Đắk Lắk: Đê bao trăm tỷ mới sử dụng đã xuống cấp
Tuyến đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài hơn 42 km được đầu tư với số vốn 312 tỷ đồng, với mục tiêu là kiên cố hóa toàn bộ các tuyến đê bao và bờ bao, nhằm bảo đảm ổn định sản xuất cho gần 3 nghìn ha lúa và giao thông đi lại thuận lợi cho bà con trong vùng.
Thế nhưng, mới được đưa vào sử dụng chưa được 2 năm, công trình đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Mái ta luy đê bao đoạn qua xã Quảng Điền bị sụt lún.
Công trình đê bao Quảng Điền được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng vốn đầu tư của công trình lên tới trên 312,7 tỷ đồng.
Công trình được chia ra làm 5 gói thầu và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2013 đến năm 2015 với hệ thống kênh bê tông tổng chiều dài 42,62 km.
Tuyến kênh và đê bao này nhằm mục đích ngăn xói lở, ngăn lũ tiểu mãn, bảo vệ cho gần 3 ngàn héc ta lúa của các xã Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl.
Ông Võ Văn Nam - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana cho biết: Công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa và cấp nước tưới cho 1.255 ha lúa nước, ổn định đời sống, hoạt động sản xuất cho hơn 1.800 hộ dân, với 9.000 nhân khẩu, đây còn là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân trong vùng dự án.
Đặc biệt hơn, 3.000 ha lúa nước trong vùng dự án trước đây chỉ sản xuất một vụ với năng suất 6-7 tấn/ha thành vựa lúa nước sản xuất hai vụ với năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng dự án.
Ngày công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, hàng ngàn hộ dân sinh sống trong vùng vui mừng, vì từ nay sẽ bớt đi cảnh chạy lũ cứu lúa như trước đây.
Thế nhưng, hàng ngày đi lại trên tuyến đê bao nhìn những khối bê tông bong tróc, sạt lở, thân đê sụt lún ai cũng chạnh lòng vì công trình xuống cấp nhanh quá.
Ông Lê Anh Sơn, người dân ở xã Quảng Điền, chia sẻ: “Trước đây chưa có đê bao hằng năm bà con trong vùng lúc nào cũng nơm nớp lo lắng cho đồng lúa mỗi khi mùa mưa lũ về.
Hơn 2 năm qua, khi tuyến đê hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp cho bà con yên tâm hơn trong sản xuất.
Vậy mà năm trước, cơn lũ tràn về, đê nằm ngâm trong nước cả tháng, khi nước rút đi thì mới lộ ra nhiều điểm bị hư hỏng nặng. Nhìn tuyến đê xuống cấp nghiêm trọng sau 1 cơn lũ mà bà con chúng tôi cũng xót xa lắm.
Theo thống kê của các ngành chức năng huyện Krông Ana, trên tuyến đê bao Quảng Điền này hiện có hàng chục điểm sạt lở, sụt lớn, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của tuyến đê, trong đó một số khu vực bị sạt lở, hư hỏng nặng cần phải thực hiện tu sửa ngay.
Ông Lê Văn Kiên- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Điền cho biết: “Trong khi chờ huyện, tỉnh, trung ương hỗ trợ sửa chữa đê bao, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nắm bắt trên tuyến đê qua địa phương có tới 26 điểm bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Chúng tôi đã trích ngân sách, huy động bà con, các hợp tác xã cùng góp kinh phí, ngày công lao động để sửa chữa những đoạn trọng yếu phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, những công sức của chính quyền và nhân dân xã Quảng Điền như muối bỏ biển bởi nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp, địa phương chỉ sửa chữa nhỏ, trong khi đó hệ thống đê bao này ngày càng xuống cấp, sạt lở nặng và đòi hỏi phải có kinh phí lớn. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa hệ thống đê bao này để bảo vệ hàng nghìn ha lúa nước hai vụ và người dân yên tâm sản xuất”.
Trước tình trạng tuyến đê xuống cấp nghiêm trọng và nghi vấn của người dân về chất lượng công trình, ông Y Hương Niê - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Các cơ quan chức năng của huyện và của tỉnh đã nghiệm thu những đoạn đê hoàn thành, do vậy không có cơ sở để kết luận nguyên nhân sạt lở là do chất lượng kém.
Theo ông Y Hương, nguyên nhân đê sạt lở là do hệ thống đê bao Quảng Điền từ khi đưa vào sử dụng đến nay chưa được đầu tư duy tu bảo dưỡng, sửa chữa lần nào.
Trận lũ lớn kéo dài vào cuối năm 2016 đã nhấn chìm toàn bộ hệ thống đê bao này trong một thời gian dài khiến nước thấm vào thân đê, làm lỏng chân đất dẫn đến sạt lở, sụt lún.
Nguyên nhân quan trọng nữa là do tình trạng khai thác cát trên sông Krông Ana diễn ra trong một thời gian dài đã làm thay đổi dòng chảy một số đoạn, nước sông ăn sâu vào đất liền gây sạt lở bờ sông và làm sạt lở chân đê bao.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo khảo sát của Sở, sau đợt mưa lũ kéo dài vào tháng 11 năm ngoái, trên toàn tuyến đê bao Quảng Điền có 20 điểm sạt lở nghiêm trọng kéo dài từ 800 m đến 1.200 m và hàng chục điểm sạt lở cục bộ. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính an toàn hồ đập.