Mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình: Những hiệu quả tích cực

Lê Vân - Hoàng Yên 26/06/2017 14:10

Ở kỳ trước, chúng tôi đã đề cập tới chuyện bạo lực gia đình xảy ra ngày càng phức tạp và tồn tại ở nhiều vùng miền. Số liệu của các cơ quan chức năng cũng chỉ ra, từ năm 2012 đến cuối năm 2016 cả nước xảy ra 127.258 vụ bạo lực gia đình; trong đó, nam giới chiếm 83,69% đối tượng gây bạo lực; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Rượu là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình.

1. Với đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở các tỉnh miền núi, tình trạng bạo lực gia đình cũng diễn biến phức tạp. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng số vụ bạo lực diễn ra trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) hẳn không phải là ít.

Đơn cử như tại tỉnh Bắc Kạn, theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2016 toàn tỉnh xảy ra hơn 160 vụ bạo lực gia đình, trong đó chủ yếu là bạo lực tinh thần và bạo lực thân thể (chiếm 97%). Hầu hết các vụ bạo lực gia đình đều xảy ra ở phụ nữ với các lứa tuổi khác nhau, tập trung nhiều ở các vùng nông thôn...

Do đó, tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền cũng đã vào cuộc để quyết liệt đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, mang lại những giá trị bình đẳng cho người phụ nữ, cũng như những người yếu thế và trẻ nhỏ.

Đặc biệt, gần đây, mô hình các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình đã được hình thành ở nhiều bản, làng dân tộc đã góp phần tích cực đẩy lùi thói vũ phu, gia trưởng, nghiện rượu… Như ở huyện miền núi Tam Ðường (Lai Châu) chẳng hạn.

Tại đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Đường đã thành lập các câu lạc bộ để tuyên truyền lồng ghép về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới và kết hôn cận huyết thống đến các xã có đông đồng bào DTTS… với gần 400 hội viên tham gia. Thống kê cho thấy, hiện nay đã có 10 trong số 14 xã của huyện Tam Đường tham gia với tổng số 50 câu lạc bộ thu hút gần 600 thành viên…

Xin được thông tin, hiện huyện miền núi Tam Ðường có hơn 11.100 hộ đồng bào DTTS. Cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, cho nên đồng bào chưa hiểu hết hậu quả của tình trạng bạo lực gia đình. Do đó, việc thành lập các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình là hết sức cần thiết.

Trong thời gian qua, với gần 100 buổi sinh hoạt, cấp gần 200 tài liệu tuyên truyền lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở các xã, thị trấn và thôn, bản vùng sâu, vùng xa đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhiều chị em phụ nữ, qua đó giảm dần số vụ bạo lực gia đình tại huyện miền núi này.

2. Tương tự như huyện Tam Đường của Lai Châu, Ba Tơ là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi với 85% dân số là đồng bào dân tộc H’re. Tại đây thời gian qua cũng đã tồn tại nhiều vụ bạo lực gia đình khiến đồng bào lo ngại nguy cơ ngày một gia tăng.

Đồng bào H’re ở Ba Tơ có thói quen uống rượu. Uống rượu nên rất khó kiểm soát các lời nói, hành vi. Vì vậy, có thể nói rượu cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình ở nơi đây có nguy cơ gia tăng.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương đã được tổng hợp lại thì từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Ba Tơ đã xảy ra 294 vụ bạo lực gia đình, trong đó, nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ 280 vụ, nam giới là 14 vụ.

Lo ngại về chuyện bạo lực gia đình gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, từ năm 2012, huyện Ba Tơ đã xúc tiến thành lập mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Để hoạt động hiệu quả, các câu lạc bộ này đặt ra mục tiêu phải trở thành địa chỉ tin cậy, biến những chuyện của riêng từng gia đình thành trách nhiệm chung.

Để từ đó, hóa giải những hiềm khích, mâu thuẫn trong gia đình bằng những phân tích, mổ xẻ thấu tình đạt lý, những lời khuyên can, tư vấn hay sự chia sẻ kịp thời có thể hóa giải khối mâu thuẫn tưởng đã “chất cao như núi”.

Đến nay, sau 5 năm triển khai, huyện Ba Tơ đã xây dựng thành công mô hình các câu lạc bộ này ở nhiều địa phương, trong đó có những mô hình mới, như “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực gia đình trên cơ sở giới”, “Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”.

Nhờ những câu lạc bộ hoạt động hiệu quả ở các khu vực như xã Ba Bích, xã Ba Cung, thị trấn Ba Tơ… mà tình trạng bạo lực gia đình ở địa bàn này đã có những chuyển biến tích cực.

3. Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh hiện có 135 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài việc phát huy hiệu quả trong can thiệp, hỗ trợ, hòa giải kịp thời khi có vụ việc xảy ra, các Câu lạc bộ còn đổi mới hình thức sinh hoạt, thu hút các thành viên tham gia.

Do vậy, đến nay, các Câu lạc bộ luôn duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự ở các địa phương.

Đơn cử như câu lạc bộ ở thôn Tiên Long (xã Đạo Trù-huyện Tam Đảo). Nơi đây gần 100% số dân là đồng bào DTTS, nhận thức của người dân còn có những hạn chế nhất định, do đó, tình trạng bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra, tệ nạn xã hội vẫn còn.

Từ năm 2008, Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình thôn được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, Câu lạc bộ đã góp phân tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của người dân.

Nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, an ninh trật tự trong thôn ổn định. Thống kê cho thấy, từ năm 2008 đến nay, số vụ bạo lực gia đình trong thôn đã giảm rõ rệt; riêng năm 2015 và 2016 không có bạo lực gia đình xảy ra.

Theo báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, từ khi có câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy, đường dây nóng, hầu hết các vụ bạo lực gia đình được phát hiện, các mâu thuẫn gia đình cơ bản được hòa giải ngay từ cơ sở. Nhiều câu lạc bộ thường xuyên củng cố, đổi mới hình thức sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương đã duy trì hoạt động đều đặn và hiệu quả.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường khuyên can đối thoại, kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của bà con dân tộc thiểu số…

Nhiều địa phương cũng vận dụng sáng tạo, đưa nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bổ sung vào hương ước, quy ước của các thôn, làng, tổ dân phố và nhân rộng nhiều mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần giảm thiểu các vụ bạo lực.

Hiện nay, ở Vĩnh Phúc đã xuất hiện nhiều Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững thị trấn Yên Lạc; Câu lạc bộ xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo; Câu lạc bộ xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc; xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường... Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 235 vụ bạo lực gia đình…

Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được hơn 700 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 229 đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhằm giúp đỡ, tiếp nhận, bảo vệ kịp thời các nạn nhân qua việc hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho họ.

Có thể nói, mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại một số địa phương đã có những tác dụng nhất định. Đây là mô hình hay, cần được nhân rộng, để góp phần đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, nhất là ở những vùng núi cao, nơi sinh sống của bà các các dân tộc thiểu số…

Lê Vân - Hoàng Yên