Giáo dục 4.0: Góp phần hiện đại hoá căn bản giáo dục đại học
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền công nghiệp mới và đồng thời tận dụng thế mạnh của CNTT, nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang đổi mới toàn diện và theo đó giáo dục 4.0 (GD 4.0) đang được đánh giá là mô hình phù hợp.
Trong những năm qua, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tuy vậy, các trường đại học (ĐH) Việt Nam vẫn có những hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp (DN) về đội ngũ nhân lực có trình độ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Những hạn chế đó đã đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH như được chỉ ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và GD 4.0 sẽ là một trong những giải pháp góp phần thực hiện yêu cầu đó.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM), trường đại học đầu tiên nghiên cứu và triển khai mô hình GD 4.0 cho rằng “GD 4.0 không chỉ là sự áp dụng CNTT vào trường học mà còn là việc thay đổi tư duy và cách tiếp cận để đào tạo nhân lực phù hợp cho nền kinh tế tri thức, toàn cầu hóa”.
Theo đó, GD 4.0 sẽ thay đổi từ giáo dục tri thức, năng lực làm việc hiệu quả sang đổi mới sáng tạo để tạo giá trị cho người học và xã hội. Do vậy, chỉ có áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào giáo dục ĐH hay còn gọi là GD 4.0 thì các trường ĐH của Việt Nam mới có thể theo kịp với những biến đổi không ngừng về nhu cầu của nhân lực thị trường lao động, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Mô hình giáo dục thông minh
Phân tích về vai trò của GD 4.0, ông Jonhson Ong Chee Bin, chuyên gia kiểm định quốc tế của AUN (mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á) đánh giá, GD 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường, nhà quản lý, nhà DN tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức. Đặc biệt nhất của mô hình này chính là sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên.
Đi sâu vào phân tích quá trình áp dụng mô hình này trong giáo dục ĐH, ông Jonhson Ong Chee Bin cho biết, do ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả việc đào tạo, nên GD 4.0 giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân.
Giáo dục 4.0 giúp thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình ĐH, tức là trường ĐH lúc này không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Trường không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với các DN, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.
Cụ thể, chương trình đào tạo trong giai đoạn này sẽ áp dụng chương trình xuyên ngành với việc lý thuyết, phương pháp, kiến thức của các ngành nghề được tích hợp thành những phương pháp, tư duy mới, giúp người học giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
Theo PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, GD 4.0 được đánh giá là mô hình giáo dục thông minh vì chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng đa ngành nên đã đáp ứng nhu cầu người lao động có thể làm việc trong môi trường đa ngành. Cụ thể, với phương pháp và tư duy giảng dạy mới, người học được tiếp cận với kiến thức từ 2 hay nhiều ngành giúp người học có kiến thức rộng hơn và có các góc nhìn khác nhau để giải quyết vấn đề tốt hơn.
Đáp ứng yêu cầu mới của xã hội
Muốn hòa nhập vào cuộc CMCN 4.0, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Chúng ta cần cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo để tạo ra công dân toàn cầu. Bên cạnh đó, xu thế của nền công nghiệp 4.0 sẽ đòi hỏi một nguồn nhân lực 4.0, chính vì vậy, các trường ĐH, nơi cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực, lao động sẽ phải đào tạo ĐH theo chuẩn GD 4.0 để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của thế giới.
Với mô hình giáo dục mới này, nhà trường sẽ phải đổi mới mô hình giáo dục, chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo "những gì thị trường cần" và hướng tới chỉ đào tạo "những gì thị trường sẽ cần". Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN là yêu cầu bức thiết được đặt ra, đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia các nguồn lực chung.
Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 và GD 4.0 đã và đang được các nước trong khu vực ASEAN quan tâm và triển khai.
Cụ thể tại Singapore, 2 trường đại học là ĐH Công nghệ Nanyang và ĐHQG Singapore đã trở thành ĐH hàng đầu châu Á và thế giới thông qua việc kết hợp trường học với các DN trong khu công nghiệp Jurong, các DN công nghệ cao tại Biopolis, các DN sáng tạo tại Fusionpolis thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo mô hình triple helix.
Thái Lan hiện nay cũng có chiến lược Thai 4.0. Theo đó, 27 trường đại học sẽ được đầu tư để thực hiện kế hoạch First S-Curve và New S-Curve (đầu tư phát triển các công nghiệp truyền thống như ô tô, điện tử, du lịch và công nghiệp mới như robotics, hàng không, sinh học, y học).
Tại Việt Nam, để đẩy mạnh mô hình ĐH 4.0, Bộ GD&ĐT đã thành lập ban soạn thảo, nghiên cứu về mô hình ĐH 4.0 và nhanh chóng triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Mô hình này cũng đã được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM) tiên phong triển khai thí điểm tích hợp các đặc tính của GD 4.0 vào mọi mặt hoạt động của nhà trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, để đẩy mạnh phát triển mô hình GD 4.0 và cụ thể hóa mục tiêu đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thành lập ban nghiên cứu mô hình giáo dục 4.0 do các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành dẫn dắt. Bên cạnh đó, trường còn chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng công viên khoa học, trung tâm phát triển công nghệ, trường cao đẳng công nghệ cao tại khu công nghệ cao Quận 9, TP HCM.
Đây chính là hệ thống các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, cơ sở sản xuất ứng dụng thực nghiệm tạo môi trường hiện đại, thuận lợi cho các chuyên gia nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm công nghệ mới theo mô hình giáo dục 4.0, gắn kết thành công giữa nhà trường với DN.
Ngoài ra, hàng năm, trường cung cấp cho thị trường lao động gần 5.000 kỹ sư, cử nhân lành nghề, do đó để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, ĐH Nguyễn Tất Thành đã chủ động đăng ký kiểm định quốc tế AUN, là trường ngoài công lập đầu tiên đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT, đồng thời đạt chuẩn quốc tế 3 sao của tổ chức QS-Stars.