Hải Dương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Sáng 18/6, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương năm 2017.
Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
Cùng dự có lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cùng hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Hải Dương là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1637 doanh nghiệp trong nước có đăng ký các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên số doanh nghiệp hoạt động thực sự và có hiệu quả trong lĩnh vực này có khoảng 300 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 18 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 155,7 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương là trên 15 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản, liên kết sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được đầu tư với quy mô lớn đã phát huy hiệu quả.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng nêu rõ những khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp, đồng thời cũng đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Hải Dương xem xét tháo gỡ như: Độ rủi ro khá cao, tình hình thị trường biến động không ngừng, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Việc tích tụ ruộng đất để phát triển với quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gặp nhiều khó khăn do các quy định về tích tụ ruộng đất còn những bất cập; cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh đã có nhưng chưa đủ mạnh, một số chính sách khi đưa vào áp dụng tính khả thi chưa cao nên khó cho cá nhân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp còn tập trung khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, mức cho vay đối với tài sản thế chấp thấp khiến cho doanh nghiệp luôn trong tình trạng “đói vốn”.
Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường, thương mại quốc tế, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước; chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, ảnh hưởng nhiều đến cạnh tranh.
Vấn đề liên kết theo mô hình chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, việc sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa nhiều.
Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, chưa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản; sản phẩm nông sản chủ yếu vẫn là sản phẩm thô khó đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực, kết quả của tỉnh trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, với việc đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ so với tiềm năng lợi thế và yêu cầu thì Hải Dương còn xa mới đạt được. Việc tổ chức ngành hàng theo chuỗi còn rất thiếu, nếu không tổ chức lại cơ cấu nông nghiệp thì đời sống của nông dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để việc tái cơ cấu lại nông nghiệp, đồng thời thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Hải Dương cần tập trung dồn sức, dồn lực cho phát triển nông nghiệp, lấy công nghiệp để phát triển nông nghiệp và lấy nông nghiệp để thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Quy hoạch, rà soát lại, làm ra tấm ra món, lựa chọn ngành hàng làm mũi nhọn để đi sâu phát triển; quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, có như vậy mới thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Mặt khác Hải Dương cũng cần tập trung phát triển doanh nghiệp tại chỗ. Đào tạo, khích lệ, hỗ trợ để tạo điều kiện cho nông dân trong tỉnh phát triển lên doanh nghiệp để làm ăn lớn. Tăng cường việc xây dựng các chuỗi giá trị liên kết, liên kết vùng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng quan tâm chỉ đạo, đề nghị các ngân hàng xem xét tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, vay vốn.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển hứa với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào Hải Dương, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng chỉ đạo các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố sau hội nghị này cần nghiên cứu, hoạch định cụ thể việc tái cơ cấu nông nghiệp, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiệu quả.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận nguyên tắc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giữa cơ quan nhà nước với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.