Đặc sắc cây nêu

Tuyết Nhung - Chí Sơn 26/06/2017 19:25

Vừa qua, tại huyện miền núi Tây Giang, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức “Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam”, với sự tham gia của hơn 500 nghệ nhân thuộc 18 dân tộc anh em, là người đồng bào dân tộc thiểu số đến từ 14 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cây nêu trong Ngày hội người Cơ tu.

1. Có thể nói, đây là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tăng cường kế thừa và thực hành văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2017”.


Như chúng ta đã biết, cây nêu gắn bó thân thuộc với nhiều tộc người sống ở nhiều vùng miền khác nhau trên khắp đất nước. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cây nêu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có đặc điểm khá đa dạng tùy thuộc địa phương, phong tục, dân tộc, giai tầng xã hội của chủ nhân...

Với các dân tộc thiểu số, cây nêu thường trang trí theo hình thức tô tem giáo trên ngọn, chẳng hạn người Cor trang trí trên đỉnh vật tô tem là con chim chèo bẻo. Những vật treo trên cây nêu đều có tác dụng nhất định, như cá chép để Táo quân dùng làm phương tiện về trời nếu cây nêu được dựng lên từ 23 tháng Chạp, bùa ngải trừ tà, tiếng động của khánh đất để báo hiệu cho ma quỷ biết nhà có chủ không được vào quấy nhiễu…

Người Gia Rai trong lễ bỏ mả dựng cây nêu làm bằng cây gạo, trên ngọn treo nhiều lá bùa xanh đỏ bay phấp phới. Dân tộc Mường trồng nhiều loại cây nêu. Ngoài nêu chính (nêu lớn) được trồng ở giữa sân nhà còn có nhiều cây nêu khác nhỏ hơn, được cắm ở bếp, ngoài vườn, chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà, độn thóc. Trên cây nêu, người Mường treo nhiều công cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc… đan bằng tre nứa.

Trong khi đó, cây nêu của người Mông làm bằng 2 thân cây mai (một loại tre) to, già, thẳng, còn ngọn, có lá xanh, không bị sâu, với những nghi thức phức tạp khi chặt cây làm nêu, trồng nêu và bày đồ lễ khấn trước cây. Cả hai cây được chằng buộc để ngọn cây vút cong hướng về phía Tây, phía mặt trời lặn.

Cây mai nhỏ hơn (gọi là cây chồng) được buộc sát, chắc chắn vào cây mai to (cây vợ). Trên ngọn cây nêu của người Mông treo 3 đến 5 sải vải lanh đen (tuỳ cây nêu cao hay thấp) nẹp cành trúc, buộc thành cờ; và phía dưới sải vải lanh đen còn buộc 2 túm bắp ngô, 1 cụm lúa, 1 quả bầu nậm đựng rượu, ngoài ra còn có khèn, gậy…

Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp, trong khi đó cây nêu của người Mông vùng Tây Bắc được dựng trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng. Còn người Sán Dìu dựng cây nêu trong lễ cầu mùa.

Mùa thu, khi đã thu hoạch mùa màng xong, đồng bào Sán Dìu tổ chức lễ Đàn phàn (đại lễ cầu mùa màng) để tạ ơn trời đất và cầu mong sự bình yên cho người và gia súc, ngày đầu làm lễ dâng thóc giống mời các thần về, cầu hồn lúa đồng thời cúng trị các loại ma ác gây bệnh tật cho con người, phá hoại mùa màng. Sang ngày thứ hai thì bà con dựng cây nêu…

Mặc dù có sự khác nhau ở các dân tộc, song giới nghiên cứu cho rằng, tựu trung cây nêu đều có ý nghĩa nhân sinh cao đẹp và là hình tượng kiến trúc vừa là biểu tượng tâm linh của đồng bào dân tộc trên cả nước. Nghi lễ dựng cây nêu truyền thống là sự thể hiện lòng biết ơn của đồng bào dân tộc thiểu số với các đấng thần linh, thông qua cây nêu để cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa…

Bà con chuẩn bị dựng cây nêu.

2. Tại Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa diễn ra, các nghệ nhân đã tái hiện những nghi thức phục dựng cây nêu và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật từ nhiều vùng miền khác nhau gắn với đời sống tâm linh của 18 cộng đồng dân tộc: Cor (tỉnh Quảng Ngãi); Tà ôi, Cơ tu, Pa cô (Thừa Thiên-Huế); Ba na (Kon Tum); Gia rai (Gia Lai); Ê Đê (Đắk Lắk), Mơ nông (Đắk Nông); Raglai (Ninh Thuận); X’tiêng (Bình Phước); Mường (Thanh Hóa); Sán Dìu (Tuyên Quang); Tày (Thái Nguyên); Nùng (Lạng Sơn); Cơ tu (TP. Đà Nẵng), Cơ tu, Cor, Gié triêng, Xơ đăng (Quảng Nam).

Qua đó thể hiện ước vọng về đời sống tâm linh, về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của công đồng các dân tộc thể hiện sức mạnh đại đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc.

Qua nghiên cứu và tổ chức lễ hội năm nay, huyện Tây Giang tiếp tục đầu tư, hình thành một không gian nhằm quảng bá hình ảnh của 54 dân tộc anh em trong cả nước để trưng bày tại làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang. Đồng thời tăng cường công tác quảng bá để Tây Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong thời gian đến- Ông Bh’ling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết.

Ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là dịp để tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành phố quảng bá tiềm năng du lịch thông qua bản sắc văn hóa, nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Còn bà Nguyễn Thị Hải Nhung- Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTT&DL) cho rằng, Ngày hội với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên từ 14 tỉnh thành đã tái hiện lại hình thức, nghi thức đặc sắc nhất.

“Qua đó thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và nâng cao tinh thần dân tộc, tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó thúc đẩy giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân”, bà Nhung nhấn mạnh.

Với việc tổ chức Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu truyền thống và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số lần thứ nhất năm 2017 tại Quảng Nam đã góp phần bảo tồn giá trị văn hóa cho đồng bào dân tộc.

Riêng với các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân tham gia ngày hội lần này đều mong muốn nghi lễ dựng cây nêu truyền thống sẽ được thường niên tổ chức, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết của các dân tộc anh em và góp phần bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc.

Tuyết Nhung - Chí Sơn