Giản dị như y đức
Sự kiện vừa xảy ra ở Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), 4 nhân viên y tế đã tình nguyện hiến 4 đơn vị máu để cứu sống một sản phụ. Và đây, đương nhiên không phải lần đầu tiên các y bác sĩ tình nguyện hiến máu cứu sống bệnh nhân. Hóa ra, y đức đôi khi là những điều cực lặng thầm và giản dị.
Nhóm CBNV y tế hiến máu thăm hỏi bệnh nhân vừa được cứu sống. (Nguồn: Báo Hà Tĩnh điện tử).
Cụ thể, ngày 24/6, sản phụ Nguyễn Thị Hường (37 tuổi), trú xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, được gia đình đưa đến nhập viện trong tình trạng thai đủ tháng, có thể sinh. Tại đây, sản phụ sinh ra một bé trai nặng 3,2kg. Tuy nhiên, sau khi sinh, sản phụ bị chảy máu âm đạo nhiều, mặc dù các bác sỹ đã can thiệp nhưng tình hình không khả quan.
Trước tình trạng của sản phụ, ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên đã quyết định chuyển bệnh nhân mổ cấp cứu. Các bác sỹ đã cắt tử cung bán phần, để lại 2 phần phụ và tiến hành hồi sức cấp cứu. Điều đáng nói trong quá trình mổ, sản phụ bị mất máu nhiều, bệnh viện phải huy động 8 đơn vị máu để bổ sung. Trong đó, có 4 đơn vị máu là do 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên tình nguyện hiến.
Trường hợp của sản phụ Hường bị đơ tử cung sau khi sinh, nếu không được cấp cứu kịp thời, sự quyết đoán của các bác sỹ và sự tin tưởng của người nhà thì sản phụ rất dễ nguy hiểm tính mạng. Sự việc nhân viên y tế hiến máu cứu sống bệnh nhân xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Cẩm Xuyên vừa rồi không phải là hi hữu.
Ngày 6/5/2016, bốn bác sĩ và y tá Bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã hiến 1.200 ml máu cứu bệnh nhân Lê Thị Dung bị đa chấn thương do trâu húc qua cơn nguy kịch. Khi ấy nhóm máu của bà Dung là nhóm máu AB rất hiếm, trong khi nguồn dự phòng trong ngân hàng máu sống của bệnh viện không có. 3 bác sĩ và một y tá của bệnh viện trùng nhóm máu AB nên đã tình nguyện hiến tặng mỗi người một đơn vị máu (tổng cộng 1.200 ml máu) để truyền cho bà Dung.
Ngày 6/7/2016, 3 bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hiến máu cứu sống sản phụ Võ Thị Lượng vì bị mất máu nặng. Trong quá trình phẫu thuật lấy thai, sản phụ bị mất máu nặng cần phải được truyền 5 đơn vị máu (nhóm máu O) cấp cứu để cứu sống mẹ và bé. Tuy nhiên lượng máu dự trữ của bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị trong khi đó người nhà không có ai trùng với nhóm máu của sản phụ Lượng. Điều đáng nói trong vụ việc này là người hiến máu cho bệnh nhân chính là các bác sĩ đang có mặt trong phòng phẫu thuật. Các bác sĩ sản Nguyễn Viết Thọ, Lâm Phúc Công và bác sĩ gây mê Trương Ngọc Anh đã hiến trực tiếp 3 đơn vị máu. Nghĩa là họ đã hiến máu trong tình trạng đang cầm dao mổ…
Kể ra một vài sự việc như trên, để hình dung trong trùng điệp những việc, những người đang diễn ra mỗi ngày trong nghề y phần lớn là thầm lặng. Y đức không to tát như những phát ngôn, y đức mà thường là giản dị.
Nhưng những điều tử tế như vậy, tiếc thay, lại đối nghịch với một vụ việc khác, cũng vừa mới xảy ra. Các cơ quan chức năng đã tìm ra nguyên nhân khiến các bệnh nhân chạy thận tử vong. Sự vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm với tính mạng người bệnh ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình khiến dư luận phẫn nộ.
Đó là điều đáng tiếc khi giữa mạch chảy chính là hàng ngàn, hàng vạn bác sĩ ngày đêm tận tâm trị bệnh cứu người, những tiêu cực của ngành y, không thể phủ nhận, là đã và đang tồn tại. Mà ở đời, việc đúng, việc tốt lại ít người biết tới; việc xấu thì dễ lan nhanh. Tiếng lành chưa chắc đồn xa, nhưng tiếng dữ nhất định đồn xa. Dư luận bởi thế dễ sinh ra định kiến. Tới mức gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những trường hợp bác sĩ bị người nhà tấn công. Và bác sĩ, vốn là một nghề đáng được trọng vọng, đã trở thành nghề nguy hiểm một cách xót xa.
Vậy thì làm thế nào để thay đổi tất cả những hiện trạng ấy để xã hội hiểu đúng và khác đi về nghề y. Chắc chắn không phải chỉ bằng cách bắt bác sĩ chào bệnh nhân mỗi buổi sáng. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ bằng vào những điều tử tế được nhân lên, cuồn cuộn chảy như một mạch nguồn chính, và bớt đi mỗi ngày những vô trách nhiệm, những sơ xảy.
Ngành y là một nghề nghiệp được trọng vọng ở bất kì xã hội nào. Và y đức buộc phải có để tương xứng với sự trọng vọng ấy. Trong thực tế, điều đó vẫn được các y bác sĩ tâm nguyện mỗi ngày, để chữa bệnh tử tế, để khi cần họ sẵn lòng hiến cả máu cứu sống bệnh nhân. Chúng ta tin như vậy!