Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển: Xem lại chính sách hỗ trợ
Trong mục tiêu phát triển DN, kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh “một mất một còn” mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển – đó là chia sẻ của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 22/6.
DN phải chịu nhiều chi phí ngầm do đó khó nâng sức cạnh tranh.
Tránh chứ không trốn
Tại Diễn đàn, một lần nữa vai trò của kinh tế tư nhân được đề cao. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong quá trình phát triển phải coi vai trò của kinh tế tư nhân quyết định.
Đặc biệt trong sự phát triển DN cần quán triệt kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh “một mất một còn” mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vấn đề về thủ tục hành chính vẫn đang là rào cản đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Vị chuyên gia nhớ lại khi đi giảng về vấn đề quản lý thuế, có hai thứ con người không thể tránh được, thứ nhất là cái chết thứ hai là thuế.
Các DN rất thấm thía điều này. Ông Ánh cho rằng, đã là DN, thì DN nào cũng tìm cách tránh thuế, chứ không phải trốn thuế. Càng là DN lớn thì họ càng quan tâm đến việc phải tránh thuế, thậm chí họ thành lập cả một bộ phận chuyên trách để tránh thuế, nhưng tuyệt nhiên không phải là trốn thuế.
Dưới góc nhìn khác về DN, ông Ánh đặt câu hỏi: DN Việt Nam mãi vẫn nhỏ bé vì gặp khó khăn hay vì khó khăn nên DN vẫn chỉ ở quy mô “nhỏ và vừa”? Tôi thấy lùng nhùng và không biết DN đang nằm ở trạng thái nào?
Theo vị chuyên gia này, cần nhìn lại các chính sách hỗ trợ DN hiện nay. “Chúng ta có 97,7% doanh nghiệp nhỏ và vừa, vậy hơn 2% doanh nghiệp còn lại vứt đi đâu?
Với mấy trăm nghìn hộ kinh doanh, sau 1 đêm vận động người ta ra đăng ký để có đủ chỉ tiêu 1 triệu DN vào 2020 để làm gì? Với xu thế này chúng ta đang tạo ra bong bóng DN?” - ông Ánh đặt câu hỏi.
Cần chấp nhận một thực tế là có DN “nhớn, nhỡ, nhỏ” chứ không thể tất cả là nhớn hoặc tất cả là nhỏ và vừa để được hỗ trợ. Có xác định đúng quy mô của doanh nghiệp thì mới có cách thức ứng xử hợp lý, chuyên gia này nhấn mạnh!
Nhiều chi phí giảm sức cạnh tranh
Nói về các chính sách thúc đẩy phát triển DN, ông Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KHĐT) cho rằng, cần tiếp tục giảm chi phí cho DN, hiện chi phí của DN khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới.
Các yếu tố khách quan như vốn sản xuất, mặt bằng, lao động còn khó khăn nhưng riêng các chi phí hải quan, thủ tục xác nhận hàng hóa… có thể triển khai giảm được.
“Quy định về điều kiện kinh doanh không khó, nhưng khi DN đăng ký thì thời gian bị kéo dài mà không có lý do hoặc không được chấp nhận. Lớn hơn nữa là môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính thì pháp luật phải thực hiện nghiêm minh để tạo lòng tin cho DN”, ông Hùng lưu ý.
Đồng quan điểm với các chuyên gia kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế (VCCI) đặt vấn đề: Đằng sau ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn có những cái gì?
Cách đây 17 năm, Chính phủ liên tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, quy mô DN lớn hơn, cạnh tranh gay gắt hơn mà thủ tục không có thay đổi nên tác động cũng lớn hơn rất nhiều. Để cải cách cho DN, cần xem Chính phủ có cái gì và cái gì DN đang cần phải gỡ.
“Quan sát của tôi, DN phải chịu tác động của các chi phí, đó là rủi ro pháp lý và bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ, như tài sản, sáng chế và những tranh chấp không lành mạnh trong kinh doanh. Nếu tôi là Chính phủ, tôi sẽ ưu tiên gỡ bỏ rào cản pháp lý đang gây ra rủi ro cho DN”, ông Tuấn nói.
“DN đã trót đầu tư 1 ngành nghề kinh doanh trong số các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay, sau 5 năm, vì lý do nào đó không xin lại được giấy phép hoặc chậm được cấp lại giấy phép là bị tạm dừng hoặc không được sản xuất nữa.
Với điều kiện kinh doanh như vậy thì liệu có DN nào dám bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư vào một dự án có thời gian 30 – 40 năm đầy rủi ro hay không?” – ông Tuấn đặt câu hỏi.
Làm sao để DN không cảm thấy lo sợ và tin tưởng vào chính sách mới có thể thúc đẩy được họ phát triển; bởi trong suy nghĩ của hầu hết các DN, rủi ro trong kinh doanh là điều đáng sợ nhất là những quan tâm hiện nay của không ít chuyên gia cũng như DN.