Đề giáo dục công dân: Phát huy điểm mạnh của đề Trắc nghiệm
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là năm đầu tiên thí sinh dự thi môn Giáo dục công dân. Theo nhiều thí sinh, đề thi trắc nghiệm Giáo dục công dân khá hay, nên tiếp tục được thi trong những năm kế tiếp.
Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Theo thí sinh Đinh Thị Vy Anh, thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức chia sẻ: Đề thi môn Giáo dục công dân có rất nhiều câu hỏi dễ. Việc đưa những câu hỏi tình huống vào cũng khá hay, giúp các thí sinh làm bài hào hứng hơn.
Theo Vy Anh, trong đề thi các câu hỏi khá sát với sách giáo khoa. Và cũng có khoảng 10 câu hỏi tình huống sát thực tế hàng ngày như tình huống về làm việc tại doanh nghiệp, vận đồng bầu cử để được thăng tiến đòi hỏi thí sinh có hiểu biết về pháp luật để trả lời...
Các câu hỏi đều có tình huống cụ thể nhưng nhiều thí sinh nhận định, đề thi muốn chuyển đến thông điệp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật cũng như luôn có tấm lòng nhân ái, bao dung thì hạnh phúc mới đến với mình.
Dựa trên một số mã đề thi, Tổ Giáo dục công dân – Hệ thống giáo dục Học mãi cũng đưa ra nhận xét: Đề xuất hiện nhiều tình huống thực tiễn, phát huy được điểm mạnh của hình thức thi trắc nghiệm.
Đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình SGK phổ thông lớp 12, các vấn đề và nội dung câu hỏi đều nằm trong phạm vi chương trình. Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời đề cũng có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài.
Về độ khó và sự phân bổ kiến thức: Tương tự như các môn thi khác, học sinh sẽ làm bài thi môn Giáo dục công dân trong 50 phút với 40 câu hỏi. Nhìn chung, đề thi được thiết kế làm nổi bật ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm, bám sát mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia là phủ rộng kiến thức, có độ phân hóa, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch.
Sự phân bổ mức độ câu hỏi cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kỳ thi với khoảng 24 câu hỏi đầu ở mức độ cơ bản thuộc các vấn đề: Công dân với các quyền tự do cơ bản; pháp luật và đời sống; thực hiện pháp luật….
Các câu còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt là 4 câu cuối cùng có độ khó hơn hẳn dùng để phân loại giúp các trường đại học có thể tuyển chọn được thí sinh. Về cơ bản, giữa các mã đề có sự lặp lại các câu hỏi khó nhưng có sự điều chỉnh thứ tự câu hỏi.
Mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi “khó”, “lạ”, là các câu có tính phân loại, dùng để lấy điểm 9, 10. Riêng với đặc thù môn Giáo dục công dân, các câu hỏi có tính phân loại thường rơi vào các tình huống thực tiễn, các vấn đề liên quan đến thực hành pháp luật như các câu 117, 118, 119 và 120 của các mã đề.
Các câu hỏi này là các tình huống rất gần gũi, thú vị với các em học sinh: vấn đề hôn nhân gia đình (câu 117, mã đề 303); vấn đề an toàn giao thông (câu 117 mã đề 311); vấn đề tự do ngôn luận trên mạng xã hội (câu 110 – mã đề 303); vấn đề bầu cử, ứng cử (câu 119 mã 304)…
Nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo. Tuy nhiên, điểm 10 về cơ bản sẽ không nhiều.
Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi có tính quốc gia đã góp phần cải thiện cái nhìn của xã hội với môn học vốn bị coi là “phụ” này. Đồng thời, cho thấy Bộ thực sự đang từng bước thực hiện lộ trình đổi mới, kiểm tra đánh giá học sinh một cách toàn diện.