Quy trách nhiệm quản lý, sử dụng nợ công
Ngày 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Cùng ngày, QH xem xét thông qua việc bổ nhiệm 2 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thảo luận Luật Tố cáo (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị, cần đưa khoản nợ vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công vì thực tế doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, hay Nhà nước nắm quyền sở hữu chi phối thì Nhà nước phải có trách nhiệm. Bởi đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay, do vậy đưa vào trong Luật để quy trách nhiệm và quản lý sử dụng vốn Nhà nước được hiệu quả.
Theo ông Xuân, không nên dùng ngân sách Nhà nước để trả nợ đối với các khoản mà Chính phủ vay về và cho vay lại để nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, tránh trường hợp địa phương sử dụng không hiệu quả gây tổn thất lãng phí. Đặc biệt Chính phủ giao các cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các khoản nợ, vay. Và Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các vấn đề nợ công.
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhìn nhận, hiện nay có 3 cơ quan quản lý nợ công như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nhưng sự phối hợp chưa bao giờ thông suốt, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra thất thoát lãng phí. Cho nên để một đầu mối cho dễ dàng quản lý, đồng thời làm giảm biên chế, tăng niềm tin của người đi vay khi chỉ làm việc với một đầu mối. Như thế sẽ có bức tranh tổng thể thay vì phải ghép nhiều mảng ghép như hiện nay.
“Cần giám sát nợ công vì nó ảnh hưởng đến quốc gia, các khoản vay về cho vay lại và các khoản bảo lãnh mà Chính phủ vay về và cho vay lại nhưng đơn vị vay không trả được thì Chính phủ phải trả thay. Do vậy cần rà soát chặt chẽ các quy định. Đặc biệt hiện chưa quy định trách nhiệm cơ quan trong quảnlý nợ công nên không xử lý được trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi để xảy ra thất thoát lãng phí nên cần quy trách nhiệm của cơ quan, cá nhân khi để xảy ra thất thoát từ các khâu thẩm định, phê duyệt”- ông Hàm nêu rõ.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nợ công cũng làm tăng lãi suất như nợ xấu. Nợ công năm 2012 là 62,8%, và Quốc hội đã thông qua cũng đưa ra mức trần là 65% trên GDP. Cho nên quản lý nợ công là bức thiết nhưng nhu cầu chi tiêu công, bội chi ngân sách luôn vượt dự toán, bình quân bội chi 5 năm qua là 5,8%, chi thường xuyên liên tục gia tăng đến gần 70% tổng chi ngân sách, đầu tư công hiệu quả thấp và tăng trưởng không đạt kế hoạch nên nợ công tăng nhanh.
Vì thế quản lý nợ công cần được đặt trong bối cảnh các Luật có liên quan như: Ngân sách nhà nước; đầu tư công; quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức Chính phủ; và tổ chức chính quyền địa phương. Cho nên nợ công cần phải công khai cập nhật liên tục hàng tháng. Các khoản đầu tư công trong thời gian tới rất lớncho nên đầu tư công có tính hiệu quả mới kéo giảm được nợ công. Do đó cần giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp nhà nước, giải thể các dự án thua lỗ, đắp chiếu trước tiên chứ không phải vội vàng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn có lời.
“Nợ công phải gắn với trách nhiệm của cơ quan trong quản lý nợ công nhưng để 3 cơ quan quản lý không làm rõ được trách nhiệm trong việc đi vay và khả năng trả nợ, làm tăng vượt trần nợ công. Cho nên để xảy ra hậu quả thì phải gánh chịu trách nhiệm nếu không quy định trách nhiệm thì đương nhiên cơ nàocũng nhận về mình. Người đời nói có 4 cái dại, trong đó có việc lãnh nợ nhưng không quy định việc đi vay không gắn với trách nhiệm trả nợ nên việc lãnh nợ hiện nay ai cũng muốn, và nó không phải là cái dại như người xưa nói” - ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói. Còn ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng, nhiều khoản vay về được Chính phủ bảo lãnh nhưng lại sử dụng chưa hiệu quả cho nên cần tăng cường giám sát đối với các khoản bảo lãnh để giảm khả năng Chính phủ trả nợ thay.