Tham vấn bảo vệ nguồn lợi lưu vực sông Mê Kông
Đồng bằng sông Cửu Long thuộc hạ nguồn sông Mê Kông, là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nước tiểu vùng sông Mê Kông do việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên lưu vực sông này.
Không chỉ riêng Việt Nam, nguồn lợi thủy sản, lượng phù sa và ngành nông nghiệp của các nước Mê Kông cũng đang sụt giảm nhanh chóng do biến đổi dòng chảy…
Thiếu nước, nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng khô hạn.
Dự án thủy điện gây lo ngại
Ngày 19/6, Ủy ban sông Mê Kông (MRC) đã đệ trình một quy trình tham vấn của các quốc gia thuộc lưu vực Mê Kông đối với đập thủy điện Pak Beng, sau khi đã tiến hành quy trình tham vấn đối với dự án này từ đầu năm 2017 cho đến nay.
Theo MRC, dù các nước đã cử đại diện thực hiện việc khảo sát, tham vấn các vấn đề về môi trường, quản lý nguồn nước đối với đập Pak Beng nhưng đến nay vẫn còn nhiều quan ngại sâu sắc về chất lượng các nghiên cứu và thông tin nền được sử dụng trong suốt quá trình tham vấn trước nhằm đánh giá và nhận thức về các tác động xã hội và môi trường của dự án này đối với sông Mê Kông.
Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ các tác động của nhiều dự án thủy điện của các nước xây dựng trên lưu vực sông này.
Theo GS TS Lê Quang Trí (ĐH Cần Thơ) thì nguồn nước sông Mê Kông hiện nay cung cấp cho khoảng 18,6 triệu người ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là nơi cung cấp hơn 50% nguồn lương thực cho Việt Nam, chiếm 65% sản lượng cá và 70% trái cây phục vụ cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, GS Trí bày tỏ lo ngại vì các cộng đồng dân cư sống tập trung dọc các sông Tiền, sông Hậu đang chịu tác động bởi nguồn nước cũng như sinh kế của người dân.
Không chỉ riêng Việt Nam, các nhà khoa học của Campuchia, Lào, Thái Lan đều bày tỏ nhiều lo ngại do nguồn nước sông Mê Kông những năm qua đã thay đổi rất thất thường, mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc xây dựng các đập thủy điện.
Đối với đập thủy điện Pak Beng là một ví dụ điển hình mà MRC đặc biệt quan tâm và đề nghị các nước đệ trình việc tham vấn tác động từ công trình này.
Theo MRC, các quốc gia thành viên cần được cung cấp thêm thông tin để có thể đánh giá một cách có ý nghĩa tác động tiềm tàng của con đập Pak Beng.
MRC đã chỉ ra những lỗ hổng nghiêm trọng trong dữ liệu được cung cấp về nguồn cá, thủy văn và phù sa, đồng thời kết luận rằng tác động xuyên biên giới của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Một báo cáo rà soát độc lập khác về tác động của đập Pak Beng do Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) chủ trì thực hiện cũng đã kết luận rằng thông tin từ đơn vị phát triển dự án chưa đầy đủ để có thể đánh giá toàn diện các tác động, dẫn đến hạn chế tính khả thi của các biện pháp giảm thiểu tác động được đề xuất.
Phân tích đánh giá tác động tích lũy và xuyên biên giới cho thấy không có sự tham gia thực chất của cộng đồng trong quá trình chuẩn bị nghiên cứu, đồng thời các cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án cũng không hề được tham vấn.
Kéo dài quá trình tham vấn tác động
Tại Thái Lan, các cộng đồng dân cư ven lưu vực Mê Kông vô cùng lo ngại trước những tác động xuyên biên giới của đập Pak Beng.
Với vị trí sát biên giới Thái Lan, việc đánh giá đầy đủ những tác động này là vô cùng cần thiết. Hơn thế nữa, việc ra quyết định cần có sự tham gia của các cộng đồng địa phương, bởi sinh kế và nguồn lương thực của họ sẽ bị tác động bởi dự án Pak Beng.
Đó là những cộng đồng sống dọc khắp Hạ lưu sông Mê Kông, cuộc sống gắn liền với con sông và đang đối mặt với những rủi ro từ việc xây dựng đập.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, nguồn nước chủ yếu từ lưu vực sông Mê Kông hiện phục vụ cho lĩnh nông nghiệp và cung cấp nguồn lợi thủy sản cho các quốc gia lưu vực.
Trong đó, hệ thống sông Mê Kông chảy qua Campuchia có chiều dài 486 km dòng chính và 110 km phụ lưu là sông Tonle Sap và hồ Tonle Sap.
Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nằm ở hạ lưu Mê Kông, vốn chủ yếu dựa vào các nguồn lợi từ thủy sản, nông nghiệp lúa nước chịu nhiều tác động nặng nề.
Theo PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, cần có sự phối hợp chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới.
Bởi vì, sự hợp tác của các nước khu vực sông Mê Kông sẽ giúp quản lý nguồn nước xuyên biên giới tốt hơn, hạn chế tối thiểu những tác động từ các công trình thủy điện trên lưu vực sông này.
Các ý kiến cũng đề nghị các nước cần tiếp tục lên đóng góp cho hệ thống đập thủy điện trên sông Mê Kông để đảm bảo quá trình phát triển ngành nông nghiệp bền vững của mỗi nước.
Trong khi đó, Ủy ban sông Mê Kông cho biết, thời hạn tham vấn trước đối với đập Pak Beng sẽ được đề nghị gia hạn thêm thời gian để các quốc gia thành viên MRC có đủ thời gian đánh giá các nghiên cứu bổ sung.
Đồng thời, quy trình tham vấn trước cũng cần cân nhắc những kết luận cuối cùng của Nghiên cứu Hội đồng MRC dự kiến được hoàn thiện vào tháng 12/2017 tới đây.
Quá trình đưa ra quyết định cần được sự đồng thuận chung, mang tính khu vực, dựa trên các nghiên cứu khoa học chất lượng cùng nhận thức và hiểu biết sâu rộng hơn về các tác động xuyên biên giới và tích lũy của các dự án đập trên dòng chính sông Mê Kông.