Kim tự tháp Cholula nằm trên ngọn núi Puebla lớn nhất thế giới

PV (theo Trí thức trẻ) 19/06/2017 16:21

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra kim tự tháp lớn gấp 2 đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập. Đó là kim tự tháp Cholula, nằm trên ngọn núi Puebla, Mexico.


Nhìn ngọn đồi này ai dám nghĩ ẩn dưới đó là 1 đại kim tự tháp.

Nói đến kim tự tháp, nhiều người quả quyết rằng chúng chỉ có ở Ai Cập. Bởi lẽ kim tự tháp ở đây thường có kích cỡ đồ sộ, và được tô điểm thêm bởi những câu chuyện huyền bí về các vị Pharaoh nổi tiếng.

Và bạn tin rằng, kim tự tháp Giza ở Ai Cập là kim tự tháp lớn nhất thế giới? Nhưng không, bạn đã nhầm rồi, bởi các nhà khảo cổ đã phát hiện ra kim tự tháp lớn gấp 2 đại kim tự tháp Giza. Đó là kim tự tháp Cholula, nằm trên ngọn núi Puebla, Mexico.

Theo các chuyên gia khảo cổ, đại kim tự tháp Cholula này rộng 450m, cao 66m, có kích thước tương đương với 9 bể bơi Olympic. So sánh với kim tự tháp Giza, kim tự tháp Cholula lớn gấp 2 và nền móng lớn gấp 4 lần.

Vậy mà, Cholula lại "ẩn mình" dưới lớp áo khoác mang tên ngọn đồi bấy lâu nay. Không ai biết, có phải chính những người thợ xây kim tự tháp cách đây 2.300 năm đã cố tình dùng đất sét, cỏ cây... để nhằm che giấu kim tự tháp khổng lồ này không. Chỉ biết rằng, khi phát hiện ra, ai nấy cũng đều kinh ngạc.

Được biết, vào tháng 10/1519, đội quân viễn chinh Tây Ban Nha do Hernan Cortez chỉ huy đã tràn vào thành phố Cholula, cướp bóc và giết hại 3.000 người chỉ sau vài giờ.
Họ xây một nhà thờ nhỏ trên đỉnh ngọn núi lớn làm biểu tượng cho cuộc xâm lược mà không hề hay biết đến sự tồn tại của kim tự tháp bên dưới.

Theo vài tài liệu lịch sử, Cortez dẫn quân đến Cholula khi kim tự tháp này đã được 1.000 năm tuổi và lúc này đã bị cỏ cây phủ kín hoàn toàn. Thế nên, đội quân của Cortez mới dễ dàng bỏ qua kim tự tháp này.

Phải đến năm 1910, người dân địa phương mới phát hiện ra sự tồn tại của kim tự tháp. Giới khảo cổ cũng phát hiện hơn 400 người được mai táng ở trong và xung quanh kim tự tháp.

Điều này đưa đến giả thuyết rằng, nơi đây được sử dụng để làm nơi thờ cúng cho bầu trời và đấng sáng tạo Quetzalcoatl của người Aztec xưa.

Dẫu vậy, phát hiện này cũng đem đến cho giới khảo cổ học nhiều thông tin thú vị và mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới.

PV (theo Trí thức trẻ)