Những viên đá Việt giữa lòng châu Âu
Mỗi người Việt có cơ hội được du ngoạn trên những đại lộ thênh thang, quảng trường lát đá cổ kính rộng lớn giữa lòng châu Âu sẽ cảm thấy rất tự hào khi được biết những viên đá ấy được nhập khẩu từ Việt Nam. Ðằng sau niềm tự hào ấy là bao vất vả của doanh nhân âm thầm vượt qua khó khăn để đưa những viên đá Việt vào thị trường châu Âu.
Những quảng trường rộng lớn ở Châu Âu được lát đá tự nhiên nhập khẩu từ Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Là cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Ðại học Hồng Ðức, Thanh Hóa), sau khi ra trường ông Nguyễn Hữu Quảng gắn bó với cái nghiệp đá núi từ vị trí một người công nhân để thấu hiểu tính chất, đặc trưng của từng loại đá. Là “ông cử” hiếm hoi thời ấy, được nhiều cơ quan nhà nước mời về làm việc nhưng quyết định “gác bút nghiên” để làm một công nhân đã khiến bao người ngã ngửa, cho rằng việc làm của ông điên khùng.
Cất tấm bằng cử nhân, ông Quảng về làm công nhân tại xưởng đá của Cty Liên doanh Việt – Hung (Ðông Sơn – Thanh Hóa). Công việc trong xưởng mài đá giúp ông Quảng hiểu rõ đặc trưng của các loại đá, loại đá nào dùng làm đồ mỹ nghệ, loại dùng ốp lát công trình như bể bơi, phòng hội nghị, đá lát đường… Với đồng lương 500.000 đồng/tháng, nhiều đêm ngồi nhìn đôi chân nham nhở vì nước bột đá ăn mòn, đôi tay đầy vết chai sần, vết sẹo trong lúc làm việc đã khiến ông Quảng muốn bỏ việc.
Ðại lộ rộng lớn ở nước Pháp được lát bằng đá xanh Việt Nam.
Vào năm 2008, trong một lần làm việc tại xưởng, ông Quảng được Ban Giám đốc giao nhiệm vụ giới thiệu sản phẩm đá cho đoàn đối tác đến từ Pháp, do kỹ sư Abert Robe dẫn đầu. Cảm mến chàng công nhân có năng lực, sau hồi trò chuyện, kỹ sư chế tác đá Robe mời ông Quảng về công ty với mức lương 15.000.000 đồng/tháng. Vượt qua cám dỗ của mức lương, ông Quảng tiếp tục ở lại xưởng đá làm việc.
Năm 2011, Cty Việt – Hung phá sản do Ban giám đốc tử nạn vì tai nạn giao thông. Với những kinh nghiệm, kiến thức học nghề trong xưởng, ông Quảng vay vốn ngân hàng mua máy móc lập nghiệp đá. Kiến trúc sư Robe giới thiệu khách hàng nhập khẩu đá từ châu Âu. Ông Quảng cần mẫn trau dồi vốn ngoại ngữ sau những năm tháng bỏ quên khi làm công nhân, đặt từng viên đá vào vali, ông Quảng bắt đầu hành trình đi khắp châu Âu từ Pháp, Bỉ, Ðức… giới thiệu sản phẩm.
Kiến trúc sư Ba Lan chế tác đá tự nhiên Việt Nam để xây dựng công trình.
“Cuộc gặp gỡ với kiến trúc sư Robe gần như thay đổi cuộc đời tôi. Ðể tìm kiếm đối tác, tôi phải mang từng viên đá từ Việt Nam qua châu Âu giới thiệu rồi lại vác đá từ châu Âu về để so sánh, tìm hiểu để có những sản phẩm phù hợp với thị trường. Trong vali luôn ưu tiên đựng đá, còn quần áo, đồ dùng cá nhân tiết kiệm tối đa nhất. Tuy vất vả nhưng nhìn viên đá của Việt Nam lát trên quảng trường, đại lộ giữa lòng châu Âu và nâng giá trị sản phẩm trong nước, tăng thu nhập cho công nhân, mọi mệt mỏi tan biến hết”, ông Quảng kể lại những ngày tháng đầu tiên gắn nghiệp đá.
Dấu ấn Việt giữa lòng Châu Âu
Vừa kể lại cơ duyên đưa đá xanh Việt Nam đến với thị trường châu Âu, ông Quảng cho chúng tôi những tấm ảnh chụp từng công tơ nơ đá trên xưởng chế tác tại châu Âu, những quảng trường, đại lộ khắp các nước Pháp, Bỉ, Ðức, Hà Lan… được lát bằng đá tự nhiên của Việt Nam.
Ngoài cung cấp nguồn đá tự nhiên thiết kế các công trình, sản phẩm đá Việt Nam còn dùng xây dựng công trình như bể bơi trong nhà, phòng hội nghị hội thảo và các công trình sinh hoạt như nhà bếp, bồn rửa mặt, chậu rửa bát…
“Cùng một sản phẩm từ đá núi nhưng kỹ thuật chế tác của nước ngoài rất tinh xảo, tạo nên sản phẩm tuyệt vời. Nhờ được tham quan các công trình đã giúp tôi có thêm nhiều cái nhìn, hướng đi mới cho những sản phẩm của Việt Nam”, ông Quảng nói.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Quảng (bên trái) cùng đối tác nhập khẩu tại xưởng đá đặt ở Bỉ.
Ðể đưa sản phẩm đá tự nhiên Việt Nam vào thị trường châu Âu, ngoài tìm hiểu thông tin trên mạng internet, ông phải nhiều lần mang mẫu đá sang chào hàng với đối tác. Ban đầu nhiều người cho rằng ý tưởng xuất khẩu đá sang nước ngoài ảo tưởng, can ngăn ông. Sau nhiều nỗ lực cố gắng, kết quả đến nay sản phẩm đá tự nhiên đã có mặt ở nhiều nước châu Âu.
Hiện nay, công ty sản xuất và chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn (Yên Lâm, Yên Ðịnh, Thanh Hóa) tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại phương với mức lương trung bình 6.000.000 - 8.000.000 đồng/tháng/người. Ðây cũng là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong làng nghề sản xuất đá tự nhiên Yên Lâm (Yên Ðịnh, Thanh Hóa).