Thái Bình: Nghị định 67 bị 'nghẽn'

Trần Duy Hưng 20/06/2017 07:50

Cho vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 là một chính sách ưu đãi lớn của Nhà nước đối với ngư dân.

Tuy nhiên sau 3 năm chính sách được ban hành, vì nhiều lý do, đến nay số ngư dân được hưởng lợi từ chính sách này vẫn còn rất hạn chế, một số ngư dân còn gặp “quả đắng” khi gặp phải những đơn vị đóng tàu thiếu trách nhiệm, làm ăn gian dối. Thực tế tại tỉnh Thái Bình cho thấy rõ thêm điều này...

Tàu vỏ thép của ngư dân Bùi Xuân Cử không đảm bảo chất lượng như mong muốn.

Quá ít so nhu cầu

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Bình, thời gian qua toàn tỉnh Thái Bình có 25 ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt cho vay đóng mới tàu cá.

Tuy nhiên, mới chỉ có 8/25 ngư dân trên ký được hợp đồng vay vốn (từ các Ngân hàng có chi nhánh trên địa bàn tỉnh: Ngấn hàng NN và PTNT, Ngoại thương, Công thương, Đầu tư và Phát triển).

Số tiền ngư dân được các ngân hàng cam kết cho vay là 111,5 tỷ đồng. Đến nay, số tiền trên cơ bản đã được các Ngân hàng giải ngân hết.

Nhìn vào những con số này có thể thấy số lượng ngư dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc diện cho vay vốn và số ngư dân đã ký hợp đồng vay vốn, được nhận tiền, đóng được tàu là quá nhỏ bé so với số lượng ngư dân trong tỉnh...

Đáng nói là, 17 ngư dân còn lại, dù đã được phê duyệt thuộc diện được vay vốn nhưng việc ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng nhiều khả năng không thành hiện thực.

Bởi lẽ, trong số này có 2 ngư dân đang đề nghị lùi thời gian thực hiện; 7 ngư dân đang xin rút hồ sơ; 2 ngư dân đã rút hẳn khỏi chương trình; 6 ngư dân còn lại sau khi thẩm định bị các ngân hàng từ chối cho vay vì không đủ các điều kiện...

Một trong những lý do khiến ngư dân được vay vốn theo Nghị định 67 ở Thái Bình đến giờ còn quá ít ỏi là do hầu hết các ngư dân, chủ tàu ở địa phương chưa nắm rõ, vẫn còn rất lơ mơ về cơ chế, chính sách, nhất là qui định về mức cho vay, lãi suất, điều kiện vay vốn, thuế.

Nhận định này được đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đồng tình và cho biết, qua tiếp xúc với hơn 12 chủ tàu ở các xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải); Thái Đô, Thụy Xuân, thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) thì thấy dù có nguyện vọng vay vốn nhưng các chủ tàu này không nắm rõ các quy định trong Nghị định 67, cả những quy định liên quan trực tiếp đến người đi vay.

Điều này một mặt cho thấy ngư dân địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ này của nhà nước, mặt khác cũng cho thấy hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền chính sách ở địa phương còn nhiều hạn chế.

Tại ai?

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Bình, có trường hợp khi chính sách được ban hành, ngư dân đăng ký tham gia, được Ngân hàng đánh giá cơ bản đủ điều kiện vay vốn nhưng khi ngân hàng tiếp cận để làm các thủ tục cho vay lại từ chối vay hoặc xin thêm thời gian để “nghiên cứu”.

Điều này cho thấy một số chủ tàu chưa tự tin về khả năng hoàn trả được vốn vay. Nó cũng phản ánh, việc huy động đủ 5% vốn đối ứng với nhiều hộ ngư dân cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Trên thực tế, một số chủ tàu đăng ký, được xét duyệt cho vay xong cuối cùng lại xin rút vì không huy động được vốn đối ứng...

Bên cạnh đó, cũng có việc ngư dân đăng ký vay vốn chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, điều kiện của mình.

Đơn cử một số ngư dân đang hoạt động nghề dã kéo, nay đề nghị vay vốn để đóng tàu lưới vây hoặc một số ngư dân đăng ký công suất đóng mới, nâng cấp tàu quá lớn nhằm được hưởng ưu đãi.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những trường hợp đăng ký chuyển đổi này không khả thi, vượt quá khả năng, kinh nghiệm quản lý của ngư dân...

Để được tham gia chương trình, ngư dân phải trải qua quy trình thẩm định, xét duyệt. Trong đó, đầu tiên phải được chính quyền địa phương thẩm định điều kiện.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở Thái Bình, chínhquyền, nhất là cấp xã đã thực hiện việc này không nghiêm túc. Theo đó, một số trường hợp không có tàu nhưng vẫn được chính quyền xác nhận cho đăng ký vay vốn nâng cấp tàu; một số ngư dân đăng ký nhưng không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng theo qui định vẫn được chính quyền cơ sở “thông qua”. Việc này gây khó khăn, nhầm lẫn cho cả quy trình thẩm định, phê duyệt tiếp theo.

Về phía các ngân hàng địa bàn tỉnh, có lẽ do e ngại rủi ro khi cho các chủ tàu vay vốn nên chưa thực sự quan tâm, hướng dẫn khách hàng về cơ chế, chính sách, thủ tục vay vốn.

Quá trình giao dịch để xảy ra những việc như: tiếp nhận, gửi trả hồ sơ không có văn bản xác nhận; việc thẩm định hồ sơ kéo dài quá lâu khiến ngư dân mất nhiều thời gian chờ đợi...

Đáng nói là, vay được vốn, đóng được tàu rồi nhưng một số chủ tàu vẫn chưa thể yên tâm ra khơi khai thác để có nguồn thu trả nợ. Cụ thể, trong 8 con tàu mới được vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 thì có 2 tàu vỏ thép đang “có vấn đề”.

Theo phản ánh của các ông Đặng Thanh Khuyên, Bùi Xuân Cử (chủ của 2 tàu nói trên) thì chất lượng sơn của tàu không đảm bảo, vừa được đóng mới nhưng vỏ tàu đã bị han rỉ một số chỗ.

Riêng tàu của ông Bùi Xuân Cử (do doanh nghiệp cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn, địa chỉ xã Minh Tân, huyện Kiến Xương đóng, bàn giao ngày 19/7/2016) còn gặp sự cố nước tràn vào phần vỏ trong tàu do bộ phận bơm hút khô không được hàn kín...

Trần Duy Hưng