Gặp gỡ Morionds, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam tại Pháp
Mới đây, tại Pháp diễn ra hoạt động Gặp gỡ Blois lần thứ 28 với sự tham gia của gần 150 nhà khoa học hàng đầu thế giới về Vật lý – Thiên văn.
Chuỗi sự kiện Gặp gỡ Morionds, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam tại Pháp.
Người sáng lập và điều hành chỗi sự kiện gặp gỡ với tên gọi Gặp gỡ Morionds, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam này chính là nhà vật lý người Việt và sống tại Pháp - Giáo sư Trần Thanh Vân.
Điều gì đã khiến hơn 50 năm qua những cuộc gặp gỡ do ông bà và các cộng sự tổ chức luôn thu hút sự tham gia và được đánh gia cao trong cộng đồng những nhà khoa học lĩnh vực vật lý, thiên văn?
Cũng như Gặp gỡ Morionds, Gặp gỡ Việt Nam, Gặp gỡ Blois được giới khoa học thế giới đánh giá là những cuộc gặp uy tín hàng đầu, thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Hơn 30 năm trước, khi còn là 1 chàng trai trẻ mang trong mình niềm đam mê nghiên cứu về Vật lý – Thiên văn học, tiếng lành đồn xa đã thôi thúc ông Francois Bouclet đăng ký tham gia Gặp gỡ Morionds.
“Tôi đến Gặp gỡ Moriong vào tháng 3/1982. Lúc đó tôi là một chàng trai, và là lần diễn thuyết trước bạn bè quốc tế lần đầu tiên của tôi. Chúng tôi đến từ các quốc gia khác nhau, và đều đi từ các cuộc trò chuyện sinh viên rồi trưởng thành, trở thành những người tổ chức, người đánh giá” - Francois Bouclet chia sẻ.
Cuộc gặp đầu tiên, được đồng hành trong nhiều hoạt động cùng những nhà khoa học danh giá nhất đã tạo thêm động lực cho Francois Bouclet trong hoạt động nghiên cứu.
Đến nay, dù ở cương vị là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Vật lý - Thiên văn học Paris, GS Francois Bouclet vẫn gắn bó với những cuộc gặp gỡ Morionds, Blois, Việt Nam như 1 người bạn tri kỷ.
Tham gia cuộc gặp gỡ của GS Trần Thanh Vân từ 44 năm về trước, cũng như nhiều nhà khoa học hàng đầu khác, hàng năm GS Pierre Fayet – Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học vẫn ngóng chờ các sự kiện của những cuộc “Gặp gỡ”.
“Những cuộc gặp gỡ do ông bà Trần tổ chức luôn đưa ra được những nghiên cứu mới nhất được giới khoa học chúng tôi ngóng chờ. Có rất nhiều nhà vật lý nổi tiếng ở đó. Họ dành nhiều lời ca tụng cho Morionds, sau đó đến Blois. GS Vân hết lời ca ngợi sự hợp tác Việt – Pháp.
Điều này được thể hiện bằng 1 chuỗi hội nghị có tên Gặp gỡ Việt Nam. Tôi lấy làm vinh dự khi được tham gia Gặp gỡ Việt Nam lần đầu đc tổ chức ở Hà Nội năm 1993. Lần thứ 2 là ở TP HCM” - GS Pierre Fayet nói.
Vệc quy tụ được những nhà khoa học hàng đầu thế giới lưu lại 1 thời gian dài (trong vòng 1 tuần – 10 ngày) là vô cùng khó khăn, tốn kém cho nhà tổ chức. Tuy nhiên, ngoại trừ 1 số khách mời danh dự, chính những người tham dự chi trả toàn bộ kinh phí để được tham dự các cuộc gặp gỡ này.
Vậy điều gì khiến những cuộc Gặp gỡ của GS Trần Thanh Vân luôn có sức hút trong giới nghiên cứu khoa học?
Giáo sư Trần Thanh Vân (trái).
Với mục đích là tạo cơ hội cho các nhà vật lý thực nghiệm và lý thuyết gặp gỡ trao đổi học thuật và gắn bó với nhau, các nghiên cứu sinh và các nhà vật lý trẻ có cơ hội gặp gỡ và học hỏi các nhà khoa học lão thành hay những người đạt giải Nobel, trong không khí dân chủ, cởi mở đã tạo nên sự khác biệt so với những hội thảo khoa học khác trên thế giới và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng giới nghiên cứu khoa học.
Nhiều năm được tham dự Gặp gỡ Việt Nam ở Bình Định, không chỉ giới báo chí, quan chức mà ngay cả các nhà khoa học đều “choáng váng” khi có ít thì 3-5, nhiều thì gần 7-8 GS đoạt giải Nobel đến Việt Nam tham dự cuộc gặp gỡ.
“Nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel từng tham dự sự kiện trên khi còn trẻ. Đến đây họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà khoa học lớn và phát triển sự nghiệp. Trong đó, nhiều nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ chưa có danh tiếng đã thành danh nhờ những lần gặp gỡ như vậy” - TS Trần Thanh Sơn, thư ký của giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ.
Tạo dựng cơ hội cho các nhà khoa học trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm là một trong những ưu tiên của các cuộc gặp gỡ để ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu khoa học. Chính vì vậy các cuộc gặp gỡ được tổ chức hàng năm cũng là “điểm đến” vô cùng thú vị đối với các nhà khoa học trẻ, sinh viên các trường đại học trên thế giới.
Tại những cuộc hội thảo, những buổi thăm quan xen kẽ hay ở những buổi tiệc được tổ chức trang trong ở lâu đài Blois, Hortiangtham Apichart, nghiên cứu sinh trường ĐH Northeastem, Mỹ tận dụng mọi cơ hội để được trao đổi, trò chuyện với các nhà khoa học.
“Tôi đã tham gia 2 lần gặp gỡ. Trong cuộc gặp gỡ lần này có rất nhiều chủ đề thú vị được đề cập ,không chỉ có vật lí – chuyên ngành của tôi, mà còn có Vật lý thiên văn, kiến thức liên môn.
Tôi có cơ hội được học hỏi thêm rất nhiều kiến thức và gặp gỡ rất nhiều đồng nghiệp mới, các nhà nghiên cứu nổi tiếng. Và tôi đã tìm thấy nhiều điểm gặp gỡ giữa ý tưởng của tôi và của họ” - Hortiangtham Apichart nhận xét.
Là người sáng lập ra những cuộc Gặp gỡ, trong đó Gặp gỡ Việt Nam là non trẻ nhất cũng đã dược 24 năm, GS Trần Thanh Vân những mong muốn các nhà khoa học trong nước, nhất là các nhà khoa học trẻ nắm bắt cơ hội này để tiếp cận với tinh hoa tri thức nhân loại, biết đâu lại là cơ hội tốt cho nền khoa học của nước nhà.
Những cuộc gặp gỡ ở nước ngoài tuyệt nhiên vắng bóng các nhà khoa học, sinh viên Việt Nam thì đã đành nhưng khi Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức tại Quy Nhơn, số lượng người tham gia cũng hết sức khiêm tốn (dù sinh viên, nghiên cứu sinh trẻ được miễn phí hoàn toàn).
Nhà trường, các tổ chức khoa học trong nước dường như chẳng mấy mặn mà. Điều này phần nào nói lên thái độ của chúng ta đối với nghiên cứu khoa học. Sự thiếu lửa của chính những nhà khoa học hay sự thiếu vắng các cơ chế chính sách luôn là lực cản để nền khoa học nước nhà phát triển.
Khi được hỏi về chính sách đãi ngộ đối với những Viện sĩ – tinh hoa của giới Khoa học, GS Vật lý hạt hàng đầu Pierre Fayet – Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp – cho biết: “Chúng tôi không được đặc quyền đặc lợi, chính sách ưu đãi ưu tiên gì cả”.
“Chỉ đơn giản là chúng tôi có niềm tự hào, hãnh diện khi là thành viên của nơi này, được chia sẻ những ý tưởng, tình yêu với khoa học. Đây là niềm tự hào nhưng đồng thời là trách nhiệm của chúng tôi đối với cộng đồng, đem những thành tựu khoa học đến cộng đồng” – ông nói.
Tình yêu khoa học trong sáng, không vụ lợi đó là chân lý, tôn chỉ của những nhà khoa học chân chính. Họ không có bổng lộc gì niềm đam mê theo tinh thần Khoa học vì khoa học và sứ mạng Khoa học vì dân sinh, đem những thành tựu nghiên cứu khoa học của cho cộng đồng.