TP HCM 'xin' Thủ tướng thêm 18.000 tỷ cho 2 dự án lớn
Ngày 23/6 tại trụ sở UBND TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với TP về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016.
Các nhà thầu nhiều lần kiến nghị TP thanh toán đúng thời hạn.
2 dự án trọng điểm thiếu rất nhiều vốn
Một năm trước, vào ngày 27/6/2016 Thủ tướng cũng đã có một buổi làm việc tương tự tại đúng địa chỉ này.
Mở đầu, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế xã hội với đoàn công tác. Ngay trong phần này ông đã thay mặt TP gửi nhiều kiến nghị tới Thủ tướng.
Cụ thể, TP mong trung ương sẽ bổ sung vốn ODA cho 2 dự án trọng điểm từ nay đến năm 2020.
Trong đó dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) là 20.930 tỷ đồng, và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 là 8.582 tỷ đồng.
Theo TP, dù đã 3 lần kiến nghị Chính phủ bố trí đủ vốn cho các dự án trên, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) chỉ bố trí cho thành phố 11.517 tỷ đồng cho 2 dự án. Con số này chỉ đáp ứng được 39% tổng nhu cầu vốn ODA của TP.
“Với số vốn trên, thành phố rất khó hoàn thành tiến độ 2 dự án nêu trên đúng thời gian quy định” – ông Liêm cho hay.
Cũng theo ông, hiện nay khối lượng thi công các dự án đang đúng tiến độ cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí. Do vậy các nhà thầu thi công nhiều lần đề nghị thanh toán, nếu không sẽ ngưng thi công.
TP cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.
Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm, đồng thời đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng vào năm 2020, TP kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm 17.995 tỷ đồng cho 2 dự án nói trên.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho công tác giải ngân và tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ODA hàng năm, TP còn muốn Chính phủ chấp thuận việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án được thực hiện theo hiệp định đã ký kết và tiến độ của dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Bộ KH&ĐT bố trí thiếu hơn 3.300 tỷ so với nhu cầu
Riêng với vốn ODA dành cho tuyến đường sắt số 1 trong năm 2017, TP cũng kiến nghị được tạm ứng 3.303 tỷ đồng.
TP cho rằng nhu cầu vốn ODA ngân sách Trung ương cấp năm 2017 để xây dựng dự án này là 5.422 tỷ đồng, nhưng quyết định giao vốn của Bộ KH&ĐT chỉ bố trí 2.119 tỷ đồng (thiếu 3.303 tỷ đồng).
“Hiện nay, khối lượng thi công của dự án đang được đẩy nhanh, dự kiến đến tháng 7 sẽ hoàn thành giải ngân hết số vốn đã bố trí năm 2017” – báo cáo cho hay.
TP dựa vào công văn của Bộ KH&ĐT để đề nghị tạm ứng 3.303 tỷ đồng từ nguồn kế hoạch vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Trước đó công văn của Bộ KH&ĐT trả lời rằng: “Do hạn mức vốn nước ngoài Quốc hội phê duyệt năm 2017 của thành phố đã được phân bổ hết, trong trường hợp có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về ứng trước kế hoạch vốn đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ căn cứ đề xuất của thành phố, tiến hành tổng hợp, kiến nghị cho phép ứng trước kế hoạch trung hạn cho thành phố trong năm 2017”.
Đối với các dự án ODA, dự án quan trọng quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt dự án đầu tư trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, TP kiến nghị rằng nếu trong quá trình thực hiện dự án có phát sinh thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự án, thì đề nghị thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh sẽ là của Thủ tướng chứ không phải trình lại Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo cho Quốc hội tại phiên họp vào cuối mỗi năm.