Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Hạnh Nguyên 23/06/2017 08:10

Thực hiện kế hoạch khảo sát, nghiên cứu và tư vấn phản biện Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Quốc Khánh, mới đây, Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) do GS-VS-TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch VUSTA dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh và Cty CP mỏ sắt Thạch Khê (TIC).

Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: Vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã tổ chức nhiều cuộc họp để phân tích, đánh giá và còn nhiều băn khoăn về tính khả thi, đặc biệt là tác động đến môi trường.

Đoàn công tác khảo sát thực địa tại Mỏ sắt Thạch Khê.

Quan ngại nhiều vấn đề

Tháng 122016, Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị tạm dừng Dự án. “Hà Tĩnh mong muốn VUSTA giúp khảo sát, nghiên cứu và tư vấn phản biện Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để có tiếng nói khách quan, khoa học, đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài cho địa phương cũng như quốc gia”- ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, GS-VS-TSKH Đặng Vũ Minh nêu 5 vấn đề chính để trao đổi, gồm: Công nghệ thi công khai thác; phương án tiêu thụ sản phẩm; tác động về môi trường của dự án; những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội từ Dự án và tác động kinh tế, xã hội từ góc độ địa phương.

Trên cơ sở đó, các thành viên trong Đoàn đặt ra những câu hỏi chất vấn, trao đổi với chủ đầu tư và các ngành liên quan xoay quanh các vấn đề của Dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Trung Thuận – chuyên gia độc lập - nói: “Tôi băn khoăn tại sao một mỏ sắt được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, đã có một vài nhà đầu tư trên lĩnh vực này quan tâm, nhưng họ không tiến hành thăm dò, khai thác?”

Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng cũng tỏ ra lo ngại: “Khi khai thác sẽ tạo hồ thủy lợi sâu 500m, đây là hồ rất sâu chưa bao giờ có, vậy giải pháp sau khi khai thác thế nào”?

Theo các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực mỏ địa chất, môi trường, kinh tế… việc đổ bãi thải lấn biển sẽ làm biến dạng bờ biển, thay đổi dòng hải lưu gần bờ do vậy, cần phải đánh giá tác động khoa học đến hải dương học.

Bờ biển có thể bị biến dạng

Có hàng loạt các câu hỏi khác được đặt ra đối với Dự án do TIC làm chủ đầu tư như: Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải sử dụng công nghệ của nước nào, trong khi đánh giá tác động môi trường đến nay vẫn chưa hoàn thiện!

Hơn thế, do độ dày trầm tích của vùng mỏ chỉ có hơn 30m nên khi Dự án đi vào hoạt động có thể sẽ làm suy thoái hệ thống nước ngầm và khi nguồn nước xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt khu vực xung quanh. Hiện vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng về việc giải quyết vấn đề nói trên.

Ngoài ra, nếu khai thác, mỗi năm sẽ xả chất thải rắn khoảng từ 3.600 - 4.800 tấn và hàng nghìn m3 nước thải kim loại nặng. Việc kiểm soát, xử lý các nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, khai thác mỏ như thế nào?

PGS TS Lưu Đức Hải cho rằng: “Với quy mô xả thải lên đến hàng trăm ngàn m3 thì cần phải xem xét kỹ giải pháp xử lý đối với việc xả thải nước có kim loại nặng. Nếu không tính kỹ các phương án đảm bảo an toàn trong mưa lũ, sóng cao, triều cường thì việc phát tán kim loại ảnh hưởng môi trường biển là khó tránh khỏi”.

Trong khi các nhà khoa học tỏ ra lo ngại về nhiều vấn đề thì đại diện TIC lại đưa ra những căn cứ, số liệu khoa học, đồng thời khẳng định Dự án đã được phê duyệt trên cơ sở phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội của Chính phủ, địa phương, được các tổ chức uy tín đánh giá, tư vấn.

Chủ đầu tư đã hoàn tất mọi thủ tục pháp lý theo yêu cầu, chỉ chờ khai thác và nếu cần bổ sung vấn đề gì thì cần được thông báo, trao đổi vì TIC không biết phải làm thêm những thủ tục gì?

Kết thúc buổi làm việc, GS-VS-TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch VUSTA - cho biết: Các kết quả bước đầu này sẽ được Đoàn tổng hợp, đánh giá xây dựng nội dung cho kế hoạch hội thảo khoa học tại Hà Nội trong thời gian tới.

Hạnh Nguyên