Doanh nghiệp Nhà nước: Đổi mới để hội nhập- Bài 2: Chặn thất thoát trong cổ phần hóa

Việt Thắng 23/06/2017 08:05

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thời gian qua đang bị lợi dụng bằng việc hạ thấp giá cổ phần nhằm trục lợi. Tài sản Nhà nước đang bị thất thoát còn nhiều đối tượng nhờ đó mà “giàu lên nhanh chóng” với những khối tài sản hàng trăm tỷ đồng. Làm sao để cổ phần hóa số doanh nghiệp (DN) này không bị thất thoát là vấn đề đang được đặt ra.

Ông Hoàng Văn Cường.

Phải có lộ trình

Trao đổi, GS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, thoái vốn cũng phải hiệu quả chứ không phải thoái vốn là mang bán đi ồ ạt.

Nếu làm không tốt rất có thể nhóm nào đó cố tình làm cho DN xấu và be bét đi để tiến tới định giá thấp. Phải có lộ trình thực hiện việc thoái vốn, trong quá trình thoái vốn làm sao phải đưa ra lộ trình lựa chọn? lĩnh vực nào? mức độ thoái vốn là bao nhiêu? để thấy mức độ hấp thụ của thị trường cũng như không làm cho giá trị của DN bị hạ thấp, không đúng với thực chất của nó.

Trước hết phải hiểu rằng DNNN là một loại hình kinh doanh của Nhà nước. Đứng về mặt nguyên lý, chỉ hoạt động kinh doanh ở những lĩnh vực mà bắt buộc Nhà nước phải nắm giữ.

Thứ hai là những lĩnh vực cần cho xã hội mà khu vực khác không hoạt động, không muốn hoạt động thì DNNN bắt buộc phải làm và Nhà nước phải nắm giữ. Còn các lĩnh vực nào mà kinh tế tư nhân làm tốt cần để cho kinh tế tư nhân làm.

Hiện DNNN đang phủ trên phạm vi rộng, bao rộng các ngành quan trọng buộc Nhà nước phải nắm giữ nhưng đồng thời cũng có rất nhiều ngành lĩnh vực của DNNN mà các thành phần kinh tế khác cũng làm được.

Chính vì vậy trong cải cách DNNN hiện nay phải thực hiện “bức tường”, nghĩa là lựa chọn xem những ngành nào, lĩnh vực nào buộc Nhà nước phải giữ lại hoặc phải bỏ tiền ra đầu tư.

Còn lại những ngành lĩnh vực không nhất thiết phải nắm giữ thì phải thoái vốn bằng cách tư nhân hóa bán cổ phần.

Hiện nay, cải tổ DNNN lớn nhất là liên quan đến thoái vốn, bán dần cổ phần đi cho tư nhân nắm giữ. Khi tư nhân nắm giữ hoạt động thì tất nhiên nó sẽ mang tính thị trường hơn và hiệu quả hơn. Đó mới là bản chất chứ không phải thay đổi đơn thuần.

Nhưng trong thời gian hiện tại chưa làm ngay được thoái vốn, vì thoái vốn cũng phải làm cho hiệu quả chứ không phải thoái vốn là mang bán đi ồ ạt. Như thế nó sẽ làm thất thoát tài sản Nhà nước, cho nên phải có lộ trình thực hiện việc thoái vốn.

Kinh nghiệm cho thấy, ở nhiều nước đã trải qua lộ trình này, họ có giai đoạn phải tổ chức lại DN để hồi phục lại. Khi hồi phục lại, năng lực bắt đầu được hình thành và giá trị phản ánh đúng, khi mang đi thoái vốn sẽ không bị mất tiền của Nhà nước. Cho nên cổ phần hóa, thoái vốn không thể diễn ra ồ ạt, phải tính xem bán ở thời điểm nào?

Nâng cao năng lực

Vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao năng lực hiệu quả của DN sau khi sắp xếp. Phần lớn DN sau khi cổ phần hóa sẽ chuyển thành tư nhân và Nhà nước không chi phối, can thiệp hoạt động mà do Hội đồng quản trị vận hành và vận hành công ty cổ phần theo cơ chế thị trường.

Khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi là làm thế nào để chuyển DNNN sang DN cổ phần không bị thất thoát tài sản, định giá giá trị DN đúng với giá trị thật và năng lực của nó. Nếu làm không tốt rất có thể nhóm nào đó cố tình làm cho DN xấu đi, be bét đi, càng xấu càng be bét đi thì định giá thấp.

Khi định giá thấp thì những người mua cổ phần đó được hưởng lợi, như vậy Nhà nước bị thiệt hại còn cá nhân được hưởng lợi. Cho nên trước khi định giá cần đánh giá, cải tổ lại.

Một trong những giải pháp là trong Nghị quyết 5 của Chính phủ đã quyết định thành lập một Ủy ban đặc biệt về vấn đề quản lý liên quan đến DNNN để quản lý lại những tài sản đang có và xem cái gì bán ngay được?

Ủy ban này không phải cơ quan đứng ra để tổ chức sản xuất kinh doanh như các tập đoàn trước đây. Như thế sẽ thực hiện được lộ trình cụ thể bán cổ phần DNNN nhằm tránh thất thoát.

Về mặt quy định, Nhà nước cũng đã có quy định người đứng đầu quản trị của DN khi để xảy ra thất thoát thua lỗ, mà nếu thất thoát thua lỗ là khách quan do năng lực, thua lỗ trong 2 năm liền thì phải chịu trách nhiệm và ít nhất là từ chức.

Còn nếu như thất thoát thua lỗ do yếu tố chủ quan như cố tình làm thất thoát, làm ra những hợp đồng không mang lại hiệu quả thì phải điều tra xử lý.

Trên thực tế nhiều lãnh đạo DNNN đã phải chịu xử lý trong thời gian qua và chắc chắn trong thời gian tới sẽ không dừng lại ở đấy mà phải tiếp tục. Ít nhất trong quá trình cải tổ DNNN không thể không chịu trách nhiệm của những người đã gây ra trước đây.

Hiện Quốc hội đã có Nghị quyết liên quan đến giám sát chuyên đề tối cao của năm 2018. Đó chính là giám sát liên quan đến cổ phần hóa DNNN.

Đây là vấn đề Quốc hội cần giám sát xem cổ phần hóa như thế nào? Và khi để xảy ra thua lỗ thì hậu quả từ đâu? trách nhiệm ra sao?

Việt Thắng