Mỹ, Ấn Độ bàn về hợp tác trong bối cảnh nhiều khác biệt
Gần 6 tháng kể từ sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng trong hôm đầu tuần, với 3 trọng tâm thảo luận được chú ý nhất gồm vấn đề nhập cư, chính sách kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ được dự báo là đầy khó khăn. (Nguồn: NBC).
Trong chuyến công du Mỹ lần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đại diện cho một trong số những nền kinh tế lớn đang có đà phát triển nhanh nhất thế giới và một thị trường mà các công ty Mỹ đang tìm cách lách vào. Cuộc gặp gỡ của ông với Tổng thống Trump tiếp nối cuộc họp của ông với các lãnh đạo kinh tế hàng đầu của nước Mỹ.
Theo giới phân tích, bất chấp triển vọng hợp tác giữa hai nước, thì hiện nay quan hệ song phương Mỹ-Ấn vẫn đang khá căng thẳng và cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo sẽ khó diễn ra suôn sẻ.
Vấn đề nhập cư
Ấn Độ hiện được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ một trong số các thị thực làm việc mà Mỹ cung cấp, diện thị thực H-1B. Thị thực này chiếm tới 70% tổng số thị thực được trao hàng năm, và phần lớn trong số chúng đến tay các nhân công đến từ ngành công nghiệp công nghệ trị giá 150 tỷ USD của Ấn Độ.
Tuy nhiên, thị thực H-1B đã trở thành một vấn đề hết sức nhạy cảm dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, người từng liên tiếp cáo buộc các công ty công nghệ ở Mỹ đã lợi dụng chương trình thị thực này để thay thế nhân công Mỹ bằng nhân công nước ngoài có giá thuê rẻ hơn.
Khẩu hiệu “Mua hàng Mỹ, Thuê nhân công Mỹ” mà Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 4 vừa qua đã kêu gọi xem xét lại toàn diện thị thực H-1B. Viễn cảnh Mỹ sẽ sớm rút loại thị thực này hiện đang khiến các công ty gia công phần mềm ở Ấn Độ hết sức lo ngại.
Bởi vậy mà trong chuyến công du lần này, ông Modi có khả năng cao sẽ nhắc lại quan điểm của chính phủ Ấn Độ rằng nhân công công nghệ của Ấn Độ là yếu tố cần thiết để giải quyết vấn đề nhân công thiếu kỹ năng ở Mỹ. Tuy nhiên, lời chỉ trích đối với chương trình thị thực H-1B không chỉ dừng lại ở Tổng thống Trump.
“Vấn đề này luôn là một khúc mắc khó giải quyết giữa Mỹ và Ấn Độ” - Alyssa Ayres, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là một chuyên gia phân tích về Nam Á tại Ủy ban Đối ngoại Mỹ, cho hay - “Tổng thống Trump đang đưa ra một quan điểm mà tôi cho rằng nhiều người cũng đang có, tức chương trình H-1B không còn có tác dụng nữa”.
Xung đột về chính sách
Kể từ khi lên nắm quyền trong năm 2014, Thủ tướng Modi đã luôn nỗ lực củng cố ngành chế tạo của Ấn Độ, dưới một chương trình có tên gọi “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ). Chính phủ của ông đã liên tục khuyến khích các công ty nước ngoài đặt cơ sở sản xuất ở nước họ, và rất nhiều công ty - trong đó có nhiều công ty hàng đầu của Mỹ - đã làm vậy.
Tập đoàn Apple mới đây cũng bắt đầu mở cơ sở lắp ráp điện thoại iPhone ở Ấn Độ, trong khi nhà chế tạo vũ khí Lockheed Martin cũng cho hay sẽ chế tạo và xuất khẩu mẫu phi cơ F-16 ở nước này nếu như giành được một thỏa thuận lớn với Không quân Ấn Độ. Hãng Ford hồi tháng 11 năm ngoái cũng tuyên bố rằng họ sẽ là hãng sản xuất xe hơi đầu tiên nhập khẩu xe hơi từ Ấn Độ về Mỹ, bắt đầu từ năm 2018.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra sự đụng độ giữa “Make in India” và lời cam kết “America First” (Nước Mỹ trên hết) mà ông Trump đưa ra nhằm tạo cơ hội việc làm, là rất cao. Tổng thống Trump từng chỉ trích các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Mexico, Trung Quốc và Đức, nhưng lại chưa đề cập tới Ấn Độ.
Nhưng điều đó có thể thay đổi nhanh chóng, bởi mục tiêu giảm thâm hụt thương mại mà ông Trump đề ra có thể sớm đặt Ấn Độ - hiện đang hưởng mức thặng dư thương mại 24 tỷ USD so với Mỹ - vào tầm ngắm. Ngoài ra, Thủ tướng Modi khó có khả năng gỡ bỏ các rào cản nhập khẩu.
Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu có thể không nằm trong chương trình thảo luận chính thức, nhưng lại là là vấn đề có thể gây căng thẳng giữa Ấn Độ và Mỹ. Ấn Độ, cùng với Trung Quốc, hiện đang nhắm tới vị trí dẫn đầu thế giới bước vào một tương lai bền vững sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi đầu tháng này.
Tổng thống Trump đã chỉ đích danh Ấn Độ khi đưa ra quyết định đó, chỉ trích nước này vì đã yêu cầu “nhiều tỷ USD” tiền viện trợ nước ngoài để ký kết thỏa thuận Paris. Ấn Độ sau đó phản bác, nói rằng tuyên bố của ông Trump là “không thực tế”.
Trong lúc Tổng thống Trump cam kết sẽ mang cơ hội việc làm trở lại với ngành công nghiệp than của mỹ, chính phủ ông Modi lại đặt ra hàng loạt mục tiêu năng lượng tái sinh đầy tham vọng - trong đó gồm cam kết sẽ chỉ cho phép bán xe hơi chạy bằng điện trong năm 2030.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cả hai quốc gia vẫn hoàn toàn có cơ hội vàng để hợp tác mà bỏ qua những khác biệt. Kế hoạch tương lai trong sản xuất xe điện và năng lượng bền vững sẽ khiến Ấn Độ cần có thêm nhiều đối tác, trong khi Mỹ cũng cần có đối tác thương mại để tạo thêm cơ hội việc làm.