Cửa rừng thiếu... khóa
Vậy là tròn 1 năm kể từ khi Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, cấm mọi hình thức chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, trừ mục đích an ninh – quốc phòng. Song, ở nhiều địa phương rừng vẫn bị phá, hoặc là để phát triển các dự án kinh tế, hoặc là do lâm tặc phá hoại bởi sự buông lỏng quản lý, bao che, bảo kê, thậm chí tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Thực trạng trên được ví von một cách đau xót rằng: Cửa
Dù đã có lệnh cấm nhưng nhiều nơi rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá. Ảnh minh họa.
Sở dĩ ngày 20/6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Chính phủ kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi 2,25 triệu ha rừng còn lại sang mục đích sử dụng khác, bởi con số thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy rừng tự nhiên đang bị khai thác, phá hoại đến cạn kiệt, có nguy cơ không thể hồi phục được.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, chỉ trong vòng 5 năm (từ 2010 - 2015), trữ lượng rừng khu vực Tây Nguỵên giảm hơn 57 triệu m3 (tương ứng giảm 17,4%), từ 327,5 triệu m3 năm 2010 xuống còn 270,5 triệu m3 năm 2015.
Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ rừng gỗ loại giàu ở Tây Nguyên nay chỉ còn 10,4%; loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là loại nghèo kiệt. Cùng với đó, các loại gỗ quý có giá trị cao rất hiếm, hầu như biến mất, chỉ có ở các vùng xa xôi hiểm trở khiến lâm tặc chưa “sờ” tới được. Các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng cũng giảm mạnh, thậm chí có loài đã bị tuyệt chủng.
Trong hơn 30 năm qua, Tây Nguyên mất hơn 1,5 triệu ha rừng; chiếm khoảng 41% diện tích rừng. Đây chính là những con số “biết nói” gióng lên hồi chuông báo động về việc bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên trong những năm qua.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, trong đó các chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính, đó là chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích phát triển hạ tầng, KT-XH của địa phương.
Nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp (nguyên nhân này chiếm đến 45%). Chính từ sự quy hoạch thiếu tầm nhìn, ăn sổi, buông lỏng quản lý mà từng cánh rừng đại ngàn dần dần biến mất, để lại những mảnh đất hoang hóa, bạc màu.
Thôi thì những năm về trước do Chính phủ chưa có lệnh cấm nên có thể châm chước cho sự buông lỏng quản lý, phá hoại rừng. Song, từ khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng thì vẫn có vô số cánh rừng bị tàn phá, không chỉ bởi lâm tặc, mà còn bởi chính các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Không ít địa phương mượn danh nghĩa phát triển hạ tầng, KT-XH đã cho phép doanh nghiệp ngang nhiên phá rừng một cách công khai, đốn hạ hàng loạt những cây gỗ quý cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nói có sách, mách có chứng, chỉ mới cách đây có 2-3 tháng, chẳng phải Phú Yên đã cấp phép cho doanh nghiệp chặt phá rừng phòng hộ để nuôi bò hay sao?
Chính vì vậy mà tại Kỳ họp Quốc hội lần này, khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nhiều đại biểu đã lên tiếng mạnh mẽ về việc có không ít địa phương đã không chấp hành lệnh của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, luật cần phải chặt chẽ để tránh việc lợi dụng quy định kinh doanh, khai thác rừng nghèo, trồng rừng mới để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng làm bừa. Từ nhiều năm qua có tình trạng thuê vài chục mẫu rừng để khai thác rừng nghèo để trồng mới, song sau khi khai thác xong người thuê lại mua bán sang tay, hoặc bỏ không trồng mới dẫn đến tình trạng đất đai bị hoang hoá, rừng bị tàn phá.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội còn gay gắt chỉ ra rằng, do một số địa phương làm lơ, hay nói cách khác là chống lại lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ nên tình trạng chặt phá rừng vẫn diễn ra ngang nhiên như thách thức pháp luật.
Hậu quả của việc phá rừng chính là sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt, đất đai bị sói mòn, bạc màu... mà người gánh chịu hậu quả trực tiếp không ai khác chính là người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ mất kế sinh nhai, họ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống do những yếu tố trên mang lại.
Đa số các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc Dự luật đã quy định cấm khai thác tài nguyên khoáng sản thiên nhiên làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng sau vụ việc phá hoại cảnh quan thiên nhiên tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Dự thảo luật cần bổ sung thêm cả việc cấm hành vi kinh doanh, thành “cấm hành vi kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản thiên nhiên làm thay đổi cảnh quan tự nhiên sinh thái rừng”.
Cùng với đó, cũng cần làm rõ việc “chủ rừng” có được sở hữu sinh cảnh, động vật rừng trong phạm vi đất thuê hay không, để tránh tình trạng tận thu, tận diệt các tầng sinh thái...
Như vậy là cùng với lệnh đóng cửa rừng của người đứng đầu Chính phủ, tới đây sẽ có hẳn một đạo luật chuyên để quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Với 2 “cây gậy” song hành này, dư luận hy vọng rừng sẽ thôi bị tàn phá, dù bởi bất cứ nguyên nhân nào, do lâm tặc, hay do thói ăn sổi trong cách nghĩ của một số địa phương.
Nói một cách hình tượng thì sau khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua thì cửa rừng sẽ được khóa chứ không chỉ là đóng nữa. Mong sao hy vọng đó trở thành hiện thực!