Không dừng ở lời nói
“Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng lại ở lời nói. Chính phủ kiến tạo phải được chuyển hóa thành hành động từ các ngành, các cấp, từ các tư lệnh ngành và lãnh đạo tất cả các địa phương”- thông điệp này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, ngày 25/6. Hiệu quả của những hành động thiết thực chính là khoản đầu tư kỷ lục mà Hà Nội đã thu hút được từ các doanh nghiệp.
Đã có 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74.370 tỷ đồng cùng với các biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134.790 tỷ đồng đưa số tiền thu hút đầu tư lên tới hơn 200.000 tỷ đồng là kết quả của việc thu hút đầu tư của TP Hà Nội được tổ chức cuối tuần qua.
Vì sao môi trường đầu tư của Hà Nội được cho là quá khắt khe với doanh nghiệp (DN) nhưng lại được chính các DN mạnh tay đầu tư một khoản tiền lớn như vậy?
Điều này được Thủ tướng đánh giá: “Tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ đã nhận được sự hưởng ứng sâu sắc, mạnh mẽ từ cộng đồng DN. Những chuyển biến tích cực gần đây ở nhiều địa phương nhất là tại Hà Nội đã tạo niềm tin và hi vọng của cả nước”.
Thủ tướng cho biết, mới đây có DN đã chia sẻ với ông rằng một lãnh đạo của Hà Nội đã giải quyết thấu đáo một vướng mắc mà DN gặp phải chỉ trong 1 ngày, sau 1 tin nhắn của DN.
“Đó chính là hành động kiến tạo của lãnh đạo địa phương. Qua ví dụ này, tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sát với các quyết sách từ Chính phủ và Trung ương. Người dân, DN mong mỏi sự chuyển biến cả hệ thống từ Trung ương tới xã phường”- Thủ tướng nói.
Không chỉ Hà Nội mà rất nhiều địa phương khác cũng nhanh chóng “nhập cuộc” gỡ bỏ những rào cản. Chẳng thế mà tại các hội nghị xúc tiến đầu tư tại các tỉnh như Quảng Nam, Bình Thuận, Thanh Hóa được tổ chức mới đây rất nhiều chứng nhận đầu tư với số vốn khổng lồ đã được ký kết.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư lên tới 135.300 tỷ đồng.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam, tỉnh này đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư cho 33 dự án đầu tư với tổng vốn 15,8 tỷ USD. Ngay cả Bình Thuận, một tỉnh khó khăn, khó thu hút nhà đầu tư cũng có tới hơn 120.000 tỷ đồng được các nhà đầu tư cam kết đầu tư.
Rõ ràng một Chính phủ kiến tạo, hành động, đồng hành cùng DN đã không còn dừng ở lời nói mà đã biến thành hành động cụ thể. Nói như nhiều nhà đầu tư tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” thì DN, nhà đầu tư tìm thấy những cơ hội lớn không chỉ của một TP có nhiều lợi thế, tiềm năng, mà còn thấy được sự trân trọng, cầu thị của Hà Nội trong việc mời gọi các dự án. Sự trân trọng DN, coi DN là lực lượng chính làm ra của cải cho đất nước, để rồi hệ thống chính quyền các cấp phải tìm mọi cách gỡ rào cản, tạo đà cho DN phát triển đang được đẩy mạnh.
Giao nhiệm vụ cho Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “Hà Nội phải là nơi gieo mầm những ước mơ khởi nghiệp kinh doanh, những hoài bão xây dựng sự nghiệp có tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới quốc gia”.
Và “để thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn được những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa, chính quyền TP cần hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối, đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia của người dân, DN trong nước và quốc tế vào mục tiêu Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bản sắc, hướng tới một thành phố toàn cầu, một Thủ đô có vị thế nổi bật trong ASEAN và rộng hơn”.
Thông điệp gỡ khó, thu hút nhà đầu tư, đảm bảo tạo môi trường ổn định để các nhà đầu tư yên tâm điều này đã được Thủ tướng nhấn mạnh tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, đặc biệt cuộc đối thoại của Thủ tướng với đại diện các DN diễn ra mới đây.
“Các nhà đầu tư, DN yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ là phải xây dựng môi trường kinh doanh tốt, thân thiện, có năng lực cạnh tranh cao. Môi trường kinh doanh không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà cả an toàn đối với người đầu tư kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí, giao dịch thấp, mà cả rủi ro thấp; không chỉ kiểm soát độc quyền kinh doanh, mà còn chống buôn lậu, chống hàng nhái, hàng giả một cách hiệu quả, bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Môi trường kinh doanh không chỉ được khuyến khích, hỗ trợ mà còn được tôn trọng, vinh danh và bảo vệ”.
Cam kết của Thủ tướng đã được hiện thực hóa bằng các chính sách cụ thể như Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tránh thanh kiểm tra chồng chéo “hành” DN đã được người đứng đầu Chính phủ ký ban hành ngay tại Hội nghị Thủ tướng với DN. Qua đó đã phần nào dẹp được vấn nạn cán bộ kiếm cớ kiểm tra hành DN trong suốt thời gian qua. Hay Nghị quyết 19 tiếp tục những quyết sách cụ thể để giảm chi phí, giảm giấy tờ, giảm đi những gánh nặng đang đè nặng DN đã được cộng đồng DN đánh giá cao.
Đánh giá về cam kết của Chính phủ với cộng đồng DN, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cho rằng: “Chính phủ đã ngày càng thể hiện sự quyết liệt trong điều hành với quyết tâm thay đổi thể chế, môi trường kinh doanh cho DN. Món quà Chính phủ đem đến cho DN không gì lớn hơn là tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, đồng hành cùng DN, được thể hiện qua những hành động cụ thể. DN không cần những nâng đỡ, hỗ trợ như bầu sữa, mà cần một thể chế, môi trường tốt để kinh doanh”.
Để cộng đồng DN nhập cuộc mạnh hơn nữa, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, có 3 yếu tố đang là lực cản, đó là chính sách không ổn định, thủ tục hành chính có cải cách nhưng còn chậm trễ, những gánh nặng về thuế, phí đè nặng DN cần nhanh chóng được gỡ bỏ. “Chừng nào đảm bảo được sự ổn định của chính sách, đảm bảo sự thuỷ chung của chính quyền với DN thì lúc đó DN mới yên tâm rót vốn đầu tư lâu dài”- nói như ông Vũ Tiến Lộc, và điều này cần câu trả lời hết sức thực tế từ chính quyền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Các nhà đầu tư, DN yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ là phải xây dựng môi trường kinh doanh tốt, thân thiện, có năng lực cạnh tranh cao. Môi trường kinh doanh không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà cả an toàn đối với người đầu tư kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí, giao dịch thấp, mà cả rủi ro thấp; không chỉ kiểm soát độc quyền kinh doanh, mà còn chống buôn lậu, chống hàng nhái, hàng giả một cách hiệu quả, bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Môi trường kinh doanh không chỉ được khuyến khích, hỗ trợ mà còn được tôn trọng, vinh danh và bảo vệ”. |