Thăm ‘thành phố titan’ ở Trung Quốc
Chiếm 80% sản lượng toàn Trung Quốc, Bảo Kê được mệnh danh là thành phố titan. Tuy nhiên TP luôn chú trọng đặc biệt tới môi trường. Bất cứ DN, nhà máy đang hoạt động không đạt tiêu chuẩn môi trường quốc gia sẽ được thông báo đóng cửa ngay lập tức.
Thăm một nhà máy sản xuất linh kiện cho hệ thống đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc tại tỉnh Thiểm Tây.
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TP Bảo Kê (tỉnh Thiểm Tây) ông Vi Vũ Sinh cho biết: “Nếu nói lịch sử Trung Quốc là lịch sử của 5.000 năm thì nguồn gốc của Trung Quốc đã có 2 Vua sinh ra tại Bảo Kê. Nền văn hóa nông nghiệp cũng được cho là bắt nguồn từ Bảo Kê. Và, Bảo Kê cũng đã được các triều đại nhà Chu, nhà Tần chọn làm Thủ đô sớm nhất”, ông Vi Vũ Sinh nói. Ông cũng nhắc đến Khu văn hóa Thanh Đồng, khu văn hóa nổi tiếng của TP Bảo Kê.
Bảo Kê là thành phố lớn thứ 2 của tỉnh Thiểm Tây (chỉ sau Tây An) với 3 khu (quận), 9 huyện, một khu công nghệ cao cấp quốc gia, một khu công nghệ cao cấp tỉnh.
Bảo Kê có diện tích 18 ngàn km2 với dân số là 3.740.000 người. Thu nhập bình quân đầu người/ năm của khu vực thành thị đạt 31 ngàn tệ/năm; khu vực nông thôn 10 ngàn tệ/năm.
Trao đổi với Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TP Bảo Kê về định hướng phát triển của TP trong thời gian tới.
Năm 2016, GDP của Bảo Kê đạt 9%, cao hơn trung bình của cả Trung Quốc và đặt mục tiêu tăng 10% trong năm nay. Muốn đạt được điều này, ông Sinh cho rằng, tất cả các ngành đều phải nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu kinh tế đã đề ra.
TP Bảo Kê có vị trí vô cùng đặc biệt khi nằm ở phía Tây đồng bằng Quang Trung; là trung tâm của 4 tỉnh Thiểm Tây - Tứ Xuyên - Cam Túc - Ninh Hạ; là đầu mối liên kết kinh tế giữa Đông và Tây; giữa Bắc và Nam.
Dãy chính thuộc dãy Tần Lĩnh (Thái Bạch) tọa lạc ngay tại Bảo Kê. Điều này giúp cho Bảo Kê có một diện tích rừng núi chiếm tới 54%.
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TP Bảo Kê cho biết, bên cạnh những di tích danh thắng văn hóa nổi tiếng, Bảo Kê còn nổi tiếng về 9 ngành công nghệ chủ chốt.
Là thành phố dẫn đầu về công nghiệp nặng của Trung Quốc. Nơi đây còn nổi tiếng với chuỗi sản xuất xe ô tô, thiết bị giao thông, an ninh hàng không, năng lượng mới, khai thác dầu mỏ.
Riêng ngành sản xuất titan đã chiếm 80% sản lượng toàn Trung Quốc. Cũng vì thế, Bảo Kê được mệnh danh là thành phố titan.
Kim ngạch thương mại với các nước phát triển của riêng Bảo Kê hiện đạt nhiều tỷ đô la/năm.
Không chỉ có vậy, Bảo Kê còn nổi tiếng với 2 loại rượu thuốc đó là, rượu Tây Phượng và Thái Bạch.
Một góc Di tích văn hóa Thanh Đồng (TP Bảo Kê).
Nói về quá trình bảo vệ môi trường trong một thành phố công nghiệp phát triển, ông Vi Vũ Sinh cho biết, do TP tập trung vào sản xuất trang thiết bị, công nghiệp phụ trợ và chế biến thuốc là chủ yếu nên áp lực môi trường lên TP không quá lớn. Tuy nhiên, từ lâu TP đã thống nhất chủ trương: Đã thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao thì không thu hút những công nghệ gây ô nhiễm, ông Vi Vũ Sinh cho hay.
Nói về chính sách nhằm thu hút công nghệ thân thiện theo như chính sách của TP, ông Sinh cho rằng: Chính sách ấy, trước hết là việc tuân thủ tiêu chuẩn môi trường mà các bộ, ngành trung ương của Trung Quốc phê duyệt.
Nếu không đảm bảo tiêu chuẩn ấy sẽ không được cấp phép đầu tư vào Bảo Kê. Còn với DN, nhà máy đang hoạt động không đạt tiêu chuẩn môi trường quốc gia sẽ được thông báo đóng cửa ngay lập tức.