Kiểm tra chuyên ngành còn nhiêu khê
Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh phản ánh việc mỗi năm phải tiếp đến hàng chục, thậm chí hàng trăm đoàn kiểm tra chuyên ngành, khiến việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng…
Kiểm tra thông quan hàng hóa tại cảng Cát Lái, Q.2, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Phúc.
Đại diện ngành thép, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV công ty thép Khương Mai nói, hiện nay chi phí kiểm tra chuyên ngành đang làm đội giá thành của thép các loại lên khoảng 20 đồng/kg. Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, việc tăng giá thành sẽ ảnh hưởng lớn đến thị phần cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp thép nội địa.
Theo ông Khương, hiện mỗi năm, riêng tại TP HCM nhập khẩu khoảng 3 – 4 tấn thép các loại, nhưng những bất cập trong kiểm tra chuyên ngành chưa được sửa đổi thì rất đáng lo.
Ông Phạm Thanh Bình, đại diện USAID (Mỹ) cho biết, những rườm rà, nhiêu khê trong lĩnh vực thủ tục kiểm tra chuyên ngành vì thực tế theo ông Bình, diện hàng hóa phải kiểm tra chất lượng hiện nay là quá rộng. Thủ tục qua nhiều giấy tờ và nhiều lúc khiến doanh nghiệp phải tốn không ít chi phí bỏ ra để “bôi trơn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng nhìn nhận đang có nhiều bất cập liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Bà Lê Thị Trang – Phó GĐ thu mua Công ty CP thực phẩm GN Foods cho rằng, hiện nay Việt Nam đã hội nhập với thế giới nhưng nhiều khi việc kiểm tra chuyên ngành nặng về hình thức. Chẳng hạn quy định phải dán nhãn phụ tiếng Việt là cần thiết với các sản phẩm đã thành thành phẩm phân phối ra thị trường. Nhưng với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công hàng xuất khẩu (không lưu thông/tiêu thụ trong nước) thì không thể phát sinh thêm nhãn phụ tiếng Việt vì không cần thiết. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã phải tốn không ít chi phí, thời gian đi lại để thực hiện thủ tục này.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện nay chi phí cho khâu logistics chiếm khoảng 20% GDP, tương đương 40 tỉ USD/năm. Do đó, nếu giảm được một phần trăm của khâu này sẽ giúp tiết kiệm cho nước nhà được 4 tỉ USD/năm, hoặc đơn giản chỉ cần giảm thời gian kiểm tra thông quan một ngày cũng sẽ tiết kiệm lên đến 800 triệu USD/năm.
TS Cung cho biết, Chính phủ đã nắm bắt được những bất cập, nhiêu khê của kiểm tra chuyên ngành và từ năm 2015 và đã nỗ lực cam kết với doanh nghiệp giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành xuống khoảng 15%. Tuy nhiên, con số thực kiểm tra chuyên ngành hiện nay vẫn đang ở mức 30% sẽ đặt ra nhiều vấn đề phải làm trong những năm tiếp theo.
Theo báo cáo trong quý I/2017 của UBND TP. HCM thì chỉ 3 tháng đầu năm nay toàn ngành thanh tra thành phố đã thực hiện thu hồi gần 10 tỉ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 7 tỉ đồng. Riêng về thanh tra chuyên ngành thực hiện đến 4.538 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (112 cuộc thành lập đoàn, 4.406 cuộc thanh tra, kiểm tra độc lập và 20 lượt kiểm tra định kỳ của Sở NN-PTNT)... Việc thực hiện quá nhiều các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chưa thực sự hiệu quả, hợp lý vẫn khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng, việc cải cách các quy định trong công tác kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19 của Chính phủ thời gian qua chưa được quan tâm đầy đủ. Trong khi đó, nếu người đứng đầu các Bộ, các địa phương không có ý thức thay đổi, không vào cuộc thì rất khó có thể thực hiện cải cách được.