tin khi báo điện tử chưa có thì mạng xã hội đã có, khiến người dân tiếp cận không biết đúng sai thế nào. Do đó nhu cầu về thông tin chuẩn xác của báo điện tử càng gặp khó khăn nhiều hơn trong xác minh thông tin xảy ra mà mạng xã hội đang lan truyền. Trong khi sự việc đang rất nóng thì nhiều cơ quan chức năng lại tìm cách né báo chí. Tôi nghĩ đó là khó khăn lớn nhất của báo chí hiện nay.

Nhà báo Lương Ngọc Kết.

Nhà báo Lương Ngọc Kết: Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực từ 1/1/2017 trong đó có sửa đổi nhiều nội dung mới thuận lợi hơn cho phóng viên khi đi tác nghiệp. Nhiều bài báo liên quan đến những vấn đề bức xúc của xã hội, chống tiêu cực tham nhũng, đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm.

Có trường hợp đích thân Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ thông tin báo chí nêu. Đó là bên Đảng. Còn về phía Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng thường xuyên coi báo chí là kênh giúp cho công việc điều hành, nên thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề báo chí nêu.

Đó là một trong những khích lệ động viên với mỗi cơ quan báo chí nói chung, các nhà báo nói riêng trong công việc thông tin, phản ánh các vấn đề nóng, những vấn đề bức xúc tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên cũng phải nói rằng dù Luật có quy định thế nào nhưng quan trọng vẫn là vấn đề thực hiện.

Thực tế, đã có nhiều phóng viên bị làm khó trong việc cung cấp thông tin. Trong trường hợp này các cơ quan chức năng đã làm sai luật, và việc xử lý họ đã có điều Luật quy định rồi nhưng xử lý họ lại rất khó. Ví dụ phóng viên bị cản trở quá trình tác nghiệp, ngoài Luật Báo chí thì Bộ luật Hình sự cũng đã quy định, nhưng rất ít người bị xử lý.

Nhưng tôi đồng ý với ý kiến của nhà báo Xuân Hải- đó là, thách thức nhất của báo chí hiện nay là mạng xã hội, rất nhiều nhà báo, cơ quan báo chí bị chạy theo mạng xã hội. Điều này rất nguy hiểm và trong khi bị cuốn theo các thông tin như thế, báo chí rất có thể sẽ hạ thấp mình.

Bên cạnh đó, tôi thấy, thời gian qua rất nhiều vụ việc nhỏ bé nhưng có lẽ do áp lực chạy theo lượng bạn đọc, mối lo tăng view nên nhiều báo tập trung khai thác thông tin trên mạng xã hội. Nếu chỉ nhìn vào việc lặt vặt trên mạng xã hội rồi đăng lại thì đúng là báo chí đang tự rẻ rúng.

Các vị đã nhắc đến sự bùng nổ của mạng xã hội khiến báo chí đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt về thông tin, nhưng thực tế lại đang bị gây khó từ chính các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí?

Nhà báo Xuân Hải: Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến nhân dân về Nghị định quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản, trong đó có quy định, người không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của Luật thì sẽ bị xử phạt 3 triệu đồng. Quy định này phải tăng cao hơn nữa nếu không một cơ quan sẵn sàng bỏ ra 3 triệu để nộp phạt và sẵn sàng không cung cấp thông tin cho báo chí.

Như vậy sẽ không đủ sức răn đe, nên cần phải tăng mức xử phạt. Với người giữ trách nhiệm phát ngôn nếu không cung cấp thông tin cho báo chí thì phải xếp hạng không hoàn thành nhiệm vụ để xử lý kỷ luật theo quy định của Luật chứ không thể để anh tìm cách né tránh, gây khó cho báo chí.

Nhà báo Lương Kết: Theo quy định các cơ quan tổ chức ít nhất 1 quý 1 lần phải chủ động họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí nhưng nhiều bộ ngành cơ quan không thực hiện việc đó. Có nơi cả năm mới tổ chức họp báo 1 lần nhưng cuộc họp báo đó mang tính gặp mặt nhiều hơn là cung cấp thông tin định kỳ.

Khi xảy ra vụ việc nóng liên quan đến cơ quan chức năng hay địa phương thì việc nhanh chóng kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí nhưng nhiều nơi làm chưa được tốt, cần sự chấn chỉnh. Quan trọng là người đứng đầu các địa phương, ngành lĩnh vực phải nhận thức đúng việc thông tin cho báo chí.

Khi vấn đề gì nóng xảy ra liên quan đến bộ ngành lĩnh vực của mình thì phải nhanh chóng, cung cấp thông tin cho báo chí một cách chính thống bằng nhiều hình thức khác nhau. Nó sẽ giúp cho báo chí có thông tin và định hướng trong việc tuyên truyền tránh việc mỗi cơ quan báo chí khi bị bế tắc trong việc đi tìm nguồn tin lại đặt vấn đề khác nhau thành ra nhiễu loạn, gây ra sự phản tác dụng.

Trước sức ép từ cơ chế thị trường, mạng xã hội thì theo các vị, cần phải có cơ chế đặc thù gì để tạo điều kiện cho báo chí phát triển?

Nhà báo Đỗ Phượng: Tôi nghĩ làm báo tốt trước hết phải có cái tâm. Thời chiến, cái tâm ấy là lòng yêu nước, là nhiệt tình cách mạng, tính Đảng, tính chiến đấu. Bây giờ cũng vẫn vậy, tất nhiên, hoàn cảnh có thay đổi thì sự biểu hiện của cái tâm cũng có những thay đổi nhất định. Chiến tranh đòi hỏi những phẩm chất nghiêm ngặt mà bây giờ không đòi hỏi nữa. Tuy nhiên, có những điều về đạo đức vẫn bất biến, đó là trách nhiệm công dân của người làm báo.

Và thời nào cũng vậy, người làm báo vẫn phải tâm huyết, công tâm và dũng cảm. Nhưng để báo chí phát huy được vai trò của mình thì phải tạo điều kiện cho báo chí đi vào những vấn đề nóng bỏng mà xã hội quan tâm nhất.

Hiện nay, có tình trạng không ít cán bộ quan liêu, xa dân, nhiều vấn đề thiết thực với lợi ích của dân thì không giải quyết. Đối với cả nước có thể nhỏ nhưng đối với từng xóm, từng gia đình, từng người dân thì không hề nhỏ. Nếu chúng ta chỉ nhìn cái lớn mà không nhìn những cái nhỏ này thì rất nguy hiểm.

Nhà báo Xuân Hải: Do kinh tế thị trường, sự cám dỗ ngày càng nhiều nên nhà báo nếu không có bản lĩnh vững vàng dễ bị sa ngã. Khi phát hiện ra một vụ tiêu cực nào đó sẽ có một sự mặc cả hoặc thậm chí cám dỗ thương lượng, nếu phóng viên không giữ được bản lĩnh của mình rất dễ bị đồng tiền mua chuộc, bẻ cong ngòi bút, thậm chí là mua cả sự im lặng thì đó là cái khó khăn nhất; khiến người làm báo phải luôn giữ cho mình cứng rắn.

Theo tôi một người làm báo giỏi luôn học hỏi, trau dồi thì kinh nghiệm và ngòi bút của mình sẽ tăng dần, nghĩ ra đề tài mới, bài viết hay thì bạn đọc luôn đón nhận và đời sống sẽ được cải thiện. Trong hoàn cảnh hiện nay người làm báo phải tự trau dồi bản lĩnh của mình, đừng để tụt hậu so với thời cuộc, làm sao xứng đáng là người làm báo chân chính.

Trân trọng cảm ơn các vị khách mời!

Việt Thắng-Khánh Ly (thực hiện)