Ngành than và bài toán tái cơ cấu
Ngành than đang bộc lộ nhiều bất cập khi mà áp lực về việc đảm bảo an ninh năng lượng ngày càng lớn. Nghịch lý ở chỗ, ngành này đang tồn kho hơn 8,5 triệu tấn than thì vẫn phải nhập khẩu một số loại than. Đã vậy, nhiều công ty con thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam lại đối diện với việc thua lỗ kéo dài…
Khai thác than tại Công ty cổ phần than Cọc Sáu. (Ảnh: Nguyên Lâm).
Thua lỗ
Thực trạng của ngành than những năm gần đây không mấy vui vẻ. Sản lượng khai thác than không được cải thiện qua nhiều năm trong khi chi phí đầu vào cao khiến giá thành sản xuất và bán than tăng cao hơn so với giá than nhập khẩu. Điều này khiến cho việc tiêu thụ than khó khăn, lượng than tồn đọng tăng cao, ảnh hưởng đến nền kinh tế, doanh thu chung của ngành cũng như thu nhập của người lao động.
Mặc dù báo cáo sản xuất kinh doanh 6 tháng năm 2017 của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn cho thấy những con số “đẹp”: Sản lượng than nguyên khai là đạt gần 20 triệu tấn, đạt 55,2% kế hoạch năm, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng than tiêu thụ đạt 18,03 triệu tấn dành cho tiêu thụ trong nước đạt 17,3 triệu tấn và xuất khẩu 686.000 tấn… Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt trên 53.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm và bằng 110% so với cùng kỳ 2016. Riêng doanh thu từ than đạt 27.025 tỷ đồng, đạt 50 % kế hoạch năm, cũng bằng 110 % so với cùng kỳ 2016…
Nhưng sự thật đằng sau những con số đẹp đó là cả một gánh nặng, một bài toán về sản xuất kinh doanh yếu kém chưa có lời giải. Bộc lộ rõ nhất của thực trạng này là ở con số thua lỗ hàng trăm tỷ đồng mà các công ty con của TKV đang “lãnh án”. Cụ thể, theo Kết luận thanh tra tài chính tại Tập đoàn TKV, năm 2015 trong số 50 công ty kinh doanh có lãi số tiền gần 655 tỉ đồng nhưng 9 công ty kinh doanh thua lỗ số tiền hơn 592 tỉ đồng và tính lũy kế đến 31-12-2015 đã có 11 công ty thuộc TKV thua lỗ hơn 1.407 tỉ đồng. Riêng TKV có đến 7 công ty thua lỗ lên tới hơn 124 tỉ đồng trong năm 2015. Tính lũy kế đến hết 2015, 12 công ty lỗ tới hơn 284 tỉ đồng.
Trong số những DN thua lỗ nặng nề phải kể đến là Tổng công ty Điện lực - Vinacomin với số lỗ khủng lên tới hơn 828 tỉ đồng.
Nói về thực trạng này, TKV cho là nguyên nhân chủ yếu là do phát sinh lỗ chênh lệch tỉ giá ngoại tệ lớn (từ năm 2005 - 2015 là hơn 3.043 tỉ đồng) nhưng chưa được tính hết trong cơ cấu giá bán điện. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ, phần lớn nhà máy phát điện của Tập đoàn thường xuyên gặp phải trục trặc do hỏng hóc vì sử dụng công nghệ của Trung Quốc, liên tục phải dừng hoạt động.
Rõ ràng, trên đây là những con số bộc lộ rõ nhất thực tế hoạt động của Tập đoàn hiện nay, cho thấy việc quản lý điều hành hoạt động của TKV trong thời gian qua đang rất “có vấn đề”. Đáng chú ý, thời gian qua ngành này tích cực đầu tư vào cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình khai thác từ mỏ lộ thiên, hầm lò và quy trình sàng tuyển, nhưng tổ chức sản xuất của ngành than chưa tốt, chỉ huy thiếu chặt chẽ, thiếu quyết liệt khiến cho năng suất lao động ngày càng suy giảm.
Sản lượng khai thác than không được cải thiện qua nhiều năm. (Ảnh: T.L).
Bài toán khó
Tổng kết 6 tháng đầu năm, lãnh đạo TKV dự báo thị trường than 6 tháng cuối năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đề xuất điều chỉnh lại số lượng than nhận của TKV từ 19,92 triệu tấn xuống 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV trong năm 2017.
Trong khi đó, nghịch lý ở chỗ mặc dù lượng than tồn kho của TKV còn ở mức cao (khoảng trên 8,5 triệu tấn) nhưng thời gian qua Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn than của nước ngoài. Đánh giá về thực tế này, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, TKV đã thiếu năng động trong công tác thị trường khi không kịp thời điều chỉnh giá bán than linh hoạt dẫn đến thực trạng tồn kho nhiều mà áp lực nhập khẩu vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, “trải lòng” về vấn đề này, đại diện TKV vẫn cho rằng, ngành than luôn cần phải có lượng than tồn kho dự trữ nhất định để đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia. Lượng tồn kho than không hẳn là do chất lượng than xấu, khó bán mà là định mức tồn kho được Nhà nước giao và hoàn toàn nằm trong định mức an toàn.
Đó mới chỉ là một khía cạnh. Cần phải nhớ rằng, ngành than đang sử dụng một lượng lao động rất lớn. Bởi vậy, nếu ngành này thua lỗ, sản xuất kinh doanh yếu kém cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn lao động cũng sẽ lao đao. Số liệu thống kê cho biết, tổng số lao động toàn Tập đoàn theo danh sách đến tháng 6-2017 là 108.800 người. Tiền lương bình quân 6 tháng ước đạt 9 triệu đồng/người/tháng, riêng sản xuất than đạt 9,6 triệu đồng/người/tháng.
Thế nhưng do sản xuất và kinh doanh than trong những năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn,TKV hiện đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu trong các đơn vị thành viên một lượng lao động đông đảo tại những đơn vị này. Theo đó, Tập đoàn đang yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiết giảm thêm 3.600 lao động chủ yếu làm công tác quản lý, phục vụ và phụ trợ, điều này cũng đang là bài toán nan giải cho TKV trong thời gian tới.
Theo tính toán của Chính phủ, cân đối than cho nhu cầu trong nước còn đủ nhưng đến năm 2020, Việt Nam phải nhập 20 triệu tấn than; năm 2025 sẽ nhập 50 triệu tấn và đến năm 2030, sẽ phải nhập từ 80 - 100 triệu tấn than... Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đây sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế, do đó Chính phủ yêu cầu TKV cần phải chủ động trong khai thác, trong nhập khẩu than để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước. Và chắc chắn với thực tế hoạt động của ngành than như hiện nay, bài toán về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vẫn sẽ là bài toán hóc búa chưa có lời giải.