Bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS
Trong tuần, lực lượng quân đội Iraq đã tiến quân tới tòa tháp nghiêng nổi tiếng của nhà thờ Hồi giáo al-Nuri trong thành phố Mosul, chỉ vài giờ sau khi nó bị phá hủy bởi những tay súng của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; khi mà chiến dịch tái chiếm đầy mất mát kéo dài 8 tháng qua bắt đầu đến thời điểm bước ngoặt.
Các thành viên lực lượng chống khủng bố Iraq trong giờ nghỉ tại khu phố cổ thành phố Mosul. (Nguồn: AFP).
IS sắp đi đến hồi kết
Việc nhà thờ nổi tiếng vốn được coi là biểu tượng một thời của đế chế khủng bố mà IS tạo nên bị phá hủy đã đánh dấu một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc chiến tiêu diệt tổ chức này, bên từng tuyên bố thành lập cái gọi là “Nhà nước Caliphate” tại chính nơi đây 3 năm trước. Hành động cố tình phá hủy nhà thờ trên được nhiều người xem như điềm báo trước về thất bại không thể tránh khỏi của IS.
Trên khắp vùng lãnh thổ phía Bắc của Iraq hiện nay, chỉ còn một phần nhỏ của khu vực phố cổ thành phố Mosul- nơi từng được coi là thành trì của IS ở Iraq cùng một khu dân cư là còn nằm trong tầm kiểm soát của IS. Các thị trấn lân cận như Tel Afar và Hweija, cả hai đều đang bị quân chính phủ khép chặt vòng vây, đã tạo nên vùng lãnh thổ hết sức nhỏ bé của nhóm phiến quân này, trái ngược với hình ảnh vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ Syria sang Iraq mà chúng đánh chiếm được trong thời điểm mạnh mẽ nhất giữa năm 2014.
Vận may của phiến quân IS đến nay dường như đã chấm dứt, các thành viên còn lại của tổ chức này đã bỏ trốn khỏi Iraq để sang các vùng sa mạc khô cằn của Syria. Dấu hiệu thất trận của chúng đến sớm đến nỗi giờ các phe phái tham chiến chống khủng bố đã bắt đầu lên kế hoạch cho một trận đánh quyết định xóa sổ IS diễn ra vào cuối năm nay, có khả năng là ở khu vực nằm gần biên giới Jordan- nơi mà IS đang nhắm tới.
Theo đuổi kế hoạch này là một loạt các nước liên quan từng tuyên bố chống lại IS, cũng như đang tham gia một số cuộc xung đột trong khu vực, và họ đang chờ đợi đến thời điểm để hợp nhất lực lượng. Nhưng cùng lúc, các bên tham chiến cũng bắt đầu tranh giành tầm ảnh hưởng trước viễn cảnh IS sẽ sớm sụp đổ, để lại một phần thưởng lớn đằng sau đó.
Các phe phái nhập cuộc
Nga, Iran và Mỹ hiện đang là các bên tham gia vào cuộc chiến chống IS trên lãnh thổ Syria và Iraq. Và trong lúc mà Mosul và cái gọi là thành trì của IS ở Syria- Raqqa- bắt đầu thất thủ, các lực lượng Iran và Mỹ hậu thuẫn đã đối đầu ít nhất 3 lần ở khu vực gần biên giới Syria.
Hồi cuối tuần trước, căng thẳng đã gia tăng tột độ khi một phi cơ chiến đấu của Mỹ bắn hạ một phi cơ của quân đội Syria ở vùng trời phía Bắc nước này, khiến Nga lên tiếng cảnh báo rằng sẽ coi máy bay Mỹ hoạt động ở khu vực phía Tây sông Euphrates như “mục tiêu”.
Washington sau đó cho rằng tiêm kích của họ chỉ hành động để bảo vệ các lực lượng mà họ hậu thuẫn dưới mặt đất đang chiến đấu chống IS ở khu vực xung quanh thành phố Raqqa.
Ngoài các lực lượng đang tham chiến như phe nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Nga; thì trong năm ngoái các lực lượng chủ chốt của người Kurd cũng tuyên bố thực hiện chiến dịch tái chiến thành phố Raqqa và các thị trấn lân cận. Điều này khiến Nga và các lực lượng chính phủ Syria không hài lòng và đưa ra nhiều hành động mạnh mẽ.
Thêm vào đó, Iran cũng đã đưa ra quan điểm trực tiếp bất thường về cuộc xung đột nhiều phe phái ở Syria bằng cách khai hỏa nhiều tên lửa đạn đạo từ lãnh thổ của họ, băng qua Iraq, tới thị trấn Mayadin của Syria, nơi được cho là các thủ lĩnh của IS đang tái tập hợp lực lượng.
Đòn tấn công trên đã đánh dấu lần đầu tiên chính quyền Tehran phóng tên lửa đạn đạo trong một cuộc chiến kể từ khi cuộc chiến Iran-Iraq kết thúc cách đây gần 3 thập kỷ.
Nó được xem là hành động đáp trả các vụ tấn công khủng bố mà IS thực hiện hồi đầu tháng này nhằm vào tòa nhà Quốc hội Iran và gần lăng mộ của lãnh đạo cách mạng Hồi giáo Ayatollah Khomenei.
Nhiều quan chức trong khu vực cũng xem hành động trên là còn có mục đích khác. Theo giới phân tích, Iran đang từ bỏ việc hậu thuẫn các lực lượng tham chiến và áp dụng cách tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này, cũng giống như điều mà Mỹ từng làm cách đó vài tuần khi tấn công trực diện các thành viên của tổ chức Hezbollah- một đồng minh thân cận của chính quyền Syria ở khu vực sát biên giới Tanf.
Sau khi bị Hezbollah đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm của mình, Mỹ ra sức bảo vệ các nhóm nổi dậy của Syria mà họ đang hậu thuẫn ở phía Đông nước này, và đã 2 lần bắn hạ các máy bay không người lái tiếp cận các cứ điểm. Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn chặn các lực lượng mà Iran hậu thuẫn- phần lớn là các thành viên của Hezbollah tiến về phía Đông sát biên giới Iraq, ngăn chặn Mỹ và các lực lượng đồng minh tiến tới Raqqa và ngăn chặn người Kurd di chuyển quá xa về phía Nam.
Người dân Mosul băng qua cầu phao quân đội để tới khu vực mà chính phủ Iraq kiểm soát. Nguồn: Reuters.
Khủng hoảng nhân đạo
Và như một hậu quả, hoạt động của quân đội đến từ 5 quốc gia: Syria, Iraq, Iran, Nga và Mỹ- cùng các đồng minh của họ đã làm tăng tỷ lệ xảy ra các cuộc đối đầu nguy hiểm.
Cũng bởi lo về khả năng đụng độ với các bên tham chiến mà quân đội các nước xao lãng việc tính toán cách tiêu diệt hoàn toàn phiến quân IS, hay hỗ trợ nhân đạo hàng trăm nghìn người tị nạn đang tháo chạy khỏi chiến sự, và cả chiến dịch sắp tới ở Deir ez-Zorand Mayedin, nơi mà IS đang có kế hoạch lấy làm cứ điểm tử thủ.
Con số người thiệt mạng vì cuộc chiến tái chiếm thành phố Mosul ở Iraq đã tiếp tục tăng cao trong tuần qua, khi quân đội nước này hộ tống nhiều gia đình bị mắc kẹt trong chiến sự đến nơi an toàn.
Hơn 860.000 người dân đã bỏ trốn khỏi thành phố này kể từ khi cuộc chiến tái chiếm nó bắt đầu vào ngày 17/10/2016. Hàng nghìn thường dân đã trở về với khu vực phía Đông thành phố sau khi nó được giải phóng, nhưng ước tính có khoảng 100.000 người vẫn đang bị mắc kẹt trong khu vực phố cổ Mosul, nơi mà các thành viên còn lại của IS lợi dụng họ làm lá chắn sống.
“Thêm 3 tuần nữa và chúng tôi sẽ hoàn thành chiến dịch này”- Hãng Independent của Anh dẫn lời một quan chức chiến dịch Iraq, cho hay. “Chúng tôi sẽ đẩy chúng xuống sông Tigris”.
Trước đó, hôm đầu tuần, hàng trăm thường dân ở Mosul đã đi qua đống đổ nát trong thành phố để đến vùng lãnh thổ mà chính quyền Iraq kiểm soát. Trong một số bức ảnh được công bố bởi các hãng truyền thông phương Tây là những bà mẹ bồng con trên tay, những người đàn ông cõng người già cả trên lưng…lần lượt đi khỏi khu vực có chiến sự.
Có nhiều người đi ra khỏi thành phố này trên cáng cứu thương, có người phải đi trên xe đẩy chở hàng trong siêu thị…từng người đều hiện rõ sự kiệt quệ trên gương mặt khi đến vùng an toàn do chính phủ Iraq lập nên.
Khi các cột khói vẫn còn bốc lên sau một đợt không kích, một người phụ nữ lớn tuổi trong chiếc váy trùm màu đen đã chạy về phía các binh sỹ Iraq và hôn lên má họ. Cách đó không xa, một người đàn ông trung niên đứng trên phố và khóc khi ôm cô con gái nhỏ tuổi.
“Chúng tôi phải chứng kiến những cảnh này mỗi ngày”- Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Iraq, nói. “Những con người này đã trải qua địa ngục. Và sau tháng lễ Ramadan, chúng tôi hy vọng cuộc sống của họ sẽ trở lại bình thường. Hy vọng rằng lời nguyền rủa này sẽ sớm rời khỏi Mosul”.