Trí thức kiều bào tham gia vào đào tạo nhân lực
Ngoài việc đầu tư trực tiếp về nước, không ít kiều bào sau nhiều năm tìm hiểu về môi trường đầu tư trong nước đã quyết định bỏ vốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực tiềm năng mà công tác đào tạo tại các trường ĐH, CĐ, THCN trong nước đang còn yếu hoặc thiếu thốn về cơ sở vật chất đào tạo…
Ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, ông từng có thời gian làm trong lĩnh vực ngân hàng và các dịch vụ tài chính liên quan, nên ông rất hiểu việc có nguồn nhân lực cao sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh như thế nào. Nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thế giới hiện nay là rất khốc liệt. Trong đó, mỗi một công nghệ trên thế giới chỉ đưa ra sau 6 tháng đã có thể lỗi thời, cho nên chuyện tìm kiếm công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực để sử dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh được đặt lên hàng đầu.
Ông Peter Hồng cũng nhìn nhận quỹ đất TP HCM dành cho các khu công nghệ cao, khu phần mềm và các lĩnh vực cần nhu cầu nhân lực cao là khá tương đối. Hiện nay mặt bằng để thu hút thì đã có thể đáp ứng, ngoài ra thành phố cũng có tới 163 trường để chuẩn bị cho chương trình phát triển nguồn nhân lực chất cao. Vấn đề còn lại là từng bước thành phố sẽ tìm kiếm mô hình giáo dục bài bản, vừa đào tạo vừa thực hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhân lực.
Khi làm việc với các DN đến từ tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, hiện nay TP HCM đang tạo dựng mọi cơ chế để thu hút đầu tư, cũng như khuyến khích xã hội hóa trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thành phố có “Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TP HCM đến năm 2020” theo quyết định số 2567/QĐ-UBND ngày 23/5/2017 và đang khuyến khích nhiều cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề tham gia vào.
Theo ông Nguyễn Trường Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM theo quyết định 2567 thì đến năm 2020 thành phố đặt mục tiêu đạt tỉ lệ lao động đang việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong số tổng lao động đang làm việc, với chất lượng đạt tiêu chuẩn của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Cụ thể, trình độ lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt khoảng 85 - 90%, ngoài ra tỉ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao cũng được nâng lên. Ngoài Hàn Quốc, hiện TP HCM cũng đang khuyến khích, có cơ chế cho các trường tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác về giáo dục và nghề nghiệp với các cơ sở giáo dục của Anh, Đức, Nhật Bản, Singapore, Malaysia,…
Với lực lượng này, tương lai không xa TP HCM sẽ xây dựng được đội ngũ nhân lực cao đủ đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu nghề nghiệp và cơ cấu kinh tế của thành phố.