Ứng dụng công nghệ tiên tiến tái chế chất thải rắn xây dựng
Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó, riêng lượng chất thải rắn xây dựng chiếm khoảng 25%.
Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển, xử lý lượng chất thải rắn xây dựng chưa hiệu quả, thiếu những quy định cụ thể với các chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do chất thải này gây ra đối với môi trường. Mặc dù đã quy hoạch khoảng 10 khu chôn lấp chất thải rắn xây dựng nhưng các chuyên gia cho rằng, với nhịp độ phát triển của đô thị Thủ đô ngày càng mạnh như hiện nay thì chắc chắn các bãi này sẽ không còn chỗ chứa.
Từ những tồn tại, bất cập trên, để xử lý hiệu quả nguồn chất thải rắn xây dựng, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất, kiến nghị của Sở Xây dựng về việc quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng; đồng thời yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã thực hiện.
Đối với 5 địa điểm đã tiến hành khảo sát và được đánh giá là phù hợp để thực hiện trung chuyển, đặt tạm thời máy móc, thiết bị xử lý phế thải xây dựng, UBND thành phố tạm giao UBND các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và các huyện Thanh Trì, Đông Anh phối hợp với các đơn vị được giao sử dụng đất kiểm tra, xác định diện tích đất và thời gian có thể sử dụng để làm khu trung chuyển, tái chế, xử lý tạm thời.
Bên cạnh đó, phối hợp với đơn vị cung cấp công nghệ tái chế, tái sử dụng phế thải xây dựng lên phương án báo cáo thành phố xem xét, quyết định trong tháng 6/2017.
Các ban quản lý dự án trên địa bàn thành phố, hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê khối lượng phế thải xây dựng có khả năng xử lý tái chế, gửi kết quả về Sở Xây dựng trước 20-6 để tổng hợp, đánh giá, báo cáo thành phố.
Cũng theo chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Đông Anh lập đề xuất dự án khu xử lý phế thải vật liệu xây dựng tại xã Dục Tú theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến để tái chế, tái sử dụng phế thải xây dựng, hạn chế chôn lấp, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa đầu tư gắn với quản lý, khai thác.
UBND thành phố sẽ xem xét sau khi có kết quả báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc. Sở Xây dựng đôn đốc việc thực hiện của các quận, huyện đối với các điểm trung chuyển tạm thời, xử lý phế thải xây dựng; chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải đánh giá, đề xuất áp dụng vật liệu tái chế (sau nghiền) trong các công trình xây dựng và giao thông, thời gian hoàn thành trong quý III/2017, đồng thời, phối hợp với liên ngành và các đơn vị liên quan trình UBND thành phố phê duyệt đơn giá định mức xử lý chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền.