Gặp lại 'thi sĩ thảo dân'
Vào trung tuần tháng 6, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội công chúng có dịp trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Duy tại 2 buổi giao lưu ở Đường sách TP HCM (lúc 10h ngày 15/6) và tại Phố sách Hà Nội (19h ngày 18/6).
3 cuốn sách mới của nhà thơ Nguyễn Duy. Ảnh: P.Nam..
Nhà thơ Nguyễn Duy lâu nay được nhiều độc giả gọi là “thi sĩ thảo dân” bởi những bài thơ của ông gần gũi với đời sống của người nông dân, nói lên suy nghĩ của họ. Đặc biệt, bài thơ nổi tiếng “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy đã có một vị trí trong đời sống thi ca Việt Nam.
Dịp này, những cuốn sách mới của Nguyễn Duy cũng được ra mắt, giới thiệu tới độc giả. Trong đó, bên cạnh 2 tập thơ mang đậm dấu ấn phong cách của thi sĩ Nguyễn Duy là “Quê nhà ở phía ngôi sao” và “Tuyển thơ lục bát” còn có tập du ký “Ghi và nhớ” gồm 3 phần:“Đông Âu du kí”, “Vừa đi vừa đếm bước…”, “Gập ghềnh giấy”. Đọc những trang du ký này, ta có thể bắt gặp khuôn mặt của những người Việt xa xứ trên đất khách quê người, cùng những khuôn mặt người Việt lập nghiệp và thành công trên chính quê hương của mình.
Nguyễn Duy dù thử sức mình ở thể loại nào vẫn giữ cho mình tâm thế của một thi sĩ thảo dân, gắn bó với đời sống người dân, những con người bình thường mà cũng thật đặc biệt dưới ngòi bút tài hoa…
Nguyễn Duy dành phần cuối của sách để khắc họa chân dung những bạn văn, những vị tiền bối từng là nguồn cảm hứng khích lệ ông trên con đường văn chương như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Đoàn Văn Cừ, Hoàng Cầm…
Nguyễn Duy đã quan sát họ trong khoảng cách gần, góp thêm những nét mới vào bức chân dung của những văn nghệ sĩ mà ta ngỡ rằng đã quen thuộc nhưng vẫn còn nhiều góc khuất chúng ta chưa nhìn ra.
“Ghi và nhớ” còn có một đoản thiên sử kí trong dòng chảy lịch sử xuyên suốt, được cắt ra, giữ lại vài khoảnh khắc, mà khoảnh khắc nào cũng đáng quý, đáng nhớ. Đó là cuộc hành trình đi tìm lại dấu xưa của những vị vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, khắc họa một thời đoạn bi ai của lịch sử dân tộc.