Tự truyện 'Chuyện nhà Dr Thanh': Không phải là sách, đó là cuộc đời!

V.P. 21/06/2017 08:48

Nhiều người đã phải thốt lên như vậy khi đọc những dòng tự truyện về gia tộc kinh doanh đầy tranh cãi của ông Trần Quí Thanh, thường được gọi với cái tên quen thuộc Dr Thanh. Cuốn tự truyện vừa ra mắt bạn đọc ngày 14/6 vừa qua tại TP HCM đã đón nhận nhiều phản hồi từ độc giả và cộng đồng mạng.

Buổi giao lưu và ra mắt sách đã thu hút được hàng trăm bạn đọc mến mộ cùng với các nhân vật trong giới văn nghệ sĩ, như nhà văn, nhà biên kịch Lê Chí Trung; Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc; NSND Đoàn Dũng, NSND Chí Trung, Á hậu Huyền My…

Ở tuổi 80 - cái tuổi đã đi qua gần trọn cuộc đời với bao sóng gió, mặn ngọt, đắng cay, không dễ để một người có thể xúc động. Nhưng NSND Đoàn Dũng không giấu được vẻ bồi hồi, cảm động khi đọc cuốn tự truyện của tác giả trẻ Trần Uyên Phương.

Điều đó, như ông tâm sự, bởi đó là những trang viết mang cả tấm lòng, tình yêu thương của người con đối với người cha, đối với một số phận mang trong mình cả vinh quang và cay đắng. Đó chính là cuộc đời, không đơn thuần là cuốn tự truyện.

Quả thực, không dễ để một người con trong gia đình viết về cha mình, về gia tộc của mình với sự khách quan tối thiểu cần có, nhất là khi Trần Uyên Phương lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh mà bản thân cô và các em trai, em gái trong nhà cũng thường bị “đóng đinh” vào hình ảnh của các “cậu ấm”, "tiểu thư", “công chúa”, “cô Hai”, “cô gái tỉ đô” trong gia đình họ Trần.

Nhưng phá vỡ cái vỏ bọc màu hồng, ánh sáng lấp lánh như người đời vẫn nghĩ đó, cô con gái cả nhà Dr Thanh đã dành thời gian 10 năm ròng để thu thập, chắt lọc những ký ức cuộc đời của gia đình, từ người cha khắc nghiệt, người mẹ tảo tần đến những biến cố, những sóng gió tưởng như người trong cuộc không bao giờ muốn nhắc đến…để vẽ nên một bức tranh về gia đình, với tâm điểm là người cha của cô với tất cả sự chân thực, mộc mạc mà không kém phần gai góc.

Bằng cảm xúc và suy nghĩ riêng, từ tỉnh cảm, suy nghĩ của một người trong cuộc, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương đã khắc họa hình ảnh người changhiêm khắc đến mức hà khắc với con cái, đến mức chính cô nhiều lần phải uất ức, tổn thương.

Nhưng đằng sau nó là tình cảm, tình thương yêu vô bờ bến mà một người cha dành cho con, không phải chỉ là một người cha thành đạt, một người cha nổi tiếng đối với các “cậu ấm, cô chiêu”, mà đơn giản, đó là tình cảm máu thịt của mỗi người cha trên đời này dành cho con cái mình.

Chính vì thế, người đọc bắt gặp một Dr Thanh như nhiều người đã biết. Người đọc cũng gặp một Dr Thanh mà mọi người chưa từng biết.

Người ta còn nhìn thấy ở đó hình ảnh một người cha với chuỗi những biến cố, thăng trầm đeo đuổi suốt cuộc đời, từ thuở thiếu thời cho đến tận lúc về già, nhưng vẫn vẹn nguyên tình cảm sâu nặng dành cho gia đình, cho người vợ nhẫn nại, cho các con trai, con gái mà ông nhất mực yêu thương.

Đó cũng là điều đọng lại, điều đã níu chân độc giả ở lại với những trang sách, chứ không đơn thuần là sự tò mò, muốn tìm hiểu những góc khuất phía sau một nhân vật, một cái tên đầy tranh cãi như Dr Thanh và Tân Hiệp Phát.

Sự xúc cảm mà người đọc cảm nhận được có lẽ cũng là thành quả mà tác giả cuốn tự truyện đã nhận được và xứng đáng có được, khi ngay từ đầu cô đã tâm niệm rằng, muốn cuốn tự truyện trở thành món quà ý nghĩa tặng ba mẹ mình.

Điều đó cũng khiến cho người ta hiểu hơn dòng tái bút đầy yêu thương mà tác giả gửi gắm khi chuẩn bị khép lại những trang cuối cùng của cuốn tự truyện: “Sau khi đọc xong câu chuyện về ba má tôi, nếu có những đoạn trong sách làm bạn liên tưởng đến bố mẹ hay bất cứ người thân nào của bạn, tôi mong bạn nếu không sắp xếp về thăm được thì hãy lập tức gọi cho họ và nói với họ bạn rất yêu họ! Rằng trên cuộc đời này không có bất cứ thứ gì quý giá hơn tình thân, tình cảm gia đình!”.

Đơn giản bởi, những gì cuốn tự truyện đã nói được không đơn thuần là sách, mà đó là cuộc đời.

V.P.