Những dự án giúp dân thoát nghèo
Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, những năm qua, cùng với các cấp chính quyền, Mặt trận tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, cải thiện bộ mặt thôn xóm ngày càng khang trang hơn.
Mô hình nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân xã Thung Nai (Cao Phong – Hòa Bình).
Những dự án giảm nghèo hiệu quả
Hòa Bình có 92 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 117 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 trong năm 2016. Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Văn Dực, có khoảng 2.000 thôn, bản, trong đó, có 36 thôn bản thuộc diện khó khăn nhất tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo rất cao, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu.
Thu nhập mức sống của người dân thấp chỉ đạt bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm. Có những thôn cá biệt con số này dưới mức 3 triệu đồng/người/năm, như thôn Kế, thôn Thuộc, thôn Thung Vòng. Trong đó, thôn Thung Vòng, xã Do Nhân, huyện Tân Lạc có tới 100% số hộ nghèo và cận nghèo.
Để nâng cao đời sống, giảm nghèo cho các thôn bản, đặc biệt là 36 thôn bản thuộc diện khó khăn nhất, cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh đã sáng tạo lồng ghép các nguồn lực để khắc phục khó khăn, đạt hiệu quả cao nhất cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Trước đó, năm 2014 tỉnh đã có đề án riêng về đầu tư, hỗ trợ cho 36 thôn, bản khó khăn nhất đến năm 2018. Sau một thời gian thực hiện, mặc dù đã được các cấp chính quyền đánh giá khá cao, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là đường giao thông nông thôn.
Cùng với đó, bằng các nguồn vốn như, vốn dự án giảm nghèo, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngành điện... tỉnh đã đầu tư xây dựng 24 công trình hạ tầng, bao gồm giao thông, cầu treo, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia là 100%; số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%.
Để giúp các hộ nghèo giảm nghèo hiệu quả, tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho bà con phát triển sản xuất với số vốn trên 6,8 tỷ đồng. Từ nguồn này đã có 60 mô hình sản xuất, kinh doanh được triển khai thực hiện như: Mô hình nuôi dê sinh sản, mô hình bò lai Shin, mô hình nuôi lợn rừng Thái Lan và mô hình nuôi ngan thịt cho 29 thôn, bản khó khăn nhất.
Cùng với trên 19 tỷ đồng từ nguồn vốn dự án giảm nghèo, vốn ngành nông nghiệp đã lồng ghép hỗ trợ các hộ nghèo giống cây trồng, giống vật nuôi, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật của các xã khó khăn nhất tỉnh. Đến nay, các mô hình đã mang lại hiệu quả cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Ông Xa Văn Quý, người dân xóm Dưng (xã Hiền Lương) - một trong những xóm đặc biệt khó khăn, cho biết, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án giảm nghèo, cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật gia đình tôi đã có điều kiện đầu tư nuôi 10 lồng nuôi cá tầm, cá ngạnh, cá trắm, cá chiên…
Giờ mỗi năm trừ chi phí cũng cho nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng, thoát được nghèo và có điều kiện mua sắm các thiết bị sinh trong gia đình. Xóm Dưng là 1 trong 36 thôn xóm đặc biệt khó khăn. Xóm có 50 hộ đồng bào sinh sống, thì có 12 hộ được hỗ trợ vay vốn nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện và đánh bắt thủy sản; cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhờ chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS, hàng nghìn hộ dân mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, chọn lựa mô hình sản xuất, kỹ thuật nuôi trồng, từ xuất phát điểm là hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, sản xuất đúng hướng và bền vững tạo thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ khá và giàu.
Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc diện hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hòa Bình đã hỗ trợ bằng tiền mặt, hiện vật cho hơn 1 triệu lượt người dân thuộc diện hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Các hộ nghèo có thể lựa chọn hình thức hỗ trợ bằng giống cây trồng, vật nuôi; phân bón hóa học hoặc muối i-ốt... |
Từng bước nâng cao đời sống của người dân
Để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, nhất là không để người nghèo cùng cực không có tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ, trong năm 2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện. Ở góc độ Mặt trận khi vận động quỹ Vì người nghèo tại địa bàn dân cư thì một phần số tiền vận động được trang trải cho người nghèo tại địa phương và những đối tượng nghèo đó sẽ phân công các tổ chức đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ.
Ông Bùi Đình Giót – Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hòa Bình cho biết: “Để đảm bảo dân chủ, công bằng khi tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo MTTQ thường phối kết hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để cùng giám sát. Ví dụ, khi hỗ trợ một hộ nghèo nào đó chúng tôi phải tổ chức họp khu dân cư để bình chọn.
Trong cuộc họp đó nhất thiết phải có Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng, phó thôn, trưởng ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chứng kiến và nếu được mới thông qua.
Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh tiếp tục chú trọng công tác phát triển kinh tế, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng và khai thác tiềm năng đất đai tại địa phương, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa...
Ngoài ra Ban Dân tộc tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng các mô hình nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào, bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định trên mọi lĩnh vực.
Cùng với các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng, hiện đã có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 20%.