Mạch ngầm văn hóa trong gia đình Việt
Nhiều bậc làm cha làm mẹ người Việt sinh sống ở nước ngoài tâm sự rằng, chính truyền thống kính già yêu trẻ, con cái vâng lời cha mẹ của người Việt là cứu cánh để dạy con cái nên người.
Mẹ chồng chị Diễm Ly luôn ủng hộ con dâu trong việc dạy dỗ con cái.
Nàng dâu thảo hiền
Kính trên nhường dưới, yêu thương, kính trọng cha mẹ chồng như chính cha mẹ đẻ, đó là cách chị Huỳnh Diễm Ly hóa giải được mối quan hệ khá phức tạp, tế nhị: Mẹ chồng - nàng dâu. Chị Ly cho biết, đã hơn 8 năm làm dâu xứ người tại Malaysia, xa gia đình bạn, bè, nơi chôn rau cắt rốn đến phương trời xa đúng là cực khổ trăm đường. Những khúc mắc dần dần đã được hóa giải nhờ một nàng dâu hết lòng vì gia đình nhà chồng.
Chị Ly kể, lúc mới lấy chồng, chị chỉ biết tiếng Anh, tiếng Malaysia biết bập bõm, điều này đã gây cho chị khá nhiều bất tiện. Trong khi đó, bố mẹ chồng không nói được tiếng Anh, để diễn đạt được ý mình cho mọi người không hề dễ. Nhưng chị đã học tiếng Malaysia để dễ dàng hòa nhập với gia đình nhà chồng.
Không chỉ học tiếng, chị còn học văn hóa bản địa, cố tìm hiểu nề nếp nhà chồng cũng như nết ăn ở của từng người để chiều theo ý thích của họ. Cũng phải mất khá nhiều thời gian, nhà chồng chị mới quen dần với sự có mặt của nàng dâu ngoại quốc.
Khi đã có “vị trí” nhất định trong gia đình nhà chồng chị Diễm Ly bắt đầu “công cuộc” làm cầu nối văn hóa Việt Nam - Malaysia. Việc quảng bá văn hóa Việt bắt đầu từ món ăn Việt.
“Lúc đầu mọi người chưa quen với cách ăn thanh đạm của người Việt, nhưng lâu dần, khi biết được lợi ích của việc ăn ít dầu mỡ các thành viên trong gia đình trở nên thích món ăn Việt Nam”, chị Ly kể lại.
Từ những món ăn đơn giản như canh rau, cá kho, rồi những ngày lễ lớn trong năm chị Diễm Ly trổ tài làm món ăn Việt cho gia đình nhà chồng thưởng thức. Bây giờ, ai nấy trong nhà đều nghiện các món Việt. Bữa cơm nào trên bàn cũng có chén nước mắm, thỉnh thoảng có cà pháo, mắm nêm chấm thịt luộc hay rau.
Một lần chị Ly đưa mẹ chồng về Việt Nam thăm nhà, mẹ chồng chị đã “phải lòng” luôn món bánh mỳ thịt. Sau này mỗi lần chị Ly về Việt Nam, mẹ chồng chị đều dặn mua bánh mỳ đem qua.
Điều làm chị Ly cảm thấy rất tâm đắc với mẹ chồng chị chính là bà luôn ủng hộ con dâu trong cách dạy dỗ con cái. Bà bảo, các cháu cần phải dạy ngay từ nhỏ, cái nào ba mẹ cho phép mới được đụng tới, còn không là tuyệt đối không. Tránh trường hợp cha mẹ chiều con cái quá, khiến con cái lấy cớ là cha mẹ phải thực hiện quyền trẻ em để rồi con trẻ sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.
Nhờ sự nghiêm khắc, sự quan tâm sát sao của những người lớn tuổi trong gia đình giờ những đứa con của chị Ly rất ngoan. Chúng học rất giỏi và đặc biệt luôn quan tâm đến các thành viên trong gia đình.
Gìn giữ bản sắc
Chia sẻ bí quyết dạy con cái ông Nguyễn Xuân Hùng, một việt kiều Đức cho biết: “Gia đình tôi bên Đức, con trai có bạn gái Đức. Thế hệ sau này dần dần pha trộn hai nền văn hóa. Các con của tôi còn giữ được nền nếp vì bố mẹ cố gắng nói với nó. Nhưng nhiều khi cũng phải chấp nhận sự pha trộn của văn hóa phương Tây.
Đến những đứa cháu thì càng mất dần. Tôi vẫn đau đáu, vẫn tin con cháu mình rồi nước chảy về nguồn mãi mãi là người Việt Nam. Gìn giữ văn hóa không có gì là đao to búa lớn. Đơn giản chỉ cần ngồi ăn với nhau bữa cơm tối. Các thành viên trong gia đình phải luôn nghĩ về nhau. Phải kính già yêu trẻ…
Theo ông Hùng, truyền thống, bản sắc văn hóa Việt trở thành cứu cánh, là bệ đỡ cho nhiều gia đình Việt trong việc nuôi dạy con cái. Điều này trở nên hữu ích hơn đối với việc dạy thế hệ trẻ ở những nước phát triển, khi mà không ít cha mẹ mất con trong chính gia đình của mình.
Không thể truyền văn hóa cho các thế hệ người Việt không được sinh ra tại Việt Nam, anh Trường Giang kiều bào ở Đức cho biết. Anh Giang nói ở Đức, có nhiều lớp dạy tiếng Việt ở thành phố lớn. Gia đình nào quan tâm thì các cháu nói tốt, còn bố mẹ bận mải công việc thì việc dạy con giữ gìn ngôn ngữ tiếng nói cũng có nhiều khó khăn. Nhiều khi bố mẹ bận con cái cũng không đến được các lớp tiếng Việt thường xuyên. Chính bố mẹ, chứ không phải là ai khác, phải truyền dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt sống xa quê.
Bà Chu Bích Ngọc đã hơn 30 năm sống ở Đức, có con dâu người Đức tâm sự: “Khi có dâu, tôi dặn dò con trai, phải dạy vợ truyền thống văn hóa Việt Nam. Có như vậy các thế hệ không được sinh ra trong nước mới có cơ hội “thưởng thức” văn hóa Việt. Theo đó, mỗi khi Tết đến bà Ngọc thường cùng con trai, con dâu hướng dẫn thế hệ thứ 2, thứ 3 đến chùa hiểu được tập quán của người Việt Nam.
Truyền thống của người Việt Nam trước tiên là nhớ đến tổ tiên, ông bà sinh thành ra bố mẹ mình, rồi đến bố mẹ mình rồi đến con cái. Tôi có ba cháu thì 2 cháu nói sõi tiếng Việt. Ở trường nói tiếng Đức nhưng về nhà phải nói tiếng Việt”. Anh Tony, kiều bào ở Mỹ chia sẻ rằng, với những người Việt tại Mỹ gia đình luôn là số 1.
Họ luôn trân trọng và duy trì những phong tục đón Tết cổ truyền. Họ thấy hạnh phúc khi được nghe những bản nhạc dân tộc cổ truyền, được ăn những món ăn đậm chất Việt ngày Tết. Càng sống xa quê họ càng thèm cảm giác ấm cúng.
“Tết là thời gian chúng tôi chung vui cùng gia đình và bạn bè, nhưng cũng là lúc chúng tôi nhớ đến ông bà tổ tiên. Coi Mỹ là đất nước của mình, nhưng chúng tôi vẫn bảo tồn truyền thống văn hóa Việt”- anh Tony chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Việt kiều Đức cho biết, giữ gìn văn hóa không phải là cái gì đao to búa lớn. Đơn giản chỉ là cùng ăn với nhau một bữa cơm; Các thành viên trong gia đình phải luôn nghĩ về nhau. Phải kính già yêu trẻ…. Theo ông Hùng, truyền thống, bản sắc văn hóa Việt trở thành cứu cánh, là bệ đỡ cho nhiều gia đình Việt trong việc nuôi dạy con cái khi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. |