Sai phạm 'chết người' vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ: Ai phải chịu trách nhiệm?

Theo Tienphong 23/06/2017 08:56

Kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định cho thấy nhiều sai phạm nghiêm trọng như máy chính không đảm bảo, sử dụng thép Trung Quốc, sử dụng thiết bị không đúng như hợp đồng…

Cuộc họp công bố kết quả thẩm định có sự tham gia của nhiều ngư dân.

Chiều 22/6, Sở NN & PTNT Bình Định tổ chức buổi họp công bố kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng. Buổi họp có sự tham gia của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, các ngành chức năng tỉnh Bình Định, các ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng. Phía cơ sở đóng tàu, đại diện Cty TNHH MTV Nam Triệu tham dự, riêng đại diện Cty TNHH Đại Nguyên Dương vắng mặt.

Thép Trung Quốc, máy không chính hãng

Ông Trần Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết sau 16 ngày làm việc thực tế tại các tàu cá bị hư hỏng, Tổ công tác làm rõ các hư hỏng của từng con tàu và có báo cáo cụ thể. Kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng cho thấy hàng loạt sai sót nghiêm trọng.

Về vỏ tàu, có 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc và 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc.

Kiểm tra tại hiện trường 17 tàu, có 12 tàu phần vỏ tàu bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư lưới cụ và cá thành phẩm; có 5 tàu phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.

Kết quả thẩm định cho thấy, có 9 máy tàu không chính hiệu Mitsubishi MPTA (5 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP và 04 máy S6R-MPTA công suất 811 HP). Bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt. Hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định.

Có 3 máy chính tàu hiệu DOOSAN 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng.

Trong khi đó, có 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép thì có 10 cái hiệu MITSUBISHI – Nhật Bản; 9 cái hiệu DOOSAN- Hàn Quốc kiểu máy AD126TIF/206kW; 4 cái hiệu CUMMINS CTA 83-G2; 2 máy không có nhãn mác chỉ đóng số chìm.

Qua kiểm tra thực tế và đối chiếu với hồ sơ, có 1 máy phụ hiệu CUMMINS do Trung Quốc sản xuất (CO ghi máy lắp ráp tại Singapore), 2 máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ, chỉ có dòng số đóng chìm.

Về trình trạng hoạt động của máy phụ, có 3 máy phụ CUMMINS hoạt động không ổn định; 1 máy phụ MITSUBISHI bị vỡ thân máy, không thể hoạt động được, 1 máy phụ MITSUBISHI hư hỏng do hở bạc; Hai máy đo sâu dò ngang bị hỏng tại các bộ phận hệ thống đầu dò không sử dụng được; điều khiển đầu dò.

Có 1 màn hình trên máy dò cá SONAR FURUNO CH-37 bị thay đổi màn hình chính, chất lượng thu nhận tín hiệu và độ phân giải trên màn hình hiện tại rất thấp, không rõ nét.

Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị khác để lắp trên tàu như đèn cao áp, hầm bảo quản, tời khai thác... cũng không đảm bảo như hợp đồng ký kết. Kiểm tra hệ thống đèn cao áp, phát hiện một số tăng phô cho đèn cao áp bị xóa các dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ. Mẫu vật thu được kiểm tra là loại tụ CBB65 có xuất xứ từ Trung Quốc và bóng đèn cao áp 1000 W không đúng như hợp đồng đã ký kết. Hệ thống đèn cao áp hoạt động không ổn định, thường xuyên bị cháy, một số tăng phô bị nóng chảy.

Kiểm tra hệ thống hầm bảo quản của 17 tàu, có 14 tàu hầm bảo quản đọng nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, gỉ sét.

Qua kiểm tra có 7 tàu có tời trích lực từ máy chính, 9 tàu trích lực từ máy điện không đúng với hồ sơ thiết kế đã phê duyệt.

Kết quả thẩm định cho thấy, thiết kế tàu vỏ thép đã có những thay đổi về bố trí chung, nghề, thiết bị tời so với thiết kế đã được phê duyệt nhưng vẫn chưa được cơ quan thiết kế hoàn công theo đúng quy định...

Buộc đền bù cho ngư dân

Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ đề nghị thay máy mới chính hãng Mitsubishi cho các tàu theo hợp đồng, thay máy Doosan mới cho tàu cá của ông Trần Đình Sơn. Đơn vị đóng tàu có trách nhiệm sơn lại các tàu vỏ thép bị gỉ sét, các tàu thay thế thép Trung Quốc nếu đạt chuẩn và được sự đồng thuận của ngư dân thì đơn vị phải hoàn tiền chênh lệch giá thép Trung Quốc so với giá thép Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đơn vị đóng tàu phải khắc phục trang thiết bị hàng hải, khai thác. Đơn vị thiết kế phải theo dõi kịp thời phát hiện những lỗi không phù hợp sớm điều chỉnh. Riêng các địa phương trong tỉnh phải rà soát loại thiệt hại các tàu vỏ thép, sớm có báo cáo lên cơ quan chức năng giúp ngư dân sớm ổn định, ra khơi bám biển. Ông Hổ cũng cho hay, hiện việc kiểm tra chất lượng vỏ thép chỉ kiểm tra một số vị trí trên tàu nên khi đưa tàu lên đà sẽ tiếp tục kiểm tra và sẽ có bổ sung thêm.

Ông Đào Hồng Đức – Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản nhìn nhận “Đơn vị đăng kiểm là cơ quan kiểm tra an toàn về mặt kỹ thuật. Để xảy ra trường hợp có những chiếc tàu vỏ thép kém chất lượng, trong đó có trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm”.

Theo ông Đức, các đăng kiểm viên chỉ kiểm tra hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là căn cứ vào kết quả giám định của đơn vị kiểm định độc lập rằng đó là những máy thủy 100%, chứ không kiểm tra chi tiết nên không phát hiện ra. Lúc đăng kiểm kiểm tra hồ sơ thì đăng kiểm viên có sai sót chưa biết máy thật hay giả. Qua quá trình này sẽ nâng cao năng lực của đăng kiểm viên. Tới đây sẽ kiểm điểm kỹ về vấn đề của đăng kiểm viên”.

Làm rõ việc cung cấp máy “dởm”

Ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng Giam đốc Cty Nam Triệu cho biết đơn vị này đồng ý với những đề xuất từ Tổ công tác thẩm định và sẽ khắc phục cho ngư dân. Ông Hùng khẳng định đơn vị này ký hợp đồng cung cấp máy với phía Cty Hoàng Gia Phát là máy Mitsubishi thủy chính hãng.

Các máy được nhập về phía Nam Triệu có mời đơn vị giám sát là Công ty Tân Trung Thịnh. Ông Hùng cho biết, thực hiện chỉ đạo từ Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an, Cty Nam Triệu làm rõ trách nhiệm với phía cung cấp máy.

“Chúng tôi đã hợp đồng mua máy thủy chính hãng hiệu Mitsubishi 100% của Cty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát”. Trong khi trước đó, đại diện Cty Hoàng Gia Phát từng cho báo chí biết rằng, Cty Nam Triệu đã ký hợp đồng mua máy bộ nên họ cung cấp đúng như thế.

Trả lời thắc mắc này của phóng viên, ông Hùng lại một lần nữa khẳng định là Cty Nam Triệu hợp đồng mua máy thủy Mitsubishi chính hãng 100%. “Hiện Cty Nam Triệu đang thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) làm rõ chuyện bán máy thủy “dởm” của Cty Hoàng Gia Phát”, ông Hùng nói.

UBND tỉnh Bình Định cần khẩn trương đưa ra kết luận về các lỗi hư hỏng các con tàu, làm rõ trách nhiệm của cơ sở đóng tàu và các bên liên quan. Sau buổi họp này, Sở NN&PTNT hoàn thiện nhanh báo cáo để UBND tỉnh Bình Định báo cáo với Bộ NN&PTNT, sau đó Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ.

Ông Oai cũng khuyến cáo ngư dân, thời gian tới, khi các đơn vị đóng tàu sửa chữa tàu, nếu ngư dân không đủ trình độ giám sát thì phải thuê giám sát, khoản chi phí này sẽ được tính vào dự toán vay đóng tàu theo NĐ 67.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, Bộ NN&PTNT đã tạm đình chỉ 2 công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương, Nam Triệu, không cho 2 đơn vị này nhận đóng mới thêm tàu vỏ thép theo NĐ 67 đến khi khắc phục xong những tàu hư hỏng tại Bình Định. Quan điểm của Bộ NN&PTNT là các đơn vị đóng tàu phải khắc phục triệt để các lỗi đã vi phạm theo hợp đồng, đồng thời bồi hoàn thiệt hại về thu nhập cho chủ tàu do tàu bị hư hỏng không đi khai thác được.

Theo Tienphong