Thành phố Hồ Chí Minh: Kiểm soát thị trường bất động sản ảo

Thanh Giang 26/06/2017 09:35

Nói về nguy cơ thị trường bất động bị bong bóng, ông Lê Văn Khoa – Phó chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, TP. không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản. Bong bóng bất động sản chỉ xảy ra khi kinh tế phát triển nóng; chính sách tài chính – tín dụng lỏng lẻo; đầu tư thứ cấp chiếm tỷ lệ cao.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) cho biết, 6 tháng qua thị trường bất động sản TP phát triển ổn định. Dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn trong thời gian qua không biến động nhiều, luôn chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ. Lượng kiều hối về TP HCM trong 6 tháng đầu năm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 50 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê các năm qua thì có khoảng 1/5 lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Các nhà đầu tư vẫn tập trung và phát triển thị trường kinh doanh.

Với sự đầu tư, thu hút vốn này, thời gian qua đã phát triển thêm 4,92 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 157 triệu m2. Về thị trường nhà ở thương mại, trong 6 tháng qua đã có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai, với tổng số 16.506 căn.

Trong đó phân khúc cao cấp có 5.164 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp có 1.136 căn, chiếm tỷ lệ 31,1%; phân khúc bình dân chiếm tỷ lệ cao hơn 37,6% với hơn 6.000 căn. Dựa trên con số thống kê, HOREA cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư cơ cấu lại sản phẩm một cách kịp thời theo hướng tăng căn hộ vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu thật của thị trường.

Sự phát triển của thị trường nhà đất tại TP HCM trong thời gian vừa qua đã cho ra đời hơn 6.000 DN bất động sản, phần lớn hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bất động sản. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP cũng thống kê, 5 tháng đầu năm 2017, ngành bất động sản có số lượng DN thành lập mới chiếm tỷ lệ 50% trên tổng số doanh nghiệp. Bất động sản vẫn ngành được nhiều bạn trẻ khởi nghiệp quan tâm, trong đó có hai loại hình kinh doanh chính là kinh doanh dịch vụ bất động sản và hoạt động đầu tư sản phẩm bất động sản.

Mặc dù thị trường bất động sản TP HCM vẫn tăng trưởng và phát triển ổn định, song nhìn tổng thể số lượng nhà ở chào bán giảm so với cùng kỳ năm 2016. Phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần, nhưng phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%, có những chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong 6 tháng đầu năm nay.

“Khoảng 40.000 căn hộ dự kiến sẽ được mở bán trong năm 2017 và 2018 tại TP HCM, liệu “bong bóng” có thể xảy ra khi thị trường bất động sản tăng nhiệt?”, ông Greg Ohan, Giám đốc JLL Việt Nam đặt câu hỏi.

Theo ông Greg Ohan, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, luật sở hữu bất động sản cho người nước ngoài được nới lỏng đã tạo ra những tín hiệu tích cực cho thị trường. Giới chuyên gia bất động sản nước ngoài khẳng định, bất động sản thường trải qua qua bốn giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ, đó là phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng, đóng băng. Dường như Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu dịch chuyển từ giai đoạn tăng trưởng và sốt nóng. Hy vọng các nhà đầu tư và các chủ đầu tư ở Việt Nam sẽ không dựa vào doanh số bán hàng với niềm tin tiếp tục tăng để kiếm lợi nhuận.

Theo HOREA, nhìn toàn cục thị trường bất động sản thì vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số DN lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong lúc phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao thì cung không đủ cầu.

Thanh Giang