Đơn giản thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Đây là khẳng định của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu tại Hội nghị đối thoại với 400 DN FDI về chính sách BHXH, BHYT do cơ quan BHXH Việt Nam tổ chức mới đây.
Doanh nghiệp trông đợi thủ tục thông thoáng.
DN FDI nợ hơn 1.200 tỷ đồng BHXH
Đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại các doanh nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam, báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, các DN FDI thực hiện tốt các quy định pháp luật và của BHXH Việt Nam về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH. Do đặc thù, lực lượng lao động của các DN chủ yếu là lao động trẻ nên các chế độ BHXH hưởng chủ yếu là chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe.
Đến hết năm 2016, tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 208.397 đơn vị, trong đó số DN FDI là 16.085 DN, chiếm 7,7% tổng số DN tham gia. Trong đó, riêng số thu BHXH, BHYT, BHTN của DN FDI là 71.670 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng số thu của khối DN (151.581 tỷ đồng). Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN khối DN là gần 9 triệu người, trong đó số lao động thuộc DN FDI là gần 3,8 triệu người, chiếm tới 42,9%... Tuy nhiên, vẫn còn một số DN FDI nợ BHXH. Đến hết năm, tổng số nợ BHXH của khối DN FDI vẫn còn cao, hơn 1.200 tỷ đồng (chiếm 3,9% tổng số phải thu của các DN cùng khối FDI).
Nguyên nhân chủ yếu là do một số DN gặp khó khăn, thậm chí phải giải thể, ngừng hoạt động; một số DN cố tình trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng vốn từ khoản thu BHXH của người lao động để đầu tư vào mục đích khác, thiếu hợp tác tích cực với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động, thậm chí còn có chủ DN bỏ trốn khỏi Việt Nam... Những hạn chế này làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện chính sách BHXH, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Từng bước tháo gỡ những vướng mắc
Nhằm tạo sự thuật lợi cho các DN FDI trong việc thực hiện chính sách chế độ BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đưa ra các giải pháp cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như: Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; Thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt thông qua phần mềm giao dịch điện tử, DN có thể kê khai và nộp hồ sơ BHXH cho cơ quan BHXH thông qua Cổng thông tin điện tử hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ. Tính đến hết năm 2016, BHXH Việt Nam cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 236.546 đơn vị... Ngành thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện quy trình, hồ sơ trong tất cả các lĩnh vực từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả chế độ theo hướng ngày càng giảm bớt các thủ tục, đơn giản các biểu mẫu, tiêu chí...
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn, trong thời gian qua ngành BHXH Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng quy trình công nghệ thông tin trong thực hiện giải quyết chính sách BHXH, BHYT cho người lao động và DN một cách nhanh chóng và hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi. Các hoạt động giao dịch qua mạng, và giao dịch trực tiếp đã được đánh giá cao. Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam cũng đã đưa Trung tâm giao dịch cổng thông tin điện tử về chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ DN tại khu vực phía Nam. Trung tâm này có nhiệm vụ tổ chức tập huấn, kê khai việc đóng, nộp BHXH, BHYT cho người lao động và DN. Tính đến nay đã có 98% các DN thực hiện theo mô hình này.
Thực tế kết quả khảo sát đối với 212 DN FDI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2017 về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại khu vực phía nam cho thấy, hầu hết các DN cho rằng, tác động của cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH thời gian qua giúp DN thuận lợi hơn rất nhiều trong thực hiện chính sách.