Frederic Whitehurst, cựu binh Mỹ từng trao trả Nhật ký Đặng Thùy Trâm: Năm lần tới Việt Nam

Dương Đức Quảng 11/05/2017 10:10

Tôi vừa có chuyến đi thăm Mộc Châu cùng Frederic Whitehurst (Fred), người cựu binh Mỹ từng gìn giữ trong suốt 35 năm cuốn Nhật ký của bác sỹ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và trao trả lại cho gia đình vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2005). Chuyến thăm Mộc Châu này là theo lời mời của bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ Anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cùng ba người em gái của chị là Đặng Phương Trâm, Đặng Hiền Trâm và Đặng Kim Trâm.

Từ trái sang: Vợ chồng nhà báo Cao Tân Hòa - Dương Đức Quảng, Fred, Đại tướng Chu Huy Mân,
bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (ảnh chụp tại nhà Liệt sĩ).

Đây là lần thứ 5 Fred sang Việt Nam, sau lần đầu sang Việt Nam vào tháng 8/2005 để thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Giá. Anh Nguyễn Văn Giá là nhà báo, người đã chụp 48 bức ảnh trước khi hy sinh, được Fred giữ gìn và trao trả lại cho vợ anh cùng với việc trao trả cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho gia đình chị Thùy Trâm. Chuyến sang thăm Việt Nam lần đầu ấy Fred đã lên nghĩa trang viếng mộ hai liệt sĩ.

Trở lại Việt Nam lần này, Fred là thành viên lãnh đạo của Quỹ Trẻ em Việt Nam (COV) do các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thành lập năm 1998 nhằm tài trợ và giúp đỡ các bà mẹ và trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hàng năm Quỹ này quyên góp từ các cựu binh Mỹ và nhà hảo tâm ở Mỹ được trên dưới 1 triệu USD. Fred vừa cùng một số thành viên của Quỹ vào Quảng Nam và Đà Nẵng kiểm tra và đánh giá kết quả việc tài trợ và giúp đỡ của Quỹ COV cho các gia đình phụ nữ, nhất là phụ nữ đơn thân, có người bị tật nguyền, có người bị ốm đau đang phải vất vả bươn trải trong cuộc sống để nuôi con, trên cơ sở đó lập kế hoạch tài trợ và giúp đỡ tiếp theo.

Tối 9/3/2017 trở ra Hà Nội, trước khi đi Mộc Châu, Fred cùng ba người em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là Đặng Phương Trâm, Đặng Hiền Trâm, Đặng Kim Trâm và chị Bùi Ngọc Hiên, vợ của nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, đã đến thăm gia đình tôi, một nhà báo đã góp phần tổ chức việc đưa sự kiện Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở thành sự kiện truyền thông nổi bật và ấn tượng nhất cả nước trong năm 2005.

Tôi nhớ lại câu chuyện lý thú có liên quan tới Nhật ký Đặng Thùy Trâm và 48 bức ảnh của phóng viên chiến trường Nguyễn Văn Giá cách đây đã 12 năm.

Trong bài viết “Câu chuyện về những tấm lòng” in trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm (NXB Hội Nhà văn, 2005), chị Đặng Kim Trâm, em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm kể rằng: Sáng ngày 25/4/2005, gia đình chị bất ngờ được đón một vị khách lạ từ phương xa đến. Ông là Ted Engelmann (Ted), phóng viên nhiếp ảnh của Mỹ, người đã có mặt trong một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tại Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Texas, được nghe Fred, một cựu sĩ quan quân báo của Quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam kể câu chuyện về cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Việt Cộng mà Fred nhận được và gìn giữ suốt 35 năm, tìm mọi cách để biết tin tức của gia đình liệt sĩ trao lại cho gia đình nhật ký của chị mà không được. Cảm động trước câu chuyện kể và ý nguyện của Fred, Ted đã nhờ một người bạn làm ở Văn phòng của tổ chức Quaker Hà Nội tìm được địa chỉ của gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và ông đã đem đến trao tận tay mẹ liệt sĩ chiếc đĩa CD ghi lại nội dung hai cuốn nhật ký chứa đựng tâm huyết của người viết từ 35 năm trước mà Fred nhờ cậy.

Do một cơ may hiếm có, tôi được biết đến cuốn nhật ký và gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm trước khi cuốn nhật ký được xuất bản và trở thành một người thân thiết của gia đình.

Ngày 30/4/2005, nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ và giao lưu mang tên “Nhà báo - chiến sĩ”, tại Trường quay S.9. Tôi là một trong những nhà báo được mời tham dự cuộc gặp gỡ và giao lưu này. Hôm đó, tôi đã kể lại câu chuyện về tấm gương hy sinh của các nhà báo - liệt sĩ ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Đà trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Khi kể đến đoạn anh Hoàng Quốc Thăng, anh Võ Công Thu, hai điện báo viên của Tổ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Quảng Đà do tôi làm Tổ trưởng, hy sinh cùng ba đồng chí khác trong hang đá đặt điện đài vào đêm 22/5/1972 tại căn cứ Hòn Tàu, trong một trận ném bom B.52 của Mỹ, nhìn thấy chân của một đồng chí thòi ra cửa hang mà không sao lấy được xác các đồng chí của mình vì bị các tảng đá nặng hàng tấn vùi lấp, tôi đã bật khóc trước hàng trăm người có mặt trong trường quay.

Sau buổi giao lưu, được Kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng vào sáng ngày 1/5/2005, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của một người không quen. Chị tự giới thiệu là Minh Hà, ở Nhà xuất bản Phụ nữ. Sau khi biết tôi từng có mặt tại chiến trường Quảng Ngãi trong những năm chống Mỹ, chị Hà đã nhờ tôi giúp một người bạn tìm thân nhân của một nhà báo, liệt sĩ hy sinh tại Quảng Ngãi năm 1970. Người bạn đó là chị Đặng Kim Trâm, em gái của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Chị Đặng Kim Trâm cho biết, sau khi gia đình nhận được chiếc đĩa CD ghi lại hai cuốn nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm do Fred trao lại, Fred nhờ gia đình chị tìm thân nhân của một phóng viên chiến trường bị máy bay trực thăng của Mỹ giết hại tại Đức Phổ, cùng năm và gần nơi chị Thùy Trâm hy sinh. Cùng với hai cuốn nhật ký của chị Thuỳ Trâm, Fred còn lưu giữ hai cuốn phim đã chụp của người phóng viên nhiếp ảnh này, sau đó rửa được 48 bức ảnh và giữ gìn suốt 35 năm qua. Nay, cùng với việc trao trả lại nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm cho gia đình, Fred muốn tìm được tên tuổi của người phóng viên nhiếp ảnh đã hy sinh và thân nhân của anh để trao trả lại 48 bức ảnh anh đã chụp trước khi hy sinh.

Fred gục đầu nức nở trước mộ Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Từ Liêm, Hà Nội (Tháng 8/2005).

Tôi đã nhận lời với chị Đặng Kim Trâm, cùng đồng đội cũ là các anh chị ở Thông tấn xã Giải phóng và ở Điện ảnh Khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tìm được tên người phóng viên nhiếp ảnh đã hy sinh là anh Nguyễn Văn Giá, phóng viên quay phim, nhiếp ảnh của Tiểu ban Điện ảnh Khu V và tìm được chị Bùi Ngọc Hiên, vợ anh ở Hà Nội. Chị Bùi Ngọc Hiên ngỡ ngàng và xúc động sau 35 năm, kể từ ngày chồng hy sinh, nay nhận được những tấm ảnh cuối cùng anh chụp do một cựu bình Mỹ gìn giữ và trao trả.

Sau khi hai gia đình nhận được những kỷ vật của hai liệt sĩ do Fred trao lại, chúng tôi được tin tháng 8/2005 Fred cùng anh trai là Robert Whitehurst (Rob), cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, sang Việt Nam để thăm gia đình chị Đặng Thuỳ Trâm và gia đình anh Nguyễn Văn Giá. Biết được thông tin này, mấy anh em nhà văn, nhà báo, đạo diễn điện ảnh ở Khu V trước đây họp với nhau, mời chị Đặng Kim Trâm, chị Minh Hà, chị Bùi Ngọc Hiên cùng dự để bàn việc tổ chức viết báo và làm một cuốn phim tôn vinh tấm gương hy sinh của chị Đặng Thuỳ Trâm và anh Nguyễn Văn Giá nhân sự kiện này.

Cùng lúc đó, con trai tôi là Dương Đức Đà Trang, Trưởng Văn phòng Đại diện báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh ở Hà Nội mang về bản phô-tô hai cuốn nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm chuẩn bị đưa đi Nhà xuất bản. Cháu rất xúc động khi đọc những dòng nhật ký của chị và cho biết báo Tuổi trẻ sẽ trích đăng nhật ký của chị và mở đợt tuyên truyền tấm gương của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm nhân sự kiện cuốn nhật ký trở về với gia đình. Điều đó càng thôi thúc anh em chúng tôi phối hợp với báo Tuổi trẻ và các cơ quan báo chí khác để đưa tin, viết bài, quay phim về chị Trâm, anh Giá và về chuyến sang Việt Nam thăm hai gia đình liệt sĩ của anh em Fred. Mấy anh em chúng tôi, là các nhà văn, nhà báo, đạo diễn điện ảnh, quay phim ở Khu V trước đây, gấp rút chuẩn bị mọi công việc, nhiều anh em đã về hưu tự bỏ tiền ra lo cả phương tiện kỹ thuật và phương tiện đi lại để quay bộ phim phóng sự tài liệu “Hành trình chưa khép lại”. Anh em thống nhất giao cho tôi, lúc đó còn đang là Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ cùng nhà văn Lâm Quang Ngọc chịu trách nhiệm về kịch bản, Trần Minh Đại đạo diễn, Ngô Tạo Kim quay phim với sự giúp sức của Huỳnh Bá La Vuông, Tạ Triệu Thôi, Trần Hữu Thanh, Nguyễn Thanh Tùng… Mấy anh em bám theo từng hoạt động và sự kiện của chuyến sang Việt Nam thăm hai gia đình liệt sĩ của anh em Fred, từ Hà Nội vào Quảng Ngãi để quay bộ phim này. Thật buồn, bộ phim chưa kịp hoàn thành thì đạo diễn Trần Minh Đại mất đột ngột.

Sau khi cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được xuất bản, bộ phim “Hành trình chưa khép lại” hoàn thành (sau đó được giải về thể loại phim phóng sự, tài liệu truyền hình của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2005), cùng với hàng trăm bài báo trên báo Tuổi trẻ và nhiều báo khác, sự kiện Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm trở thành sự kiện nổi bật trong năm 2005. Cùng với tên tuổi chị Đặng Thùy Trâm, Fred cũng được nhiều người biết đến.

Sau chuyến sang Việt Nam lần đầu vào tháng 8/2005, anh em Fred còn sang Việt Nam thêm hai lần để thăm hai gia đình liệt sĩ. Tôi không những trở thành một người thân của hai gia đình liệt sĩ và còn trở thành "một người bạn quý ở bên kia chiến tuyến trước đây", như Fred nói, được anh em Fred quý mến. Trong ba lần sang Việt Nam thăm hai gia đình liệt sĩ, lần nào anh em Fred cũng gặp tôi, viết thư và kể rất nhiều chuyện với tôi về cuộc đời của minh. Từ những lời kể đó, tôi đã viết một số bài báo về họ, về những việc làm “vì chị Trâm, anh Giá” của anh em họ. Họ có dự án mà tôi gọi là “Dự án lương tâm”, tìm kiếm tin tức và tài liệu chiến tranh Việt Nam mà quân đội Mỹ thu được, mong giúp các gia đình liệt sĩ ở Việt Nam biết được tin tức người thân đã hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh mà lâu nay không tìm được.

Năm 2008, sau khi từ Việt Nam trở về, Rob, anh trai Fred đã dành cả tuần lễ vượt chặng đường xa hàng ngàn cây số từ nơi ở lên thủ đô Wahsington. DC, vào Trung tâm lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ tìm các tài liệu, hiện vật của chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Giá và các thông tin, tài liệu của các liệt sĩ Việt Nam mà quân đội Mỹ còn lưu giữ để giúp các gia đình liệt sĩ tìm tin tức và hài cốt của con em mình. Rob đã tìm thêm được một cuốn sổ công tác của chị Đặng Thùy Trâm, một bức thư của chị gửi cho một người anh ở Hà Nội, tìm được một số giấy tờ công tác, kể cả giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng của anh Nguyễn Văn Giá và nhiều tấm ảnh của anh. Chính Rob là người đã tìm được một bản báo cáo của quân đội Mỹ về cái chết của liệt sĩ Nguyễn Văn Bối, người mà chị Đặng Thùy Trâm nhắc đến trong nhật ký của mình, giúp gia đình anh sau mấy chục năm tìm kiếm đã đưa được hài cốt anh về quê hương.

Fred cùng ba em gái Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và vợ Liệt sĩ Nguyễn Văn Giá cùng anh trai (một cựu binh Việt Nam) và vợ chồng nhà báo Dương Đức Quảng.

Công việc thực hiện “Dự án lương tâm” đang tiến hành thì bất ngờ Fred bị ung thư tuyến tiền liệt, nhiều việc đang làm bị bỏ dở. Fred biết bị ung thư thì thời gian còn lại không nhiều, nên làm được việc gì có ích “vì chị Đặng Thùy Trâm, vì anh Nguyễn Văn Giá” ông vẫn cố làm. Tháng 3/2009 ông cùng vợ sang Việt Nam lần thứ ba sau chuyến sang đầu tiên tháng 8/2005 để thăm gia đình chị Đặng Thùy Trâm và gia đình anh Nguyễn Văn Giá để “được sống trong không khí thực sự là gia đình” như lời ông nói với tôi. Tháng 5/2010, lần thứ 4 Fred lại sang Việt Nam thăm hai gia đình liệt sĩ và dự lễ cưới của một người cháu liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Lần ấy do tôi ở thành phố Hồ Chí Minh nên không gặp được Fred.

Đúng như lời ông nói với tôi trong lần gặp tháng 3/2009: “Nếu cái chết không sớm cướp tôi đi thì tôi còn sang Việt Nam. Bởi vì Việt Nam đã làm thay đổi cuộc đời tôi và ở đó có những người thân yêu của tôi…”.

Trong chuyến cùng lên thăm Mộc Châu lần này Fred cho tôi biết thêm nhiều chuyện về ông. Trước hết, do tích cực điều trị nên bệnh ung thư tuyến tiền liệt của ông hiện chưa tiến triển xấu, ông còn đủ sức khỏe để làm việc, trong đó có việc ông tham gia và trở thành thành viên Ban lãnh đạo của Quỹ trẻ em Việt Nam (COV) và nhiều công việc khác. Fred cho biết, ông có hai bằng tiến sĩ, một bằng tiến sĩ hóa và một bằng tiến sĩ luật. Bằng tiến sĩ hóa ông có được khi còn trẻ, còn bằng tiến sĩ luật ông có sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về ông làm việc cho Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Tại đây ông phát hiện ra một số việc làm sai trái của FBI nên đã kiện chính cơ quan này ra tòa án. Sau vụ kiện này ông thấy cần có thêm kiến thức về ngành luật nên ông đã theo học ngành này và đã thi đỗ tiến sĩ luật, trở thành luật sư và hành nghề luật sư từ đó đến nay. Ông bảo, tôi đã làm luật sư bênh vực quyền lợi cho khá nhiều người "thấp cổ bé họng" ở nước Mỹ! Hôm vào thăm Đà Nẵng, thấy Văn phòng Quỹ trẻ em Việt Nam (COV) tại đây rất cần một chiếc ô tô để đưa đón các trẻ em mồ côi và trẻ em bị khuyết tật đi học. Fred hứa về Mỹ sẽ tìm nguồn tài trợ để đáp ứng nhu cầu này.

Ngày 13/3/2017 Fred trở về Mỹ. Trước khi chia tay, ông nói với tôi: "Bây giờ tôi đã là thành viên của Ban lãnh đạo Quỹ trẻ em Việt Nam (COV) nên có điều kiện thuận lợi hơn để sang thăm Việt Nam". Ông hẹn sang năm sẽ lại gặp tôi ở Hà Nội.

Tôi tin và mong rằng dù đang mang trọng bệnh nhưng chuyến sang Việt Nam lần này không phải là chuyến đi cuối cùng của ông.

Dương Đức Quảng