Hình ảnh của nước Mỹ đang dần suy giảm dưới thời chính quyền Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cho người dân của những nước đồng minh thân cận nhất của họ và nhiều nước khác trên thế giới nhiều phen lo lắng, khiến cho vị thế của nước Mỹ trong con mắt cộng đồng quốc tế suy giảm, theo một bản thăm dò nghiên cứu công bố hôm 27/6.
Theo nghiên cứu của Pew Research, hình ảnh của nước Mỹ trong con mắt cộng đồng quốc tế đã suy giảm. (Nguồn: Reuters).
Tỷ lệ ủng hộ Trump giảm mạnh
Bất ngờ thay, bản khảo sát thực hiện trên 37 quốc gia cho thấy Nga lại là điểm sáng dành cho ông Trump khi phần lớn người dân nước này cho hay họ có niềm tin vào ông. Và thái độ của người dân Nga với nước Mỹ đã cải thiện kể từ khi ông Trump nhậm chức. Nhưng ở các nước khác, hình ảnh nước Mỹ lại bị suy giảm đáng kể.
Bản thăm dò dư luận quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy rằng tỷ lệ ủng hộ nước Mỹ đã giảm từ 64% - trong khoảng thời gian mà Tổng thống Barack Obama còn nắm quyền - xuống còn 49%. Các con số thống kê mới này cũng gần giống như vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush.
Và đánh giá về cá nhân Tổng thống Trump thậm chí còn tồi tệ hơn: 22% số người tham gia cho hay họ tin rằng ông Trump sẽ làm điều tốt đẹp cho thế giới, hạ xuống từ mức 64% trong lúc ông Barack Obama còn đang tại vị.
Từ Chile cho tới Italy, từ Thụy Điển tới Nhật Bản, phần lớn người dân cho rằng Tổng thống Mỹ là người có tính cách kiêu ngạo, không bao dung và nguy hiểm. Còn theo những người ủng hộ ông, phần lớn cho rằng ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Và rất nhiều người tham gia khảo sát cho hay, họ hy vọng rằng mối quan hệ giữa đất nước họ với Mỹ sẽ được giữ vững trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Sự suy giảm này có lẽ bắt nguồn từ chính Tổng thống Mỹ, người từng thực hiện chiến dịch với cam kết chủ đạo là đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu, khiến nhiều phần còn lại của thế giới không hài lòng. Phản ứng tiêu cực này còn ảnh hưởng đến chính nước Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu, nơi có tỷ lệ người không ủng hộ nước Mỹ tăng mạnh.
Frank G. Wisner, một nhà ngoại giao từng làm việc cho cả hai chính đảng ở nước Mỹ, cho rằng điều bất ngờ chính là Tổng thống Trump đã phá vỡ nhiều nguyên tắc của nước Mỹ đã tồn tại trong thời gian dài. Sự phá vỡ nguyên tắc này bao gồm trong nhiều lĩnh vực như thị trường tự do, phòng thủ tập thể, nhân quyền và luật pháp.
“Hình ảnh của nước Mỹ đã chịu ảnh hưởng tiêu cực trong những năm gần đây, từ quyết định tham chiến Iraq cho tới các sự kiện trong năm 2007 và 2008, khi mô hình tài chính của Mỹ dính đòn chí mạng” - ông Wisner nói - “Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là việc ông Trump vào Nhà Trắng”.
Theo ông Wisner, các bản thăm dò dư luận kiểu này thường thực sự có ảnh hưởng bởi nó định hình cách mà các lãnh đạo ngoại giao nước ngoài cân nhắc về lợi ích của Mỹ.
Mức độ phê phán mà những công dân nước ngoài tham gia khảo sát đưa ra cho thấy ông Trump phá vỡ tiến trình làm đẹp hình ảnh của nước Mỹ mà chính quyền Obama trước đây đã từng thúc đẩy. Tiến trình này đã từng khiến chính quyền Bush trước đây mất tới 8 năm; trong khi ông Trump chỉ mất có 6 tháng để làm hỏng nỗ lực đó, theo đánh giá của Pew.
Nhiều nước đồng minh giảm niềm tin vào Mỹ
Sự phản đối của người dân các nước đối với ông Trump bắt nguồn từ việc họ không tán thành với các mục tiêu chính sách mà ông đề ra, như xây dựng một bức tường chắn dọc biên giới Mỹ-Mexico, rút khỏi hiệp định thương mại NAFTA và chính tính cách của ông; theo kết quả thăm dò của Pew.
Trong số nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác cũng được Pew thực hiện khảo sát thì Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận được sự ủng hộ cao nhất hiện nay.
Trong 37 quốc gia nằm trong danh sách khảo sát, tỷ lệ phản đối bà Merkel là rất thấp hoặc không có ai phản đối, và kết quả là chỉ 31% số người tham gia phản đối bà, so với 74% mà ông Trump nhận phải.
Niềm tin vào Tổng thống Mỹ đặc biệt suy giảm mạnh mẽ ở một số quốc gia đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu và châu Á, cũng như các nước láng giềng của họ như Canada và Mexico. Chỉ riêng ở hai quốc gia là Nga và Israel, tỷ lệ ủng hộ ông Trump cao hơn so với ông Obama trước đây.
Kể từ năm 2002, khi hãng nghiên cứu Pew bắt đầu thực hiện các cuộc thăm dò dư luận quốc tế về hình ảnh của nước Mỹ, tỷ lệ ủng hộ đất nước này gần như luôn song hành cùng với tỷ lệ ủng hộ Tổng thống của nó.
Theo bảng thăm dò mới nhất, hình ảnh Mỹ đã tốt hơn đối với người dân Nga, khi mà tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ ở nước này đã tăng từ 11% vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của ông Obama lên 53% dưới thời ông Trump.
Tuy Pew không đưa ra con số chính xác về tỷ lệ ủng hộ ông Trump bên trong nước Mỹ, do một số vướng mắc, nhưng các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy phần lớn người dân Mỹ không hài lòng với khoảng thời gian làm Tổng thống của ông Trump cùng cách xử lý chính sách ngoại giao của ông.
Nước Đức được cho là có tỷ lệ phản đối nước Mỹ cao nhất trong danh sách 37 quốc gia, với 62% người tham gia khảo sát nói rằng họ không thích nước Mỹ tại thời điểm hiện nay và 87% nói họ không tin tưởng ông Trump.
Đức nằm trong danh sách hơn một nửa trong tổng số 37 quốc gia được khảo sát có mức suy giảm niềm tin vào nước Mỹ ở mức 2 con số trong năm nay. Tại Mexico, tỷ lệ người dân ủng hộ nước Mỹ đã giảm tới một nửa, từ 66% xuống còn 30%. Tại 10 quốc gia được khảo sát, phụ nữ thường có xu hướng nhìn nhận nước Mỹ tiêu cực hơn là đàn ông. Và ở 16 quốc gia khác, người lớn tuổi thường tỏ ra không tin tưởng nước Mỹ hơn là người trẻ tuổi.
Vị thế của Mỹ đang suy giảm?
Cùng lúc, bản thăm dò của Pew cũng cho thấy, sự lôi cuốn của nước Mỹ đối với người nước ngoài không hề bị sứt mẻ, cũng giống như nền văn hóa Mỹ.
Phần lớn người tham gia khảo sát nghĩ rằng chính quyền Mỹ vẫn tôn trọng các quyền tự do của con người, dù vẫn có sự nghi ngờ nhất định về cái gọi là “dân chủ kiểu Mỹ” trong số người dân Đức và Pháp. Tại châu Á, người dân có xu hướng không ủng hộ sự du nhập văn hóa và ý tưởng của Mỹ sang đất nước họ.
Sự phức tạp này mới đây đã được phản ánh trong một lớp học tại trường ĐH Tự do ở Berlin (Đức), khi chủ đề tranh luận được đăt ra cho các sinh viên là “Nền dân chủ và nhà nước ở Mỹ”.
Một trong số các vị giáo sư trường ĐH này, Christian Lammert, đã nói rằng các sinh viên của ông đại diện cho thế hệ đầu tiên nhận thức chính trị rằng vị thế của Mỹ trên trường thế giới đang bị đặt trong nghi vấn. Nền dân chủ Mỹ, trong con mắt các sinh viên trong lớp học này, là không hoàn hảo bởi cách ứng xử đối với các nhóm người thiểu số.
Khi mà đất nước của họ, Đức, đang đóng vai trò dẫn đầu mới mẻ, các sinh viên này đang tìm hiểu về cách thức mà địa chính trị có thể thay đổi trong vài thập kỷ tới, ông Lammert nói.
Ở Anh, đất nước đang bị bao vây bởi bầu không khí bất ổn chính trị do sự kiện Brexit, một làn sóng hoài nghi về Tổng thống Trump đã trỗi dậy, thậm chí ngay cả trong số những người ủng hộ Brexit, ông Michael Borio, một ủy viên hội đồng của thành phố London, cho hay.
Nicholas Guyatt, một sử học gia thuộc ĐH Cambridge từng viết về sức mạnh đang suy yếu của nước Mỹ, cho rằng tỷ lệ ủng hộ ông Trump thấp như hiện nay là do sự hỗn loạn chính trị ở Washington cùng sự thiếu kết nối giữa Tổng thống Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Được biết, bản thăm dò dư luận quốc tế này được Pew Research thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 2 - tháng 5 năm nay, trong đó lựa chọn ngẫu nhiên ý kiến của 852 người trong tổng số 2.464 người thuộc 37 quốc gia khác nhau. Tỷ lệ sai lệch của các kết quả là từ 3,2% - 5,7% ở mỗi nước.