Ba nước Đông Nam Á tiêu hủy lượng ma túy trị giá 1 tỷ USD
Myanmar, Thái Lan và Campuchia trong hôm 26/6 đã tổ chức tiêu hủy khối lượng ma túy trị giá lên tới 1 tỷ USD, nhằm thể hiện sự đồng lòng trong cuộc chiến chống lại nạn buôn lậu ma túy trong khu vực.
Giới chức Campuchia tiêu hủy ma túy để hưởng ứng ngày phòng chống ma túy thế giới. (Nguồn: AFP).
Vụ tiêu hủy nói trên cũng diễn ra trùng ngày phòng chống ma túy thế giới do LHQ khởi xướng, tiếp nối một năm cũ với các vụ thu giữ khối lượng ma túy kỷ lục từ các khu vực biên giới của Myanmar, Lào, miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Thái Lan.
Myanmar đặc biệt vẫn đang là quốc gia có lượng ma túy sản xuất lớn nhất thế giới, được xem là tàn dư đen tối từ nhiều thập kỷ nội chiến giữa một bên là quân đội chính phủ và bên còn lại là các lực lượng nổi dậy. Tại đây, các băng đảng vũ trang kiểm soát số lượng lớn cánh đồng thuốc phiện, heroin và cần sa cùng hàng triệu viên thuốc methamphetamine (còn gọi là yaba), và tuồn ra nhiều nước Đông Nam Á.
Trong hôm đầu tuần, một lượng thuốc phiện ước tính trị giá khoảng 385 triệu USD đã bị tiêu hủy trong 3 sự kiện chính thức ở Myanmar. Trong vụ tiêu hủy lớn nhất ở Yangon, các cột khói lớn đã bốc lên khi chính quyền bắt đầu đốt các bánh thuốc phiện, cocain và methamphetamine dạng viên với trị giá 230 triệu USD.
“Chúng tôi đã tiêu hủy số lượng ma túy kỷ lục trong hôm nay… bởi cảnh sát đã thu giữ được rất nhiều trong những năm gần đây” - ông Myo Kyi, một quan chức chống ma túy của Myanmar, nói với hãng tin AFP.
Tại vùng ngoại ô của thủ đô Bangkok, chính quyền Thái Lan cũng đã tổ chức tiêu hủy lượng ma túy có giá trị ước tính 589 triệu USD, bao gồm 7.800 kg viên yaba và 1.185 kg ma túy đá. Và ở Campuchia, giới chức cũng đã tổ chức tiêu hủy 130 kg thuốc phiên có giá trị ước tính 4 triệu USD.
Các vụ bắt giữ số lượng lớn ma túy thường được xem như bằng chứng cho thấy nguồn ma túy ở các nước này đang tìm đường tiến vào nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, các cơ quan hành pháp thừa nhận rằng chúng chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi, bởi sản xuất ma túy đã tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng trong khu vực Nam Á, đặc biệt là ở Bangladesh và Ấn Độ.
Và không giống như ở các nước Mỹ Latin, các thủ lĩnh băng đảng ma túy ở khu vực Tam giác Vàng thường hiếm khi bị bắt giữ hay xử tử.