Ai bảo vệ người tố cáo?

H.Vũ 27/06/2017 08:00

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) được thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa qua cho thấy, hiện vấn đề được đặt ra chính là cơ chế bảo vệ hữu hiệu người tố cáo nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên quy định này chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri cũng như thực tiễn cuộc sống.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Hội trường Quốc hội, ngày 13/6. Ảnh: Quốc Anh.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định bảo vệ người tố cáo là một nội dung rất quan trọng nhưng Dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo, chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này, chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo. Cho nên cần phải nghiên cứu hoàn chỉnh thêm.

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), việc bảo vệ người tố cáo của chúng ta là cơ chế chưa hoàn chỉnh. Cho nên người bị tố cáo vẫn bị trù dập. Và thực tế có nhiều người bị trù dập như vụ Đồ Sơn nên băn khoăn của dư luận về vấn đề này là đúng do đó cần nghiêm túc để xem xét, nghiên cứu.

“Hiện nay, chưa có cơ chế hữu hiệu nào để bảo vệ người tố cáo. Ví dụ, việc giữ bí mật cũng là một cách để bảo vệ người tố cáo, nhưng khi thông tin của người tố cáo bị rò rỉ thì phương án bảo vệ như thế nào là không có, như bảo vệ tại nhà hay đưa họ đi đâu để bảo vệ người tố cáo. Do vậy, cần phải có một quy định cụ thể, rõ ràng trong việc bảo vệ người tố cáo và quy định xử lý vụ việc người tố cáo bị tiết lộ. Nếu không có quy định như vậy sẽ khó xử lý những trường hợp tiết lộ danh tính người tố cáo và người dân sẽ không dám tố cáo những việc làm sai trái”- ông Nhưỡng lo ngại.

TS Phạm Gia Yên- nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng nhìn nhận, quy định về cơ chế bảo vệ người tố cáo như Dự thảo là quy định rất đầy đủ. Nhưng xét về góc độ thực tế thì điều này chỉ có thể xảy ra đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người tố cáo và những người thân của họ là bằng chứng duy nhất để phục vụ công tác điều tra xét xử. Và cơ chế bảo vệ đó chỉ có Bộ Công an thì mới tổ chức thực hiện được. Còn lại đối với các cơ quan khác khi ra quyết định bảo vệ người tố cáo thì rất khó thực hiện.

Ông Yên phân tích: Một vị Bộ trưởng khi ra một quyết định bảo vệ người tố cáo thì các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo như cơ quan Công an, các cơ quan khác như Dự thảo quy định là khó thực hiện. Như vậy nên chăng dự thảo cần quy định rõ là cơ quan Công an cấp nào? Cấp phường, cấp quận, cấp thành phố.

“Trong trường hợp các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ người tố cáo không triển khai bảo vệ, hoặc bảo vệ không hết trách nhiệm mà người tố cáo bị trả thủ thì trách nhiệm đến đâu? Nếu không quy định được như vậy, thì sẽ không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo khi có quyết định của người có thẩm quyền, đặc biệt những người đó lại là những người ở cơ quan dân sự”- ông Yên nhìn nhận và cho rằng, trong trường hợp, người thân của người tố cáo công tác ở các cơ quan khác, vậy thì người có thẩm quyền cơ quan khác là ai? Trong trường hợp người có thẩm quyền của cơ quan khác mà có người thân của người tố cáo bị trả thù, bị ảnh hưởng về sức khỏe, tài sản, tính mạng thì ai chịu trách nhiệm, cũng cần phải quy định rõ, có như vậy thì Luật mới đi vào cuộc sống.

Nói như lời ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) thì với việc giữ bí mật thông tin của người tố cáo, theo quy định của Luật yêu cầu phải ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của người tố cáo và gửi đúng đến cơ quan giải quyết tố cáo, nhưng thực tế rất nhiều đơn gửi đến không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết, như vậy có thể sẽ làm lộ bí mật, khó bảo vệ người tố cáo.

Trong khi đó, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, về cơ bản Luật đã đề ra được những giải pháp, nhưng cần phải bàn để đáp ứng được yêu cầu bảo vệ người tố cáo. Hơn ai hết, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thường xuyên theo dõi nếu có trường hợp người tố cáo bị trả thù thì phải xử lý nghiêm minh. Nên để cơ quan Công an là lực lượng bảo vệ người tố cáo vì hơn ai hết cơ quan Công an là lực lượng bảo vệ sự bình yên của người dân.

“Nhưng ở đây, không chỉ bảo vệ người tố cáo mà còn phải có cơ chế để bảo vệ người đi giải quyết tố cáo. Bởi thực tế, có nhiều cán bộ thanh tra đi giải quyết tố cáo đã bị hành dung, đe dọa. Cho nên, Dự thảo luật cần bổ sung các quy định để bảo vệ người đi giải quyết tố cáo”- ông Cường bày tỏ.

Còn ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc bảo vệ người tố cáo mặc dù thuộc trách nhiệm cơ quan nhà nước nhưng cũng phải quy định rõ ràng, phải có tính khả thi, cần có quy chế rõ ràng trong công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ người tố cáo.

H.Vũ