Siết quản lý hụi
Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho thấy, kể từ thời điểm Nghị định số 144/2006 (Nghị định) có hiệu lực pháp luật từ tháng 12/2006 đến ngày 30/9/2016 đã có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các vụ việc thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến họ, hụi, biêu, phường với 14.862 việc, tương ứng 599.550.115.531 đồng.
Ảnh minh họa.
Sau hàng loạt vụ vỡ hụi lớn xảy ra trên cả nước, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144 (2006) về họ, hụi, biêu, phường…
Theo Viện Kiểm sát tối cao, kể từ khi Nghị định 144 có hiệu lực thi hành đến nay, ngành kiểm sát đã kiểm sát giải quyết 33.809 vụ việc dân sự liên quan đến hoạt động hụi.
Còn theo Bộ Công an (tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 144), từ năm 2006 đến nay, cả nước xảy ra hàng trăm vụ vỡ hụi lớn với thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Nguyên nhân là quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP còn có những hạn chế, bất cập nhất định như: quy định về người tham gia hụi; hình thức thỏa thuận hụi; sổ hụi; cơ chế kiểm soát hụi; lãi suất hụi… dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong công tác thi hành pháp luật.
Ví dụ: vấn đề xác minh họ tên, lai lịch của những người tham gia hụi trong các dây hụi lớn; xác định chứng cứ; xác minh đường lối giải quyết hành vi là khởi tố hình sự hay giải quyết tranh chấp dân sự…
Thực tiễn hơn 10 năm thực hiện về họ, hụi, biêu, phường cho thấy, cơ chế quản lý trong việc tổ chức chơi hụi còn lỏng lẻo, không có sự quản lý can thiệp của cơ quan chức năng.
Từ những hạn chế trên, Dự thảo Nghị định được Bộ Tư pháp xây dựng đã bổ sung các quy định về cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau giữa những người tham gia hụi, góp phần định hướng hành vi của người tham gia hụi; sửa đổi bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên để tăng cường ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ quyền dân sự.
Nghiên cứu, bổ sung các quy định về điều kiện chặt chẽ hơn đối với chủ hụi, nhất là chủ hụi có lãi. Đồng thời bổ sung một số quy định về nội dung của sổ hụi và quy định thêm về giấy biên nhận, nhằm đảm bảo thiết lập cơ sở chứng cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Về hình thức thỏa thuận về hụi, Dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về hình thức của thỏa thuận hụi có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản để đảm bảo phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 về hình thức của hợp đồng vay tài sản.
Riêng về lãi suất, bổ sung các quy định để tính toán lãi suất trong các trường hợp cụ thể trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phải tuân thủ quy định tại Điều 466, Điều 468 BLDS năm 2015 về vấn đề lãi suất, gồm lãi suất trong trường hợp hụi có lãi và xác định được mức lãi, hụi có lãi nhưng không thỏa thuận rõ lãi suất, lãi suất trong trường hợp chậm trả…
Cần có quy định rõ ràng về mức lãi suất và cách tính lãi suất, không quy định theo cách dẫn chiếu chung chung đến BLDS như quy định tại Điều 10 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với các quy định cụ thể, chặt chẽ, sẽ tạo khung pháp lý chặt chẽ, phát huy tính tích cực của hụi trong việc thể hiện tính nhân văn, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp; đồng thời ngăn ngừa tiêu cực, lợi dụng đã nảy sinh trong thời gian qua.